Vận chuyển công dân nhập ngũ bảo đảm an toàn, đúng quy định
Cục Vận tải đã có công văn hướng dẫn việc vận chuyển công dân nhập ngũ gửi các đơn vị toàn quân để chỉ đạo, định hướng, làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị vận tải xây dựng kế hoạch vận chuyển.
Từ ngày 25 đến hết ngày 27/2, thanh niên các địa phương đủ điều kiện nhập ngũ sẽ lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự năm 2024.
Để việc vận chuyển công dân nhập ngũ về các đơn vị bảo đảm nhanh chóng, an toàn, đúng thời gian quy định, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần là đơn vị được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị làm nhiệm vụ vận chuyển công dân nhập ngũ năm 2024 trong toàn quân.
Đại tá Trần Văn Liệu, Chính ủy Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần đã có cuộc trao đổi với báo chí về những nội dung xoay quanh nhiệm vụ này.
- Thưa Đại tá, việc vận chuyển các chiến sỹ từ các địa phương về đơn vị đã và đang được ngành Vận tải quân sự quan tâm chỉ đạo các đơn vị như thế nào để bảo đảm đúng yêu cầu?
Đại tá Trần Văn Liệu: Thực hiện quyết định của Bộ Quốc phòng về giao chỉ tiêu tuyển nhận công dân nhập ngũ năm 2024, toàn quân tuyển nhận hàng vạn công dân. Ngay sau khi có quyết định giao chỉ tiêu của Bộ, Cục Vận tải đã có công văn hướng dẫn việc vận chuyển công dân nhập ngũ gửi các đơn vị toàn quân để chỉ đạo, định hướng, làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị vận tải xây dựng kế hoạch vận chuyển.
Các đơn vị vận tải toàn quân trên cơ sở chỉ tiêu, địa bàn, khả năng lực lượng vận tải thuộc quyền, khả năng huy động lực lượng vận tải của các đơn vị Quân đội trên địa bàn đóng quân, chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân lực cùng cấp để xây dựng kế hoạch vận chuyển, sử dụng phương tiện vận tải, phương thức vận tải phù hợp với đặc thù của từng đơn vị.
Trong đó, xác định sử dụng phương thức vận tải đường bộ bằng ôtô là chủ yếu, kết hợp với tiếp chuyển bằng đường sắt trên tuyến chiến lược và tiếp chuyển bằng vận tải đường thủy từ đất liền đến các đảo trên tuyến đảo gần bờ.
Bên cạnh đó, các đơn vị tổ chức rà soát số xe ca hiện có, củng cố tốt tình trạng kỹ thuật, bảo đảm vật tư đồng bộ theo xe; lựa chọn cán bộ có kinh nghiệm, lái xe có trình độ chuyên môn tốt để chỉ huy và thực hiện nhiệm vụ vận chuyển; hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Công an và các cơ quan chức năng của địa phương để giao quân và tổ chức hành quân bảo đảm an toàn.
Cục Vận tải đã tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị, thực hành vận chuyển đối với một số đầu mối đơn vị, nhằm đánh giá kết quả công tác chuẩn bị, thực hành vận chuyển; kịp thời rút kinh nghiệm những mặt còn hạn chế, tồn tại, cần điều chỉnh; tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị hoàn thành công tác chuẩn bị, thực hành vận chuyển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên giao; phấn đấu bảo đảm an toàn mọi mặt.
- Hiện nay, việc xã hội hóa trong công tác vận chuyển đã được thực hiện, vậy tiêu chí để lựa chọn các doanh nghiệp ngoài Quân đội tham gia vận chuyển công dân nhập ngũ được đặt ra thế nào, thưa Đại tá?
Đại tá Trần Văn Liệu: Do tính chất đặc thù, việc giao, nhận công dân nhập ngũ tại các địa phương diễn ra đồng thời trong khoảng thời gian ngắn phải hoàn thành (từ ngày 25-27/2/2024), nên phải thực hiện xã hội hóa trong công tác vận chuyển.
Doanh nghiệp ngoài Quân đội tham gia vận chuyển phải đạt được đủ các tiêu chí, đó là: Là doanh nghiệp vận tải có uy tín, có tình trạng kỹ thuật xe tốt, có đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định của pháp luật như giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Người điều khiển phương tiện phải có giấy phép lái xe phù hợp, có sức khỏe tốt, ưu tiên những người có kinh nghiệm; khảo sát kỹ giá cước vận chuyển trên thị trường khu vực; lựa chọn, xác định mức giá phù hợp với mặt bằng ở từng địa phương tại thời điểm thuê, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thuê phương tiện vận chuyển, chấp hành đúng quy định về chế độ, thủ tục và nguyên tắc tài chính.
Các đơn vị đóng quân ở khu vực miền Trung, miền Nam thời tiết nắng nóng, phải thuê phương tiện có điều hòa nhiệt độ để bảo đảm sức khỏe cho công dân nhập ngũ. Tuyệt đối không thuê những xe có tình trạng kỹ thuật không bảo đảm, kiểm định kỹ thuật an toàn không còng hiệu lực, không có giấy phép kinh doanh vận tải.
- Đối với hình thức vận chuyển bằng đường sắt, đường thủy, công tác hiệp đồng, giám sát được thực hiện như thế nào, thưa Đại tá?
Đại tá Trần Văn Liệu: Cục Vận tải đã yêu cầu các đơn vị có chỉ tiêu tuyển nhận công dân nhập ngũ ở các địa phương xa đơn vị, có nhu cầu vận chuyển bằng tàu hỏa, xây dựng kế hoạch và gửi về Cục, trong đó xác định rõ nhu cầu về số người đi tàu (gồm công dân nhập ngũ, cán bộ khung), nơi nhận quân, ga lên, ga xuống, thời gian thực hiện và các yếu tố liên quan bảo đảm cho bộ đội hành quân; cử cán bộ trực tiếp hiệp đồng, thống nhất với Cục Vận tải để có cơ sở liên hệ, hợp đồng với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Theo kế hoạch, Cục Vận tải tổ chức các Tổ chỉ huy hành quân trên tàu đảm bảo thống nhất trong chỉ huy quân cơ động trên tuyến; hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Công an, quân sự của địa phương để bảo đảm an toàn cho công dân lên, xuống ga tàu.
Trước khi lên tàu, lực lượng chỉ huy hành quân sẽ tổ chức quán triệt, hướng dẫn, thống nhất các nội dung, các quy định về việc chấp hành, thực hiện các quy định bắt buộc đối với việc vận chuyển hành khách ngành đường sắt; thông báo mác tàu, thời gian chạy tàu, thời gian nghỉ tại các ga trên tuyến; ga lên, ga xuống của từng, đơn vị; tổ chức, phương pháp lên xuống tàu… đảm bảo thống nhất, tránh lỡ tàu, lỡ chuyến, kịp thời gian di chuyển của công dân, không gây ùn tắc cục bộ tại các ga lên, xuống tàu.
Bên cạnh việc vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt, một số đơn vị thuộc các quân khu: 3, 5, 7, 9 và Quân chủng Hải quân, đóng quân trên tuyến đảo gần bờ, tổ chức tiếp chuyển bằng đường thủy đến các đảo.
Riêng Quân chủng Hải quân sử dụng tàu vận tải của đơn vị để vận chuyển, các đơn vị còn lại tổ chức mua vé tàu thủy cao tốc trên các tuyến ven biển để vận chuyển bộ đội ra các đảo.
Trước khi thực hành vận chuyển, các đơn vị đã khảo sát, lựa chọn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải thủy đủ điều kiện kinh doanh theo quy định; phương tiện vận tải thủy phải có đầy đủ giấy tờ, chứng nhận pháp lý liên quan đến hoạt động khai thác, kinh doanh tàu thủy vận chuyển hành khách; tinh thần phục vụ phải chu đáo, thân thiện; các bến, vị trí tiếp nhận thuận tiện, bảo đảm tốt vệ sinh môi trường, đồng thời có các biện pháp bảo đảm an toàn như phòng, chống cháy nổ, đuối nước, say sóng, mưa gió…
Đối với phương tiện thủy phải đảm bảo đủ trang bị, bảo hộ cá nhân cho công dân như phao cứu sinh, thiết bị, khu vực, vị trí thoát hiểm trên tàu thủy…, hệ thống phòng cháy, chữa cháy hoạt động tốt.
- Xin trân trọng cảm ơn Đại tá!