Âm nhạc - Phim

'Đào, phở và piano' - Vẻ đẹp đầy chất Hà Nội

Minh Anh 20/02/2024 - 16:25

"Đào, phở, và piano" từ một bộ phim ít người quan tâm, bỗng tạo ra cơn sốt vé khiến rạp Quốc gia liên tục tăng suất chiếu. Đây có thể sẽ là phim được nhà nước đặt hàng ăn khách nhất từ trước tới nay. Bộ phim thu hút khán giả bởi vẻ đẹp đầy chất Hà Nội và góc nhìn vừa trẻ trung vừa đằm thắm của tác giả phim.

Trong những ngày qua, "Đào, phở và piano" của đạo diễn Phi Tiến Sơn đã trở thành một trong những đề tài văn hóa được nhắc đến khá nhiều.

Nguyên nhân là khi phim ra rạp đã tạo ra cơn sốt phòng vé, nhiều khán giả "săn vé" phim dẫn đến tình trạng trang web của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội) bị sập.

dao-pho2.jpg
Chiếu cùng thời điểm với bom tấn trăm tỷ đồng Mai của Trấn Thành, "Đào, phở và piano" vẫn chinh phục được nhóm đối tượng khán giả riêng.

Theo báo cáo ban đầu, "Đào, phở và piano" khởi chiếu tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội) bắt đầu từ mùng 1 tết Giáp Thìn (10/2) và kéo dài đến hết tháng 2.

Tuy nhiên, do cơn sốt vé của phim đột nhiên lên cao, rạp phim đã công bố sẽ tăng suất chiếu của "Đào, phở và piano" cho đến ngày 10/3/2024 nhằm đáp ứng nhu cầu của khán giả. Số xuất chiếu có thể tiếp tục tăng thêm nếu nhu cầu của khán giả dành cho phim vẫn còn.

Câu chuyện phim xảy ra những ngày giữa tháng 2/1947, lấy bối cảnh những trận đánh cuối cùng trước khi quân ta rút khỏi Hà Nội, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ.

Phim lấy bối cảnh cận Tết, người dân Thủ đô phải sơ tán lên chiến khu nên những cành đào phải vất vả lắm mới kiếm được. Phở là món ăn thân thuộc với người Hà Nội, và trong không khí tĩnh lặng của Hà Nội xưa, trong một góc phố thường vang lên tiếng piano réo rắt.

"Đào, phở và piano" là ba sự vật hiếm khi được liên tưởng đặt chung một chỗ, nhưng đều là những thứ đặc trưng, tinh túy của Hà Nội xưa.

dao-pho3.jpg
Câu chuyện phim xảy ra những ngày giữa tháng 2/1947, lấy bối cảnh những trận đánh cuối cùng trước khi quân ta rút khỏi Hà Nội.

Bên cạnh đó là đan xen những câu chuyện tình cảm lãng mạn đầy chất thơ nhưng sẵn sàng tạm giác lại vì đất nước, để rồi gặp lại nhau vào ngày hòa bình.

Một số người còn nán lại bên chiến lũy, dẫu biết rằng ngày mai bom đạn sẽ trút xuống. Họ đón nhận cái chết một cách bình thản, xác định rằng “ngay cả cái chết cũng không chia lìa được chúng ta”.

Mỗi người đều sống chết vì những niềm đam mê riêng. Trong số đó, một đôi tình nhân là anh lính tự vệ tên Dân (Doãn Quốc Đam) và Hương - cô tiểu thư Hà thành (Thùy Linh) - thất lạc nhau trong cuộc chiến. Khi tìm được nhau, họ chỉ còn chưa đầy nửa ngày để làm đám cưới.

Vun vén cho mối tình ấy là ông họa sĩ già (NSƯT Trần Lực), vị linh mục (NSND Trung Hiếu) và ông bán phở (Anh Tuấn). Họ đều là những người dân Hà Nội được xây dựng với nét đẹp lãng mạn, hào hoa. Ông họa sĩ già luôn ấp ủ về được bức tranh thỏa ý mình. Vợ chồng ông bán phở đam mê cặm cụi, chỉ mong có người để thưởng thức.

dao-pho.jpg
Đây có thể sẽ là phim được Nhà nước đặt hàng ăn khách nhất từ trước tới nay.

Sự lãng mạn và tình yêu của họ vượt lên trên hoàn cảnh ngặt nghèo, giúp họ bước qua nỗi sợ khi cái chết đang ập tới. Trong vỏn vẹn 24 giờ ấy, phim thể hiện rõ hai mảng không gian - thời gian trái ngược, trước và sau khi quân Pháp tiến đánh Thủ đô.

Những con phố như Hàng Bún, Yên Ninh trước kia tấp nập người mua bán, sau trận bom trở nên xơ xác, tiêu điều. Màu sắc sáng - tối, tiết tấu nhanh - chậm của mỗi cảnh phim ở hiện tại, quá khứ đều thể hiện ý đồ tạo sự đối lập của đạo diễn.

Theo số liệu được cung cấp từ Box Office Việt Nam, tính đến tối 19/2, doanh thu của phim "Đào, phở và piano" là hơn 505 triệu đồng. Trong cuối tuần qua, bộ phim của đạo diễn Phi Tiến Sơn đã bán được 2.234 vé và doanh thu trong 3 ngày được cho biết là 134 triệu đồng.

"Đào, phở và piano" là phim điện ảnh do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh đặt hàng Công ty cổ phần Phim truyện I sản xuất. Bộ phim tái hiện khoảng thời gian Hà Nội trong 60 ngày đêm khói lửa. Phim được thực hiện bởi đạo diễn Phi Tiến Sơn.

Minh Anh