Tin địa phương

Huyện Đầm Hà đón nhận Quyết định đạt chuẩn “Nông thôn mới nâng cao”

Trang Vân 23/02/2024 23:01

Tối 23/2, huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh) tổ chức Lễ Công bố và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn “Nông thôn mới nâng cao” và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh “Lễ hội Đình Đầm Hà” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

damha1.jpg
Huyện Đầm Hà đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn “Nông thôn mới nâng cao”.

Sau hơn 10 năm kiên trì, nỗ lực bền bỉ thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới đã thực sự trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp trong toàn huyện Đầm Hà và đạt kết quả tích cực. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ và ngày càng hiện đại, diện mạo nông thôn có sự chuyển biến rõ nét, huyện chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế, hình thành các vùng sản xuất tập trung, theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

Huyện Đầm Hà là huyện duy nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cung cấp giống tôm sạch bệnh và giống cá biển, giống nhuyễn thể ứng dụng công nghệ cao cho thị trường các tỉnh phía Bắc. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí Quốc gia.

damha2.jpg
Bà Đỗ Thị Ninh Hường, Bí thư Huyện ủy Đầm Hà phát biểu.

Đến nay, huyện có 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đầm Hà vinh dự là huyện đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn “Nông thôn mới nâng cao”.

Cùng với đó, Đầm Hà là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời. Những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của di sản văn hóa, huyện luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, một trong những động lực tạo nên bản sắc và sức mạnh nội sinh trong quá trình phát triển của huyện.

damha4.jpg
Huyện Đầm Hà đón nhận Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh “Lễ hội Đình Đầm Hà” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Trên địa bàn hiện có 8 di tích được kiểm kê và xếp hạng, trong đó có 4 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, có 3 nghệ nhân dân gian; có 17 loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, 5 loại hình tập quán xã hội đã được kiểm kê để lập hồ sơ đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể của tỉnh; huyện có 2 lễ hội truyền thống: Lễ hội Đình Đầm Hà, Lễ hội Đình Tràng Y và một số lễ hội đặc sắc của các dân tộc thiểu số (Lễ Cấp sắc và Ngày hội Kiêng gió của người Dao, Lễ Đại Phan của người Sán Dìu, lễ cúng cơm mới của người Tày…).

damha5.jpg
Đình Đầm Hà.

Trong đó, Lễ hội Đình Đầm Hà giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân đồng bằng Bắc Bộ, kết hợp những nét độc đáo của diễn xướng dân gian hát nhà tơ - hát, múa cửa đình của cư dân ven biển. Lễ hội Đình Đầm Hà đã và đang được cộng đồng duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng các dân tộc huyện Đầm Hà. Trên cơ sở đề nghị của huyện Đầm Hà và tỉnh Quảng Ninh, ngày 10/11/2023 “Lễ hội Đình Đầm Hà” đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ghi danh là một trong 36 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Đỗ Thị Ninh Hường, Bí thư Huyện ủy Đầm Hà đề nghị các cấp ủy, chính quyền, nhân dân huyện Đầm Hà luôn phát huy truyền thống quê hương anh hùng, nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo và khát vọng đổi mới vươn lên, phát huy tiềm năng lợi thế, tiếp tục chung sức, đồng lòng xây dựng huyện Đầm Hà phát triển nhanh, bền vững. Tiếp tục củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung khai thác tốt lợi thế tiềm năng về phát triển thủy sản, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; tạo bước chuyển mạnh về chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.

Đồng thời quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, “Lễ hội Đình Đầm Hà” nói riêng xứng tầm với vị thế của một Di sản cấp Quốc gia bằng những giải pháp thiết thực, cụ thể, tiếp tục thực hành các nghi lễ truyền thống một cách văn minh, phục vụ tốt đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt làm tốt hơn nhiệm vụ truyền dạy, quảng bá di sản đến đông đảo nhân dân và du khách, tạo không gian văn hóa đặc sắc, gắn với giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa của địa phương để di sản mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh, đất nước Việt Nam ngày càng văn minh, giàu đẹp.

damha3.jpg
Cụ Đặng Thị Tự, 103 tuổi - người đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân Nhân dân biểu diễn tại lễ công bố.

Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được và phấn đấu đạt cao hơn nữa trong thời gian tới, ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Đầm Hà cần tiếp tục quán triệt triển khai hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh về xây dựng chương trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, với phương châm "Xây dựng nông thôn mới là một hành trình chỉ có điểm xuất phát, không có điểm kết thúc”, “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”.

Trang Vân