Văn hóa - Du lịch

Lễ đập trống giữa đại ngàn Trường Sơn

Minh Phương 26/02/2024 06:53

Đã thành thông lệ, đêm 16 tháng Giêng Âm lịch hằng năm, đồng bào người Ma Coong lại đổ về bản Cà Roòng 1 (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) để tham gia lễ hội đập trống.

Đây là lễ hội quan trọng nhất trong năm của người Ma Coong giữa đại ngàn Trường Sơn được UBND huyện Bố Trạch tổ chức.

z5192432560810_fee7646ada79875e89774bd931874c72.jpg
Một tiết mục văn nghệ tại lễ đập trống của người Ma Coong được UBND huyện Bố Trạch tổ chức.

Để chuẩn bị cho đêm lễ hội, người Ma Coong có gì góp nấy nhưng phải có gạo để nấu rượu hiêng, trai tráng trong làng thì cùng nhau làm trống, phụ nữ thì làm gà, nấu xôi, nấu rượu…, mời khách đến chung vui trong đêm hội.

Bộ phận chủ lễ ở đây là những người đứng đầu ba dòng họ trong vùng, là những dòng họ có công khai phá ra vùng đất mà người Ma Coong đang sống. Họ được quyền cha truyền con nối để làm chủ lễ hằng năm.

z5192429548609_4b5820bade7f62d3f797b352bc84a6e0.jpg
Xong phần lễ, già làng Đinh Xon phát lệnh và lễ hội đập trống bắt đầu.

Để thực hiện nghi lễ, bà con dân bản dựng một dãy nhà tranh ở một khoảng đất trống dưới tán rừng cổ thụ. Trong căn nhà chính làm nơi hành lễ, treo trang trọng một chiếc trống. Sau khi mọi công việc chuẩn đã bị đã xong, mọi người cùng chờ trăng lên.

Khi đêm buông xuống, trăng lên nửa đầu, 18 bản dâng lên 18 mâm cúng Giàng (trời) gồm; rượu, thịt gà, cá, xôi, một ít lúa gạo…

z5192429971198_56ab46a4417581fad54d0ba755d6003d.jpg
Già làng Đinh Xon thực hiện nghi lễ cúng trời đất, cúng Giàng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…

Sau khi dâng lễ, già làng Đinh Xon bước vào làm lễ khấn cúng trời đất, cúng Giàng, cầu cho mưa thuận gió hòa, dân bản sống yên lành, làm ăn no đủ, mùa màng bội thu… Xong phần lễ, già làng phát lệnh và lễ hội đập trống bắt đầu.

Lúc tiếng trống vang lên, mọi người bắt đầu xúm lại mời nhau những ché rượu cần, rượu hiêng. Men rượu say nồng bốc lên, nhóm thanh niên trai tráng thay nhau dùng cây gỗ nhỏ, cây nứa…, đánh mạnh hết sức vào mặt trống. Người không tham gia thì cầm tay nhau nhảy múa quanh bếp lửa rực cháy.

z5192430964423_8335ab2ae797d6a97c7abbcc505b2752.jpg
Du khách hòa mình cùng đồng bào Ma Coong thay phiên nhau đập trống.

Dưới ánh trăng, từng tốp người thay nhau đập trống, nhảy múa, uống rượu bên ánh lửa bập bùng. Không chỉ người Ma Coong mà người dân, du khách ở khắp nơi cũng đỗ về chung vui trong ngày hội.

Trống phải đánh thủng trước khi trời sáng mới thôi, trời đất mới chứng giám cho lòng thành của dân bản. Vừa đánh trống, nhóm thanh niên vừa la vang rừng: "Roa lữ Giàng ơi!" (sướng quá/vui quá trời ơi).

z5192431903668_81e5d9b52908ce51832f39a81d7503d6.jpg
Đồng bào Ma Coong, người dân và du khách bắt đầu thưởng thức rượu...

Trống thủng càng sớm, trai gái trong bản càng mau được hẹn hò, gặp gỡ, để bày tỏ tình cảm của mình mà không phải lo sợ điều gì, để rồi sau lễ hội lại có thêm nhiều cặp trai gái kết đôi nên duyên thành vợ, thành chồng.

Trải qua nhiều thay đổi, nhưng lễ hội đập trống của người Ma Coong vẫn còn nguyên những giá trị văn hóa mà ẩn sâu bên trong là tín ngưỡng phồn thực trong sinh hoạt đời sống cộng đồng, gần gũi với đông đảo du khách gần xa, là sự kiện văn hóa quan trọng của tỉnh Quảng Bình, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (năm 2019).

Theo truyền thuyết của người Ma Coong, ngày xưa vùng đất họ đang sinh sống xuất hiện một con khỉ ác màu vàng, đêm đến thường vào rẫy của bà con phá hoại mùa màng nên liên tục mất mùa đói kém, đau ốm triền miền. Người Ma Coong đã dùng nhiều cách đuổi khỉ ác nhưng vẫn bất lực.

Đêm trước ngày rằm tháng Giêng, già làng nằm mơ thấy Giàng (trời) hiện về mách bảo muốn đuổi khỉ thì hãy làm một chiếc trống tiếng thật vọng mang ra đánh vào đêm trăng sáng nhất khi khỉ ác về.

Tỉnh giấc, già làng lập tức tề tựu người trong bản kể lại giấc mơ. Ngày hôm sau, những người đàn ông trong bản làm ngay một chiếc trống từ tấm da trâu, âm thanh vang xa, vọng sâu giữa núi rừng. Chờ khỉ đến đúng giờ trăng sáng nhất đêm 16 tháng Giêng, thanh niên trai tráng mang trống ra thay nhau đánh, nghe tiếng trống, khỉ ác hoảng sợ nên trốn biệt và chẳng bao giờ dám quay trở lại.

Để bày tỏ lòng biết ơn, người Ma Coong mang những của ngon vật lạ đem ra bày biện, làm lễ cúng tế dâng lên Giàng. Cũng từ đó, lễ hội đập trống của người Ma Coong bắt đầu hình thành.

Minh Phương