Theo chân bác sĩ cắm bản nơi phên dậu xứ Thanh
Tại các vùng miền núi xứ Thanh đang có hàng trăm y, bác sỹ vẫn ngày đêm miệt mài đi tới từng bản, làng xa xôi nhất để khám, chữa bệnh, hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe. “Lương y như từ mẫu” - nên dẫu có muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, họ từng bước khắc phục để “dân cường, nước mạnh”, góp phần giữ vững phên dậu của Tổ quốc.
Khó khăn bủa vây
Theo thống kê, Thanh Hóa có 11 huyện miền núi với 1.579 thôn, bản thuộc 175 xã, thị trấn (sau sáp nhập); 790/867 thôn đặc biệt khó khăn; có 6 huyện thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; 95 xã và 127/181 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Toàn khu vực hiện có 7 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống, gồm: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao và Khơ Mú, với tổng số dân khoảng 927 nghìn người, trong đó có hơn 670 nghìn người dân tộc thiểu số.
Điều kiện giao thông cách trở, đường đất trơn trượt, sông, suối chia cắt mỗi khi mưa xuống, đồng bào lại có thói quen sống trên vùng núi cao. Một số bản còn chưa có điện lưới, chính vì vậy mà trình độ dân trí còn chưa cao, nhiều hủ tục lạc hậu.
Thêm vào đó là trang thiết bị, thuốc men, vật tư để phục vụ cho việc khám, chữa bệnh cũng còn nhiều hạn chế. Những điều kiện khách quan này đã làm sờn lòng không ít cán bộ từ dưới xuôi lên tăng cường cho vùng cao.
Nếu không có quyết tâm, bản lĩnh và sự yêu nghề thì thật khó bám trụ lại với dân bản. Ngót 20 năm lăn lộn với các bản làng, với nữ bác sĩ Phạm Thị Quyên (SN 1980), Trưởng trạm y tế xã Tân Phúc, huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) là chặng đường rất dài.
Xã Tân Phúc cách trung tâm huyện Lang Chánh hơn 4 km. Nơi đây có hơn 6,5 nghìn người dân sinh sống rải rác ở các thôn, bản, đồng bào dân tộc thiểu số như: Thái, Mông, Mường... chiếm 93% dân số của xã. Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành y tế, Trạm Y tế xã được đầu tư, nâng cấp đạt chuẩn quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Mỗi năm trạm tiếp đón hàng nghìn lượt người dân đến khám, chữa bệnh.
Bền gan cắm bản
Nhìn lại chặng "maraton" đã vượt qua, bác sĩ Quyên vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc: “Từ năm 2005 tôi tốt nghiệp Cao đẳng Y, bỏ qua nhiều cơ hội việc làm dưới thành phố về xã đặc biệt khó khăn 135 Tam Văn (Lang Chánh) công tác, 10 năm sau thì chuyển về gắn bó với trạm y tế xã Tân Phúc.
Chứng kiến cuộc sống vất vả của người dân, tôi xác định sẽ sát cánh cùng đồng nghiệp nỗ lực hết sức để trở thành điểm tựa của người dân trong chăm sóc sức khỏe. Chúng tôi bắt tay làm việc miệt mài, rồi gắn bó, thân thuộc hơn với chính quê hương mình.
Từ việc bà con sinh nở tự ý đắp lá cắt thuốc, ở nhà cúng bái, không may trở nặng băng huyết mới gọi cho bác sĩ, thì nay hễ đau đầu, cảm cúm đều tìm đến bác sĩ. Thấy bà con tin mình, quan tâm chăm sóc sức khỏe hơn, chúng tôi rất vui”.
Theo bác sĩ Quyên, đó là những ngày vai đeo túi thuốc, chân trần đi bộ vượt đồi, rừng vào nhà dân ở bản tuyên truyền kiến thức chăm sóc sức khỏe, tiêm vắc-xin phòng dịch và không ít lần đến nhà dân đỡ đẻ cho sản phụ sinh ngược được mẹ tròn, con vuông.
“Địa hình, giao thông miền núi cách trở, lắm núi nhiều khe, cho nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Mùa mưa thì lội suối ngập qua đầu gối, mùa nắng thì như thiêu đốt. Với trách nhiệm và lương tâm của người thầy thuốc, tôi cùng đồng nghiệp không quản ngại mưa nắng, đi bộ cả tiếng đồng hồ, xuống tận thôn, bản xa để tuyên truyền và khám, chữa bệnh cho người dân” – bác sĩ Quyên nói.
Tuổi trẻ hăm hở, hết mình vì công việc để trải nghiệm cuộc sống, nhưng rồi đất lành cho trái ngọt, chị ở lại bám làng, bám bản, phục vụ bà con quê nhà. Năm 2011, chị tiếp tục học chuyên tu bác sĩ tại Đại học y Hà Nội để nâng cao trình độ, đến năm 2015 ra trường, trở về xã Tân Phúc tiếp tục phục vụ Nhân dân.
Những năm gần đây, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cơ sở hạ tầng, giao thông được đầu tư, các trạm thu phát sóng, điện lưới đã đến tận nhà. Chính vì vậy mà cuộc sống của người dân thiểu số ngày một được cải thiện, nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe ban đầu có chuyển biến rõ nét. Khi bị bệnh thì cầm ngay điện thoại gọi cho các y, bác sỹ trạm y tế xã chứ không còn chạy đi tìm thầy mo hay thắp hương khấn vái như trước.
“Trong suốt quãng thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành, lúc đỉnh điểm xã có gần 500 ca F0, vì thế chị em luôn luôn sẵn sàng tư thế sơ cứu, cách ly. Chỉ cần có bệnh nhân báo diễn biến bệnh là mọi người chóng mặc đồ bảo hộ thăm khám, chia sẻ đồ ăn và chăm sóc bệnh nhân.
Do chồng cũng công tác trên trung tâm y tế huyện, nên dường như chúng tôi không có thời gian bên cạnh chăm sóc 2 con. Nhưng rất may mắn cho tôi, luôn có ông bà nội ngoại đảm đương, chăm lo con các cháu để tôi yên tâm công tác. Thời điểm đó, cháu lớn vừa bước vào đại học, cháu nhỏ đang học cấp 1. Lúc rảnh rỗi 2 vợ chồng chỉ có thể thăm hỏi, trò chuyện với các con qua điện thoại bằng ứng dụng gọi nhóm. Trong mỗi cuộc gọi đó, cả gia đình 4 người không kìm được nước mắt”.
Bác sĩ CKII Đỗ Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lang Chánh, cho biết: “Bác sĩ Phạm Thị Quyên là người năng động trong công tác quản lý, điều hành các công việc, tận tâm với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, là một trong những tấm gương điển hình tiên tiến của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, nhiều lần được giấy khen của huyện Lang Chánh.
Không chỉ tận tình, có tấm lòng yêu thương người bệnh, bác sĩ Quyên luôn nỗ lực đưa tập thể trạm phát triển vững mạnh, đoàn kết, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra”.