"Không có chuyện thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự là cánh cửa đóng lại"
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ cho rằng, 2 năm tham gia nghĩa vụ quân sự tạo cho con người nền tảng đạo đức xã hội, nền tảng về kỹ năng, về tính kỷ luật.
Dựng nước đi liền với giữ nước, xây dựng gắn liền với bảo vệ Tổ quốc, đó là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam. Qua các giai đoạn, thời kỳ lịch sử, các thế hệ người Việt Nam luôn biết tiếp nối truyền thống cha ông, chung sức đồng lòng, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Quy luật đó vẫn đúng và luôn đúng. Dù trong giai đoạn lịch sử nào, chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc chỉ có thể được bảo toàn trọn vẹn khi có sự tham gia, vào cuộc của toàn dân. Chính vì vậy, bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của mỗi công dân.
Phóng viên VOV phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội về vấn đề này.
Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ và quyền cao quý của mỗi công dân
PV: Quyền và nghĩa vụ của công dân với Tổ quốc đã được quy định rất rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Theo ông, vì sao Hiến pháp cũng như Luật Nghĩa vụ quân sự đều khẳng định, bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân?
Ông Nguyễn Mai Bộ: Câu chuyện đặt ra xuất phát từ những lý do sau đây. Hiến pháp là một văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhất của một quốc gia có chủ quyền. Nội dung của Hiến pháp quy định và điều chỉnh mối quan hệ cơ bản quan trọng nhất trong xã hội.
Trong mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, công dân là chủ thể của quyền lực Nhà nước. Và Nhà nước ở đây chỉ là người đại diện cho nhân dân để thực hiện quyền lực của nhân dân. Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ công dân, và trong mối quan hệ đó, công dân cũng có trách nhiệm bảo vệ chính mình, bảo vệ Tổ quốc mình.
Chính từ hai lý do đó, cho nên không chỉ là Hiến pháp Việt Nam mà Hiến pháp bất kể nước nào cũng thế, cũng đều có quy định bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ và quyền cao quý của mỗi công dân.
PV: Hàng năm, nước ta có hàng triệu thanh niên đủ tiêu chuẩn nhập ngũ, nhưng chúng ta chỉ gọi một số lượng nhỏ trong số đó để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Có ý kiến đề xuất cho rằng, số thanh niên không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ phải đóng tiền, coi đó là nghĩa vụ thay thế trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, để bảo đảm công bằng trong toàn dân. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Nguyễn Mai Bộ: Thực ra thì đây không phải là vấn đề mới. Đây là vấn đề đã được Quốc hội khóa XIII đưa lên bàn, nhưng chưa nhận được sự thống nhất cao. Chính vì thế, cho nên lần sửa đổi Luật Nghĩa vụ quân sự, tháng 6/2015, vấn đề này không được đưa vào luật.
Theo tôi, đây là một vấn đề rất lớn và rất khó. Lớn là vì nó đụng chạm tới toàn dân, phải cân đối nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ở đây, phải khẳng định hai nhóm, một nhóm xây dựng và một nhóm bảo vệ.
Và câu chuyện thứ hai lớn hơn nữa, đó là liên quan tới người giàu, người nghèo, liên quan tới câu chuyện chất lượng quân đội. Điều này cực kỳ quan trọng. Chất lượng con người quyết định chất lượng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong quân đội.
PV: Có ý kiến đề xuất chúng ta nên học tập như Hàn Quốc hay Israel là yêu cầu 100% thanh niên đủ điều kiện tiêu chuẩn đều phải nhập ngũ. Ông có quan điểm như thế nào đối với đề xuất này?
Ông Nguyễn Mai Bộ: Đúng như tôi vừa trao đổi, đây là câu chuyện lý tưởng. Lý tưởng nhất ở đây đó là câu chuyện bảo đảm sự công bằng giữa những người trong độ tuổi nhập ngũ. Câu chuyện thứ hai là kết quả đạt được của mỗi con người sau khi phục vụ, đạt được về phẩm chất, đạo đức, năng lực….
Thế nhưng, phải khẳng định một điều là quy mô nền kinh tế của chúng ta chưa cho phép gọi 100% công dân nhập ngũ. Rõ ràng, việc bảo đảm lẽ công bằng cũng phải làm bằng cách khác. Đó là quy định về chế độ chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ. So với trước đây chúng ta đã rút ngắn tuổi quân; quy định về chế độ chính sách cho anh em nhập ngũ sẽ được hơn những người không tham gia nhập ngũ. Chúng ta đang xử lý bằng cách đó.
PV: Khi tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ là cơ hội để thanh niên được rèn luyện, trưởng thành toàn diện về phẩm chất, năng lực và đạo đức, thưa ông?
Ông Nguyễn Mai Bộ: Trước Tôi có một người cháu sắp ra quân. Trước Tết, tôi có hỏi cháu: “Con thấy 2 năm quân ngũ con được cái gì?”. Bạn ấy nói: "Cái cháu được, thứ nhất là tính kỷ luật. Thứ hai là tình người. Các cháu được chỉ bảo nhiều thứ. Và chính cái đó, cháu nghĩ nó thiêng liêng và là nền tảng rất quan trọng. Còn về công việc, quân đội đã cho cháu một điều kiện để học nghề. Cháu sẽ cố gắng học một nghề để cháu phát huy".
2 năm tham gia nghĩa vụ quân sự tạo cho con người nền tảng đạo đức xã hội, nền tảng về kỹ năng, về tính kỷ luật. Nếu như bạn nào tham gia nghĩa vụ quân sự, bạn thể hiện thái độ tích cực rèn luyện, các bạn được quân đội cho đi học phát triển trở thành sĩ quan quân đội.
Tôi khẳng định là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của Quân đội nhân dân Việt Nam giàu thì không giàu, nhưng tôi khẳng định có cuộc sống dần dần sẽ tăng lên.Việc tham gia nghĩa vụ quân sự nếu bạn nào xác định tốt, đây là một điều kiện rất tốt để xây dựng bản lĩnh, xây dựng phẩm chất đạo đức cho chính mình. Để từ đó chúng ta tham gia việc làm giàu cho mình và làm giàu cho xã hội.
Chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ rất đầy đủ
PV: Bảo vệ Tổ quốc là niềm vinh dự, tự hào với mỗi công dân, nhưng cũng cần có những cơ chế, chính sách để khuyến khích động viên thanh niên nhập ngũ. Ông có đề xuất gì về vấn đề này?
Ông Nguyễn Mai Bộ: Đây là một vấn đề rất cần thiết và rất đúng. Điều 50, Luật Nghĩa vụ quân sự quy định rất rõ về chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ. Trong quá trình tại ngũ, còn có chế độ chính sách đối với thân nhân là bố mẹ, vợ con; rồi quyền lợi khi mà họ được xuất ngũ. Chúng tôi thấy rất đầy đủ.
Câu chuyện về chế độ chính sách, khi xây dựng những dự thảo luật này thì Quốc hội cũng như nhóm soạn thảo đã cố gắng đến mức tối đa, để trên cơ sở quy mô nền kinh tế, trên cơ sở bảo đảm tính khả thi thì đã cố gắng đến mức tối đa để xây dựng những chế độ chính sách đối với anh em binh sĩ khi nhập ngũ.
PV: Thực tế hiện nay, một số bạn trẻ vẫn chưa hiểu rõ được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình và tìm cách để trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Đáng lên án là trên mạng xã hội Facebook, Yotube, TikTok,… còn bày cách cho bạn trẻ trốn tránh nghĩa vụ quân sự, phải chăng là do cơ chế, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe nên vẫn có những trường hợp trốn tránh nghĩa vụ quân sự, thưa ông?
Ông Nguyễn Mai Bộ: Ở đây có nhiều nguyên nhân. Tôi vẫn nhớ thời kỳ còn bé, ở làng tôi có thanh niên nào đảo ngũ, thì xã đội người ta đeo cho cái bảng và một tờ giấy trước ngực với dòng chữ: Ai cũng như tôi thì mất nước.
Đó là câu chuyện dùng công cụ đạo đức để lên án hành vi xấu, mà nó có giá trị rất lớn. Lúc ấy hội đoàn, tôi nói: Ông nào đảo ngũ ông đừng có nghĩ chuyện lấy vợ, không ai người ta lấy. Trong khi cả nước nô nức phấn khởi lên đường đi đánh giặc, mà ông lại đảo ngũ, ông lại đòi lấy vợ thế này thế kia.
Câu chuyện tôi muốn nói đó là đạo đức xã hội chúng ta bị xuống cấp đấy. Cho nên có một bộ phận người ta làm những hành vi, đó là hành vi đáng xấu hổ, nhưng người ta lại không xấu hổ.
PV: Chỉ còn ít ngày nữa là những thanh niên ưu tú của cả nước sẽ lên đường tòng quân, ông có lời khuyên nhủ như thế nào tới gia đình và thanh niên nhập ngũ?
Ông Nguyễn Mai Bộ: Đâu đó, những vụ vi phạm trong quân đội là có, nhưng tôi khẳng định nó không phải là tất cả.
Câu chuyện đặt ra là điều lệnh quân đội, tức là mình sống, rèn luyện theo điều kiện của quân đội, cảm thấy rất nhẹ nhàng. Như anh em chúng ta bây giờ 5h30 dậy, thể dục thể thao, đánh răng rửa mặt, đi ăn cơm, rồi vào các chế độ làm việc trong ngày, tối đến lại sinh hoạt, đọc báo, nghe đài… những câu chuyện đó chính là môi trường rèn luyện.
Chính vì thế, tôi khuyên các gia đình và đặc biệt là các bạn thanh niên sắp tới nhập ngũ, các bạn yên tâm là có chế độ chính sách đối với các bạn nhập ngũ và khuyên các bạn là chịu khó rèn luyện.
Sau khi hết nghĩa vụ quân sự, các bạn sẽ được, một là phẩm chất đạo đức, năng lực, cách nhìn giải quyết vấn đề và tính kỷ luật. Hai là, nếu bạn nào cố gắng nhiều hơn nữa, thể hiện tinh thần thái độ và mong muốn phục vụ trong quân đội, thì các bạn đi học sĩ quan. Cánh cửa các trường sĩ quan luôn mở rộng cho các bạn.
Các bạn mới 18 tuổi thôi, cánh cửa còn rất rộng. Đừng coi vào trong quân đội là đóng cửa lại, không có câu chuyện đó.
PV: Xin cảm ơn ông.