Chính trị

Bài học quý trong xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước

Duy Tuấn 22/02/2024 - 20:02

Kỳ họp bất thường đã đáp ứng được yêu cầu cấp thiết, yêu cầu kỹ lưỡng và chất lượng trong công tác xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước để kiến tạo, phát triển, đáp ứng cho yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, tháo gỡ những điểm nghẽn, những khó khăn, vướng mắc trước mắt. Đồng thời tạo điều kiện cho một môi trường pháp luật, môi trường đầu tư kinh doanh lâu dài, căn cơ.

Trước khi bế mạc phiên họp thứ 30, chiều 22/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

bt1.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

Kỳ họp bất thường đã giải quyết những vấn đề trước mắt, lâu dài

Trình bày Báo cáo tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 mặc dù diễn ra trong 2,5 ngày vào thời điểm ngay sau Tết Dương lịch và sát Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 nhưng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm và thống nhất, đồng thuận rất cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với những kết quả đạt được rất quan trọng; Quốc hội đã xem xét, thông qua 02 Luật, 02 Nghị quyết.

Các nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 nhằm giải quyết kịp thời một số bất cập, hạn chế trong thực tiễn triển khai, có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cả nhiệm kỳ và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

bt2.jpeg
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, các nội dung trình tại Kỳ họp được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, tiếp tục thể hiện tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao và quyết tâm chính trị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trước những vấn đề cấp bách, cần xử lý ngay, thể hiện được tính linh hoạt, bám sát thực tiễn cuộc sống, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, người dân lên trên hết, trước hết.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, nhìn chung, chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5 được bố trí phù hợp, đúng quy trình, thủ tục, bảo đảm thời gian để hoàn thành toàn bộ các nội dung của kỳ họp. Công tác điều hành các phiên họp khoa học, linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả, bảo đảm các đại biểu Quốc hội đăng ký đều được phát biểu thảo luận, tranh luận, phát huy được tinh thần trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Đồng tình với báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong 4 nội dung cụ thể của Kỳ họp, có 2 nội dung do Ủy ban Kinh tế chủ trì thẩm tra, đây đều là những nội dung khó, phức tạp, nhưng nhờ có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, đúng hướng của lãnh đạo Quốc hội, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Kinh tế có thể phối hợp với các cơ quan hữu quan, trong thời gian ngắn xử lý khối lượng công việc rất lớn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị, bố trí thời gian hợp lý hơn nữa trong các Kỳ họp sau để đảm bảo Kỳ họp diễn ra hiệu quả, chất lượng hơn nữa.

bt3.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.

Cùng quan điểm Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị các cơ quan tiếp tục phát huy tinh thần nhập cuộc tích cực từ sớm, từ xa, vừa bám sát các quy trình, thủ tục như quy định của pháp luật, vừa phải có sự linh hoạt, sớm bắt tay triển khai ngay các nhiệm vụ để chuẩn bị tốt nhất các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp sắp tới.

Rút kinh nghiệm trong công tác tài chính, ngân sách

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, một số nội dung như bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam và một số các nội dung về tài chính, ngân sách khác trong quá trình chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 không kịp nên phải đưa vào Kỳ họp bất thường.

“Việc đưa vào kỳ họp bất thường là cần thiết nhưng cũng cần rút kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị các nội dung về tài chính ngân sách hàng năm, nếu trình muộn sẽ không còn nhiều thời gian để triển khai, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả”, ông Mạnh nói.

bt4.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kỳ họp này được tổ chức là rất cấp thiết. “Quá trình đề ra chủ trương, triệu tập phiên họp kỳ họp, xây dựng chương trình, tổ chức thực hiện và kết quả biểu quyết thông qua các dự án luật và các dự thảo nghị quyết đều đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, bám sát sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị và đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan đến kỳ họp bất thường và đã thành công hết sức tốt đẹp. Đáp ứng được yêu cầu cấp thiết và yêu cầu kỹ lưỡng và chất lượng trong công tác xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước để kiến tạo, phát triển, đáp ứng cho yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, tháo gỡ những điểm nghẽn, những khó khăn, vướng mắc trước mắt. Đồng thời tạo điều kiện cho một môi trường pháp luật, môi trường đầu tư kinh doanh lâu dài, căn cơ”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Từ thực tiễn quá trình để cho Quốc hội xem xét và biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành cao các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là bài học rất quý trong xây dựng pháp luật và cho thấy những gì chúng ta quyết tâm, có cách làm tốt, có phương pháp phù hợp và có sự phối hợp chặt chẽ, tinh thần trách nhiệm thì đều có thể hoàn thành được.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý “phải rút kinh nghiệm đối với những nội dung thường xuyên, định kỳ, nhất là về tài chính và ngân sách, các cơ quan cần phải có chủ động hơn, phải tăng cường phối hợp với nhau sớm hơn, tốt hơn để không cần thiết phải trình qua những kỳ họp bất thường”.

Rút kinh nghiệm để tổ chức cho Kỳ họp thứ 7 tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải tăng cường hơn nữa về kỷ luật thời hạn để gửi tài liệu; đồng thời, nhấn mạnh trách nhiệm của cả các cơ quan Quốc hội tăng cường đôn đốc, phối hợp.

Phát biểu bế mạc phiên họp thứ 30, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau một ngày làm việc khẩn trương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ 5 nội dung trong Phiên họp thứ 30. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và nhất trí thông qua việc ban hành Nghị quyết đối với giao bổ sung số lượng cơ cấu ngạch kiểm toán viên của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 01/2024 và trong đó có cả công tác dân nguyện của tháng 12/2023.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngay sau cuộc họp Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát hành sớm các thông báo kết luận, đồng thời, các cơ quan tích cực chuẩn bị cho các phiên họp thường kỳ và phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật trong tháng 3.

Duy Tuấn