Hàng ngàn du khách tham dự Ngày hội làng nghề Kim Bồng
Ngày 21/2 (nhằm 12 tháng Giêng năm Giáp Thìn), TP. Hội An (Quảng Nam) phối hợp UBND xã Cẩm Kim tổ chức Ngày hội làng nghề truyền thống Kim Bồng. Ngày hội đã thu hút sự quan tâm đông đảo từ du khách, cư dân địa phương tham dự.
Mỗi năm cứ vào ngày 12 tháng Giêng, xã Cẩm Kim lại tổ chức Ngày hội làng nghề truyền thống Kim Bồng để tôn vinh công lao của những người tiền bối đã xây dựng và phát triển làng, đây đã trở thành tục lệ của làng.
Trong ngày này, cả làng tề tựu tổ chức lễ Giỗ tổ nghề truyền thống Kim Bồng để thể hiện lòng biết ơn và kính trọng đến những người tiền bối đã khai sáng, xây dựng và phát triển làng nghề. Đây cũng là dịp để thế hệ sau hiểu rõ hơn về nguồn gốc và ý nghĩa của làng, từ đó thấu hiểu và trân trọng hơn những gì mình đang được thừa hưởng.
Trong Ngày hội quan trọng này, những nét đẹp văn hóa của nghề Mộc là một phần không thể tách rời trong sinh hoạt hàng ngày của người dân làng Kim Bồng, được tôn vinh và gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Trong số các hoạt động, Lễ tế Tiền hiền Kim Bồng là quan trọng nhất, được tổ chức từ sáng sớm ngày 12 tháng Giêng tại đình Tiền Hiền của Làng. Đây là nghi lễ thiêng liêng và được mỗi người dân trong làng Kim Bồng tôn kính, coi trọng hết mực.
Ngoài Lễ tế Tiền hiền, Ngày hội còn tổ chức một loạt các hoạt động sôi nổi, đa dạng nhằm tôn vinh và giới thiệu nét đẹp văn hóa, nghệ thuật của làng Kim Bồng đến cộng đồng và du khách như tìm hiểu nghi thức Phạt Mộc nghề Mộc Kim Bồng - Gióng trống Khai hội, trải nghiệm các hoạt động trình diễn nghề Mộc, cưa đợi; điêu khắc tre, đan thúng chai; dệt chiếu, đan túi xách từ cây cói; tráng mì quảng…
Trải nghiệm các trò chơi dân gian, hô hát bài chòi, hát hò khoan,…hội đua thuyền trên dòng sông Thu Bồn; tìm hiểu các nghề khai thác thủy sản truyền thống: nghề rớ chồ, nghề lưới rọ, nghề lưới bén, vãi chài… Thưởng thức ẩm thực tại địa phương và tham quan các sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm đặc trưng, đạt tiêu chuẩn OCOP.
Chị Phạm Thị Hồng- du khách đến từ Đà Lạt thích thú chia sẻ: “Chị rất ấn tượng với lễ hội ngoài này, ở đây có nhiều hoạt động mà lần đầu tiên chị được trải nghiệm như điêu khắc trên gỗ, đan chiếu với đua ghe. Ngoài ra đồ ăn ở đây cũng rất là ngon, con người thì mến khách. Nếu có dịp thì chị rất muốn quay lại và trải nghiệm lại lễ hội này”.
Làng nghề truyền thống Kim Bồng ở Hội An đã từng bước hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII và vẫn tồn tại đến ngày nay, ghi dấu nhiều công trình nghệ thuật và sản phẩm văn hóa có giá trị.
Đội ngũ thợ mộc của làng Kim Bồng đã có những đóng góp đáng kể, để lại dấu ấn trong việc xây dựng các công trình kiến trúc đô thị, nhà dân dụng và trong nghề đóng tàu thuyền tại Hội An. Hầu hết các công trình cổ ở Hội An được xây dựng bởi các thợ mộc từ làng Kim Bồng.
Sự điêu luyện trong kỹ thuật xây dựng, cùng với sự tinh tế trong việc chạm trổ trên các bề mặt như vách ngăn, án thờ,... là minh chứng rõ ràng cho bàn tay tài năng của các thợ mộc Kim Bồng.
Năm 2016, nghề mộc truyền thống Kim Bồng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đánh dấu một bước quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển bền vững di sản văn hóa truyền thống.
Sự tinh tế và khéo léo trong từng đường nét, từng phách gỗ của mộc Kim Bồng không chỉ là biểu tượng của sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên mà còn là biểu tượng của sự kiên trì, sáng tạo và tâm hồn văn hóa sâu sắc của người thợ mộc.
Điều này đồng nghĩa với việc tôn vinh và khẳng định những giá trị đặc biệt mà nghề mộc Kim Bồng mang lại cho cộng đồng và quốc gia.