Tòa triệu tập hơn 2.400 người có liên quan đến làm việc trước phiên tòa xét xử Trương Mỹ Lan
Nhằm chuẩn bị cho phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và và 85 đồng phạm, TAND TP.HCM đã quyết định triệu tập hơn 2.400 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án đến tòa làm việc.
Theo đó, từ ngày 19/2, mỗi ngày TAND TP.HCM sẽ mời khoảng 300 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến Tòa án làm việc.
Tại các buổi làm việc, TAND TP.HCM thông báo cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan biết về lịch xét xử của vụ án và một số thông tin về phiên tòa.
Theo đó, ngày xét đầu tiên xét xử (5/3/2024), tất cả những người có giấy triệu tập phải đến tham dự phiên tòa, trừ trường hợp bất khả kháng.
Trong quá trình xét xử, HĐXX sẽ có thông báo kế hoạch làm việc cụ thể, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến dự theo thông báo của HĐXX.
Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 22/2, có khoảng 100 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các cá nhân thuộc nhóm cán bộ ngân hàng SCB đến TAND TP.HCM làm việc. Cán bộ Tòa án yêu cầu những người này cung cấp thông tin về bộ phận làm việc, công việc được giao tại SCB; giữ nguyên, thay đổi, bổ sung yêu cầu Tòa án giải quyết và cung cấp số điện thoại liên lạc…
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, TAND TP.HCM sẽ xét xử vụ sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan từ ngày 5/3 đến 29/4/2024.
Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa là ông Phạm Lương Toản, Chánh tòa Tòa Hình sự TAND TP.HCM. Có 10 kiểm sát viên tham gia phiên tòa.
Theo đó, bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị truy tố 3 tội tham ô tài sản; đưa hối lộ; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
85 bị cáo còn lại bị truy tố về các tội tham ô tài sản; nhận hối lộ; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Hai bị hại được Tòa án xác định là Ngân hàng SCB (bị hại liên quan hành vi “Tham ô tài sản” và bị cáo Trương Mỹ Lan (bị hại liên quan hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”).
Có khoảng 200 luật sư bào chữa cho 82/86 bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và bị hại. Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan có 5 luật sư bào chữa.
Đối với 5 bị cáo là cựu lãnh đạo SCB đang bị truy nã và bị đưa ra xét xử vắng mặt, gồm: Nguyễn Thị Thu Sương, Đinh Văn Thành, Chiêm Minh Dũng, Trầm Thích Tồn, Nguyễn Lâm Anh Vũ đều có một luật sư bào chữa.
Tòa đã triệu tập hơn 2.400 người tham gia phiên tòa. Cụ thể, 316 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các cá nhân thuộc nhóm cán bộ ngân hàng Ngân hàng SCB; 1153 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các cá nhân đứng tên công ty, đứng tên vay, đứng tên các tài sản thế chấp tại Ngân hàng SCB, thực hiện việc nộp, rút tiền; 692 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các pháp nhân thuộc nhóm đứng tên vay, nhận tiền tại ngân hàng SCB; 42 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước; 201 người có quyền lợi, nghĩa vụ khác.
Theo cáo trạng của VKSNDTC, từ ngày 01/01/2012 đến ngày 07/10/2022, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập một số lượng lớn các hồ sơ vay khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn.
Cụ thể, từ ngày 01/01/2012 đến ngày 31/12/2017 Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của Ngân hàng SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau, đến ngày 17/10/2022 còn dư nợ 132.247.161.206.903 đồng, không có khả năng thu hồi. Hành vi của Trương Mỹ Lan đã gây hậu quả thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 64.621.490.766.739 đồng.
Từ ngày 09/02/2018 đến ngày 07/10/2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB số tiền 304.096.278.409.456 đồng, gây thiệt hại số tiền 129.372.775.105.744 đồng.