Tập trung các giải pháp hiệu quả bảo đảm an toàn dân cư trong các tình huống thiên tai
Chính trị - Ngày đăng : 09:43, 31/05/2016
Năm 2015, do diễn biến nhanh của biến đổi khí hậu, đặc biệt là ảnh hưởng của hiện tượng El Nino cường độ mạnh, kéo dài, tình hình thiên tai diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở nhiều nơi trên thế giới như Ấn Độ, Nê pan, Myanmar, Nhật Bản,... Ở nước ta tình hình thời tiết, thiên tai cũng diễn biến rất bất thường, cực đoan, đặc biệt là hạn hán ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, nắng nóng, rét đậm rét hại, mưa lớn kỷ lục, mưa đá, dông lốc liên tiếp xảy ra; tình hình tai nạn, sự cố cháy nổ, cháy rừng, sự cố môi trường, sự cố hàng không, tai nạn trên biển, trên sông, sập đổ công trình, hầm lò,... xảy ra nhiều.
Trong thời gian tới thời tiết, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Sự cố, tai nạn trên nhiều lĩnh vực chưa được kiềm chế có hiệu quả. Do vậy, cần tiếp tục tập trung chỉ đạo, có các giải pháp hiệu quả bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khẩn trương xây dựng, cập nhật phương án bảo đảm an toàn dân cư trong các tình huống thiên tai, đặc biệt là ứng phó một số thiên tai cực đoan như bão mạnh, siêu bão, lũ đặc biệt lớn. Trên cơ sở đó tổng hợp xây dựng phương án ứng phó chung phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Sẵn sàng hỗ trợ ứng phó tình huống thiên tai lớn
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn. Xây dựng phương án điều động, chi viện lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ địa phương ứng phó các tình huống thiên tai lớn, đặc biệt là bão mạnh, siêu bão, lũ lớn, động đất, sóng thần. Tổ chức huấn luyện, diễn tập cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống thiên tai, sự cố theo kế hoạch; tiếp tục nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp của lực lượng cứu hộ, cứu nạn.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực trọng điểm, xung yếu. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng quân đội đóng quân trên địa bàn tiếp tục phối hợp, hỗ trợ triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn theo đề nghị của địa phương; phối hợp với các địa phương rà soát, xử lý các chi phí phục vụ lực lượng tham gia hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn theo đúng quy định.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời thông tin đến các cơ quan chức năng và nhân dân biết để chủ động phòng, tránh. Bố trí hệ thống quan trắc, kiểm soát chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất, đặc biệt cơ sở sản xuất công nghiệp xả thải ra môi trường, tránh sự cố, thảm họa môi trường.
Bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập phòng chống thiên tai
Phó Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực của bộ phận thường trực phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng chuyên nghiệp. Xây dựng phương án chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra ở địa phương. Tổ chức kiểm tra, khắc phục sự cố và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn; chỉ đạo kiểm tra phương án tiêu thoát nước, chống ngập tại các đô thị, khu dân cư ven sông, suối, ven biển, bảo đảm an toàn hầm lò, khu vực khai thác mỏ, tuyến đường giao thông, khu vực có nguy cơ sạt lở, mất an toàn.
Đồng thời tổ chức di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy cơ cao xảy ra thiên tai bất thường như lũ quét, lũ ống, sạt lở đất; có phương án chủ động sơ tán khi có thiên tai đối với những hộ chưa có điều kiện di dời để đảm bảo an toàn tính mạng. Lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai, bảo vệ công trình thủy lợi, xử lý công trình, nhà cửa xây dựng trái phép ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ.
Các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn; chủ động bố trí kinh phí, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý kinh phí đối với lực lượng được huy động tham gia khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn theo đúng quy định.
Các Bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước phối hợp các địa phương chỉ đạo kiểm tra các công trình xây dựng thuộc phạm vi quản lý của mình, nhất là đối với các công trình dễ có nguy cơ sự cố khi xảy ra thiên tai, lũ, bão như hồ đập, các cột, tháp truyền hình, viễn thông, cột điện cao thế,…; kịp thời khắc phục sự cố, tu sửa, nâng cấp công trình chủ động phòng, chống thiên tai.