Nhân chuyện nhà thờ tổ nghiệp của Hoài Linh: Quản lý kiểu…vuốt đuôi
Đời sống - Ngày đăng : 10:40, 29/02/2016
Câu chuyện dừng thi công, đình chỉ hoặc tháo dỡ các công trình xây dựng trong thời gian vừa qua xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước. Những vụ việc hết sức quen thuộc với dư luận, xin được ví dụ như nhà 8B Lê Trực, Hà Nội; biệt phủ hàng trăm tỷ của đại gia vàng ở Hải Vân (Đà Nẵng), biệt thự của tướng Công an về hưu…khiến dư luận băn khoăn.
Nhà thờ tổ nghiệp của nghệ sĩ Hoài Linh bị dừng thi công khi sắp hoàn thành
Trở lại với sự việc tạm dừng công trình xây dựng nhà thờ tổ nghiệp của danh hài Hoài Linh, theo UBND quận 9, TP.HCM thì công trình này xây trái phép trên một diện tích lớn đất nông nghiệp tại phường Long Phước. Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 9 phát biểu trên báo chí cho biết, sau khi đình chỉ và xử phạt hành chính một số hạng mục xây dựng không phép, UBND quận sẽ xem xét công trình này có đủ điều kiện để tồn tại hay không.
Nếu công trình này sau khi xem xét mà đủ điều kiện tồn tại, theo khoản 9, điều 13, Nghị định 121 quy định về việc cho tồn tại công trình sai phép, cơ quan chức năng sẽ tính ra giá trị xây dựng của công trình, sau đó chủ công trình sẽ phải đóng 40% giá trị của toàn bộ công trình. Như vậy, dù chọn phương án nào thì chủ công trình sẽ thiệt hại nặng nề và trước mắt nguy cơ công trình hàng trăm tỷ này sẽ tiếp tục chung số phận như các công trình sai phép khác đã nêu trên.
Việc tháo dỡ, cưỡng chế các công trình sai phép được pháp luật quy định rõ ràng. Bất kỳ ai hay tổ chức nào sai phạm đều phải được xử lý thì mới đảm bảo được tính thượng tôn của pháp luật. Tuy nhiên, đến mức một công trình sai phép phải tháo dỡ thì hẳn nhiên nó đã thuộc giai đoạn khắc phục hậu quả.
Trong năm 2015, trong lĩnh vực xây dựng liên tục các nhà quản lý phải đi khắc phục hậu quả cho hàng loạt công trình đồ sộ. Công trình xây dựng tốn kém và khi tháo dỡ còn tốn kém gấp nhiều lần. Một điều rất lạ là, các công trình sai phép kể trên (bao gồm cả nhà thờ tổ nghiệp của Hoài Linh) chỉ khi được báo chí nhắc đến thì nhà chức trách mới “cắp sổ sách” đi kiểm tra.
Vào tháng 3 năm 2015, công trình biệt thự hoành tránh của một vị tướng Công an về hưu xây dựng trái phép tại khu vực rừng đặc dụng Nam Hải Vân thuộc địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng bị tháo dỡ. Trước đó công trình đã được đưa vào sử dụng, chủ nhân của nó ước tính đổ số tiền hàng trăm tỷ cho công trình này.
Tương tự như vậy, công trình biệt phủ tráng lệ của một đại gia vàng cũng phải tháo dỡ từng viên ngói khi chủ nhân vừa khánh thành không lâu. Chúng ta nhìn thấy rõ ràng sự lãng phí tài sản và sau đó là bất cập trong công tác quản lý.
Tháo dỡ biệt thự đồ sộ vì xây dựng trái phép
Công trình hàng trăm tỷ, ngự trên khoảng đất rộng nhiều hécta tuyệt nhiên không bé li ti như con kiến, chẳng lẽ trong suốt thời gian xây dựng chính quyền địa phương không phát hiện ra?. Bởi nếu biết là sai phạm tại sao lại không vào cuộc ngăn chặn ngay từ khi công trình đặt viên gạch đầu tiên?.
Rõ ràng, trong quản lý xây dựng của nhiều địa phương hiện nay hết sức lỏng lẻo và có phần quan liêu. Mặc nhiên để các công trình sai phép mọc lên rồi động thái duy nhất của chính quyền địa phương là rốt ráo đình chỉ, xử phạt và tháo dỡ.
Nếu vẫn còn tồn tại tình trạng quản lý kiểu “vuốt đuôi” như vậy thì rất nguy!.