Chính trị

Bổ sung Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC là đối tượng cảnh vệ

Duy Tuấn 22/02/2024 - 16:14

Việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), nhằm thể chế kịp thời quy định của Đảng và đảm bảo tính thống nhất, công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ, chính sách đối với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được xác định trong Kết luận số 35-KL/TW của Bộ Chính trị.

Tiếp tục Chương trình làm việc phiên họp thứ 30, chiều 22/02, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Cảnh vệ.

cv2.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

Phù hợp với tính chất, tầm quan trọng trong hệ thống chính trị

Trình bày tờ trình tóm tắt về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, sau 5 năm triển khai thi hành Luật xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ.

Cụ thể, về đối tượng cảnh vệ, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TANDTC; Viện trưởng VKSNDTC đã xác định là Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước theo Kết luận số 35-KL/TW ngày 05 tháng 5 năm 2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Về nội dung cơ bản của Luật, bổ sung đối tượng cảnh vệ là con người, gồm: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC. Phù hợp với việc chỉnh lý, sắp xếp thứ tự các chức danh, chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Đồng thời quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng; cụ thể sửa đổi theo hướng thu hẹp phạm vi đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng. Bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

cv3.jpeg
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng

Thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, về sự cần thiết ban hành Luật, Thường trực UBQPAN nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật này với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Về việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Thường trực UBQPAN nhất trí với việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC nhằm thể chế kịp thời quy định của Đảng và đảm bảo tính thống nhất, công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ, chính sách đối với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được xác định trong Kết luận số 35-KL/TW của Bộ Chính trị. Việc bổ sung ba chức danh, chức vụ nêu trên là phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của các vị trí này trong hệ thống chính trị.

Dự án Luật đủ điều kiện thông qua theo quy trình một kỳ họp

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, việc bổ sung đối tượng được bảo vệ, bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với các đối tượng không thuộc đối tượng cảnh vệ được quy định “để phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”.

cv4.jpeg
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị bổ sung khoản 3 Điều 6 về chính sách đối với lực lượng cảnh vệ và công tác cảnh vệ để đảm bảo theo hướng: Chính phủ quy định chi tiết về đảm bảo kinh phí, đảm bảo phương tiện hoặc điều kiện thực hiện… “để tránh mơ hồ, thiếu rõ ràng trong văn bản pháp luật”.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng thống nhất đề xuất bổ sung ba chức danh vào khoản 1 Điều 10 về đối tượng cảnh vệ như đề xuất của Chính phủ. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cần rà soát lại các quy định có liên quan một số luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, dự thảo Luật bổ sung thêm ba đối tượng cảnh vệ đó là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC là cần thiết, vì “ba chức danh này đều là những chức danh có vị trí, tầm quan trọng trong hệ thống chính trị”.

cv1.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận công tác chuẩn bị dự án Luật công phu. Hồ sơ dự án Luật bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung cơ bản cũng đã thể chế hóa các đường lối, quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân nói chung và lực lượng cảnh vệ cơ bản đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và đáp ứng được yêu cầu tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Về bổ sung ba, chức danh vào đối tượng cảnh vệ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng “Chính phủ trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung là những trường hợp phát sinh đã tương đối ổn định, lâu dài và quy định thêm để thực hiện”; đối với “trường hợp đặc biệt, đột xuất nhưng chưa được quy định trong luật và cũng chưa trình được Quốc hội để bổ sung, thì ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng”. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quy định này là cần thiết trước thực tiễn linh động, phong phú.

Theo Chủ tịch Quốc hội, với chất lượng chuẩn bị như hiện nay, dự án Luật đủ điều kiện để trình với Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình một kỳ họp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với nhau để tiếp thu tối đa từ sớm ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật và có giải trình một cách thấu đáo để bảo đảm chất lượng dự án luật, đạt được sự đồng thuận cao.

Duy Tuấn