Phóng sự - Ghi chép

Nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau tích tắc

Thanh Phương 26/02/2024 07:05

Giữa những tiếng máy tít tít liên hồi, tiếng lách cách thay dao, kéo mổ và bước chân của y, bác sỹ, thời gian như dừng lại, lúc này sự sống và cái chết chỉ cách nhau tích tắc, tất cả trông chờ vào trí tuệ, tay nghề của bác sỹ. Bằng tâm huyết, trách nhiệm, “lương y như từ mẫu” họ đang vật lộn với tử thần giành giật lại sự sống cho người bệnh.

Người về từ cõi chết

Nhớ lại những giây phút chiến đấu với tử thần, anh Lê Văn Thiều (28 tuổi, Thiệu Phú, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) không khỏi xúc động. 04h30 sáng ngày 31/01, người thân phát hiện anh Thiều đột ngột mất ý thức, toàn thân tím tái nên đã đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

benhnhanthieu.jpg
Anh Thiều trở về từ cõi chết

Anh Thiều nhập viện trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim, đồng tử hai bên giãn tối đa, phản xạ ánh sáng yếu, tím tái toàn thân, tiên lượng hết sức nặng nề. Sau gần 1 tiếng nỗ lực cấp cứu ngừng tuần hoàn của đội ngũ y bác sỹ Trung tâm Cấp cứu, bệnh nhân có nhịp tim trở lại.

Tuy nhiên, ngay sau khi được chuyển về khoa Hồi sức tích cực 1 – Chống độc, bệnh nhân lại tiếp tục xuất hiện ngừng tim lần 2. Mặc dù đã được các bác sỹ nhanh chóng tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, khôi phục nhịp tim nhưng bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, toan chuyển hóa nặng và phụ thuộc thuốc vận mạch liều cao để duy trì nhịp tim – huyết áp.

ThS. BS. Đỗ Minh Thái, Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1 và chống độc chia sẻ: Cuộc hội chẩn khẩn trương đưa ra phương án vừa phải áp dụng các biện pháp hồi sức cứu sống, vừa phải giảm tối đa việc để lại di chứng tổn thương não rất nặng nề cho người bệnh. Bệnh nhân được đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm, đặt huyết áp động mạch xâm lấn, hạ thân nhiệt chỉ huy đưa nhiệt độ cơ thể về 33 độ C để bảo tồn các chức năng não bộ và lọc máu liên tục.

phauthuat.jpg
Bằng trí tuệ, tâm huyết đội ngũ y, bác sỹ vẫn hàng ngày nỗ lực giành giật sự sống cho người bệnh

Sau khi áp dụng các kỹ thuật cao trong hồi sức tích cực, hy vọng sống của người bệnh được thắp lên nhưng các bác sỹ, điều dưỡng vẫn phải theo dõi, ghi chép, điều chỉnh phác đồ liên tục từng giờ và luôn phải túc trực 24 giờ/ngày và tiến hành hội chẩn liên tục để tìm phương án điều chỉnh tối ưu nhất cho người bệnh.

Cuối cùng, sau 20 ngày điều trị tích cực, nhờ sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y bác sỹ, anh Thiều tỉnh táo hoàn toàn, có thể trở lại sinh hoạt và làm việc bình thường mà không để lại di chứng. “Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa là ngôi nhà thứ 2 của tôi và cũng là nơi đã sinh ra tôi thêm lần nữa. Xin được cảm ơn các y, bác sỹ, những người thân yêu đã cho tôi được sống tiếp cuộc đời tươi đẹp này…”, anh Thiều nói.

Một trường hợp may mắn khác được cứu sống kịp thời trong dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024 là chị Cầm Thị Hiền (25 tuổi, quê quán ở Vạn Xuân, Thường Xuân). Ngày 10/01, cũng như mọi ngày, chị đi làm như bình thường và không có dấu hiệu ốm đau hay bệnh tật gì. Đến giờ đón trẻ, chị đột ngột ngừng tim, ngừng thở ngay tại trường. Ngay sau đó chị được đồng nghiệp chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đại An cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu.

ungtruc.png
Các y, bác sỹ tại Trung tâm cấp cứu không có ngày lễ, Tết luôn phải túc trực 24/24

Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Đại An đã liên hệ với các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa để xin hỗ trợ về chuyên môn trực tuyến. Nhờ nỗ lực cấp cứu ngừng tuần hoàn của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đại An và sự hỗ trợ chuyên môn trực tuyến tích cực của các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, bệnh nhân có mạch trở lại, tuy nhiên tình trạng vẫn rất nguy kịch, hôn mê sâu. Sau đó, chị Hiền được chuyển đến viện Đa khoa Thanh Hóa để tiếp tục điều trị.

Chị Hiền nhập viện vào khoa Hồi sức tích cực 1 – Chống độc với chẩn đoán hôn mê sau cấp cứu ngừng tuần hoàn, toan chuyển hóa nặng, hạ Kali máu. Tiên lượng tình trạng bệnh nhân rất nặng, có thể để lại di chứng tổn thương não nếu không được điều trị tích cực, đúng phác đồ.

Bằng sự tận tâm, trách nhiệm và kinh nghiệm xử trí nhiều ca bệnh khó, đội ngũ các y bác sỹ khoa Hồi sức tích cực 1 – Chống độc đã không quản ngày đêm tận tụy chăm sóc, theo dõi và điều trị cho chị Hiền. Sau hơn 10 ngày điều trị, ê kip các y bác sỹ cũng như gia đình chị Hiền vỡ òa trong niềm vui sướng, chị Hiền đã hồi phục một cách thần kỳ và có thể trở lại cuộc sống thường ngày như chưa hề phải trải qua những giờ phút đứng giữa lằn ranh sinh tử.

vevoigiadinh.jpg
Chị Hiền hành phúc khi trở về với cuộc sống thường nhật sau giây phút sinh tử

Một trường hợp khác giành lại được sự sống là anh Trương Văn Hải (20 tuổi, cư trú tại Điền Trung, Bá Thước). Ngày 08/02 (tức 29 Tết), anh Hải được chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng hết sức nguy kịch: Hôn mê sâu, biến dạng lồng ngực, mạch và huyết áp không bắt được do tai nạn giao thông.

Nhận định đây là trường hợp có tổn thương bên trong khá phức tạp, nguy cơ tử vong cao nếu không được phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp để cầm máu cho bệnh nhân, các bác sỹ tại Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã lập tức khởi động hệ thống báo động đỏ, xử lý cấp cứu hồi sức và chuyển khẩn cấp bệnh nhân về phòng mổ.

Ê kíp các bác sỹ khoa Phẫu thuật thần kinh – Lồng ngực và Gây mê hồi sức đã nhanh chóng mở ngực, phát hiện khoang màng tim có vết rách nhỉ phải phức tạp chảy nhiều máu, tim đập rời rạc, khoang màng phổi phải có khoảng 500ml máu không đông, phổi đụng dập nhiều. Bệnh nhân được khâu vết thương tim, xử trí giải phóng chèn ép tim, cầm máu và xử lý phổi dập. Do vết thương khá phức tạp, tổn thương tim, phổi lớn nên bệnh nhân mất nhiều máu, trong quá trình phẫu thuật các bác sĩ đã phải truyền 10 đơn vị máu cho bệnh nhân.

Sau khoảng gần 2 giờ phẫu thuật cấp cứu, bệnh nhân đã cầm được máu ở vết thương, huyết động ổn định, sức khỏe bệnh nhân tiến triển khá tốt, các chỉ số sinh tồn trong giới hạn bình thường. Sau hơn 10 ngày được theo dõi và điều trị tích cực, sức khỏe anh Hải đã tiến triển khá tốt và và có thể được ra viện trong một vài ngày tới.

Cảm ơn những “thiên thần” áo trắng

Chia sẻ về ca phẫu thuật này, bác sỹ Dương Văn Minh (khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực) cho biết: 23h đêm 29 Tết hôm đó tôi đang chuẩn bị đi ngủ thì nhận được điện thoại của Lãnh đạo khoa yêu cầu đến Bệnh viện để xử trí khẩn cấp cho 1 ca chấn thương tim nghiêm trọng. Không chần chừ, tôi di chuyển rất nhanh đến Bệnh viện vì biết rằng mỗi giây phút lúc này với bệnh nhân chấn thương tim được đo bằng cả sinh mệnh.

anhthieucamon.jpg
Bệnh nhân Thiều gửi lời cảm ơn tới đội ngũ y, bác sỹ đã tận tình cứu chữa

Khi bước chân vào phòng mổ, trước mắt tôi là một nam thanh niên còn rất trẻ với rất nhiều thương tích trên người đang hôn mê nằm trên bàn mổ, tôi hơi khựng người lại vì thấy quá xót xa. Lấy lại bình tĩnh, tôi cùng đồng nghiệp khẩn trương tiến hành ca phẫu thuật. Đến gần 2h sáng ngày hôm sau, chúng tôi hoàn thành ca phẫu thuật, bệnh nhân có dấu hiệu của sự sống. Lúc này tôi và các đồng nghiệp mới thở phào nhẹ nhõm.

Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa là nơi cường độ làm việc luôn gấp gáp, khẩn trương, nơi thường phải đối mặt với những ca bệnh nặng “thập tử nhất sinh”. Nơi đây, không có khái niệm ngày và đêm, không có khái niệm về lễ, tết… Áp lực, vất vả là vậy nhưng những y, bác sỹ vẫn luôn tận tâm, tận lực, nỗ lực hết mình để giành giật lại sự sống cho bệnh nhân.

ThS, Bác sỹ Lâm Tiến Tùng – Trưởng khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực 2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng gần 200 ca cấp cứu, trong đó có nhiều trường hợp rất nặng như đột quỵ, chấn thương sọ não, nhồi máu cơ tim… Có những lúc vào thời điểm bùng phát các bệnh như: Sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp, tiêu chảy hay thay đổi thời tiết đột ngột chuyển lạnh, gia tăng nhiều người bị đột quỵ… thì từ sáng đến đêm, các bác sĩ liên tục khám cấp cứu cho người bệnh, có lúc hai bàn chân tê cứng, bụng đói cồn cào nhưng không thể nghỉ ngơi vì người bệnh quá đông, nhiều trường hợp nguy kịch phải xử trí can thiệp tích cực ngay.

Rời Phòng Cấp cứu cuối giờ tan tầm, khi ánh đèn khắp các nẻo đường đã bật sáng, những người trong ca trực đêm trước trở về nhà. Họ có thể nghỉ ngơi với gia đình sau một ngày đêm căng thẳng, vất vả nhưng cũng có thể phải quay lại bệnh viện ngay sau tiếng chuông điện thoại. Những “thiên thần” áo trắng với trái tim yêu thương, với trách nhiệm cao cả vẫn đang từng ngày, từng giờ góp phần đem lại mùa xuân ấm áp cho người bệnh, nhân dân.

Thanh Phương