Văn hóa- Thể thao

Khám phá cổ tự Mật tông 1.000 năm tuổi tại Hà Nội

N.T.D 20/02/2024 - 14:43

Chùa Thắng Nghiêm thuộc địa phận thôn Khúc Thủy, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 15 km về phía Nam.

Chùa nằm trong quần thể Thánh Tích làng Khúc Thủy, một địa phương mang đậm bản sắc văn hóa tâm linh Phật giáo và dân tộc, với những danh thắng nổi tiếng như chùa Linh Quang, chùa Thắng Nghiêm, chúc Phúc Khê (tức chùa Dâu); đình, đền, miếu, văn chỉ, nhà thờ v.v…

Chùa là nơi sinh sống và trụ xứ tu hành của nhiều bậc danh tăng, danh tướng thời Lý (1009-1225), thời Trần (1225-1400) như: Khuông Việt Quốc sư, Vạn Hạnh Quốc sư, Trùng Liên Bảo Tích Quốc sư, Đạo Huyền Quốc sư, Huyền Thông Quốc sư (tức Linh Thông Hòa thượng Đại vương), Hưng Đạo Đại vương…

Chùa Thắng Nghiêm là ngôi cổ tự có lịch sử lâu đời. Tương truyền, chùa được xây dựng vào những năm 187-266 thời Ngô Sĩ Nhiếp làm thái thú Giao Châu (Phật lịch 731-810). Ngài Tôn giả Bảo Đức (vốn được coi là hóa thân của Bồ Tát Văn Thù từ Ấn Độ sang sáng lập, truyền bá Phật pháp) đã xây dựng lên ngôi đại Bảo Tháp thờ xá lợi Phật mà ngày nay nhân dân địa phương vẫn gọi là Mả Bụt.

Tiếp theo ngài Tôn giả Bảo Đức là hai vị Tôn giả Kim Quốc và Kim Trang cũng từ Ấn Độ sang hoằng truyền Chính Pháp. Kể từ đó đến nay, chùa đã trải qua nhiều đời các bậc quốc sư, tổ sư truyền nối kế đăng trụ trì trùng hưng ngôi Tam Bảo.

Chùa Thắng Nghiêm có nhiều tên gọi khác nhau qua các thời đại như chùa Bụt, chùa Vua, chùa Pháp Vương, chùa Bà Chúa Hến (thời nhà Đinh), chùa Thắng Nghiêm (thời nhà Lý), chùa Trì Long, chùa Trì Bồng (thời nhà Trần), chùa Liên Trì (thời hậu Lê), chùa Phúc Đống (thời nhà Nguyễn). Ngày nay nhân dân thường gọi chung là chùa Khúc Thủy.

Trong các thời đại phong kiến xưa, các bậc quân vương thường hay về chùa để lễ bái cầu nguyện trước khi đăng cơ rồi cho trùng tu, sửa chữa quần thể Thánh Tích nói trên. Hiện nơi đây vẫn còn lưu giữ được 34 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến.

Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cha con quan Tổng đốc, Tổng trấn Hà Đông là Hoàng Cao Khải và Hoàng Trọng Phu thừa lệnh các vua nhà Nguyễn tiếp tục cho đại trùng tu quần thể Thánh Tích Phật Quang Đại Tùng Lâm một lần nữa.

Trải qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân, đế quốc cùng sự xâm thực của thiên nhiên, quần thể Thánh Tích đã có lúc bị hư hại hoàn toàn. Trong chiến tranh, một số công trình kiến trúc, tài sản của chùa được mang ra để phục vụ kháng chiến; nhiều di vật, tài liệu quý đã bị huỷ hoại và thất lạc trong dân gian.

Năm 1995, Ni sư Thích Đàm Thủy (tự Bé) cùng toàn thể chính quyền nhân dân đồng thuận làm đơn vào chốn Tùng Lâm Hương Tích cúng chùa cho Hòa thượng Thích Viên Thành và xin thỉnh sư về kế đăng trụ trì.

Tháng 2 năm 1997, Hòa thượng Thích Viên Thành cử Đại đức Thích Minh Thanh về đây tiếp nối ngọn đèn thiền. Thời điểm bấy giờ, chùa chỉ còn là phế tích. Kể từ đó tới nay, công việc trùng hưng chùa đã và đang được tiến hành liên tục nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá tâm linh, nghệ thuật kiến trúc Phật giáo cũng như truyền thống của dân tộc.

5.jpg
Trong giáo lý nhà Phật, Mật Tông thuộc Bồ Tát thừa. Mật Tông theo nghĩa dễ hiểu nhất chính là tên gọi pháp môn bắt nguồn từ sự kết hợp giữa 2 tôn giáo lớn là Ấn Độ giáo và Phật giáo Đại Thừa. Phái Mật tông theo tiếng Phạn là "Mantra", nghĩa là những lời nói chân thật.
10.jpg
Biểu tượng pháp khí chày yết ma trong hồ sen. Chày kim cương, hay còn gọi là chày yết ma, là pháp khí của Mật giáo, do chày 3 cạnh đặt giao nhau tạo thành hình chữ thập, tượng trưng cho chí tác nghiệp vốn có của chư phật, thuộc về luân bảo. Khi tu pháp, bốn góc trên đàn lớn đều đặt một yết ma kim cương với ý nghĩa tượng trưng cho sự phá trừ 12 nhân duyên. Pháp khí này còn có tên gọi là yết ma kim cương, thập tự yết ma, thập tự kim cương, luân yết ma.
14.jpg
Chùa thu hút rất nhiều Phật tử đến chiêm bái và lễ Phật.
17.jpg
55.jpg
Mật tông là một tông phái của Đạo Phật đã có từ lâu, nhưng ít phổ biến như các tông phái khác vì nhiều lý do.
77.jpg
Kinh Luân hay còn được gọi là bánh xe cầu nguyện là pháp khí thực hành tâm linh đơn giản. Chúng có ý nghĩa mật thiết với kinh điển dạy về cách mà Đức Phật truyền đạo. Kinh điển dạy, sau khi Đức Phát thành đạo, Ngài đã ngồi im lặng cho đến khi được chư Thiên xuống và thỉnh Ngài xoay chuyển bánh xe pháp, tuyên thuyết, hoằng truyền giáo pháp mà Ngài đã chiêm nghiệm. Thực hành quay Kinh Luân sẽ nhận được những năng lượng tích cực, góp phần tịnh hóa nghiệp xấu và thân tâm sẽ trở nên an lạc.
211.jpg
332.jpg
32563.jpg
Tận hưởng cảnh vật trong khuôn viên chùa Thắng Nghiêm, bạn sẽ thấy thật thoải mái, thanh tịnh bởi những hàng cây xanh rì, hồ sen thơm ngát và không gian Phật giáo độc đáo.
a.jpg
Chùa Thắng Nghiêm là một ngôi chùa mật tông đẹp đẽ, trang nghiêm và thanh tịnh chắc chắn sẽ làm cho bạn bất ngờ.
e.jpg
Ngôi chùa được thiết kế đẹp mắt với tông màu vàng chủ đạo, nâu và đỏ tô điểm và được trạm khắc các chi tiết vô cùng tinh xảo.
eee.jpg
Chùa Thắng Nghiêm mang vẻ đẹp tráng lệ, xây dựng theo kiến trúc Phật giáo đặc sắc, là một điểm đến tâm linh cầu an đầu năm.
ewfwfw.jpg
Đến chùa, du khách sẽ cảm nhận được sự thanh tịnh, an yên bởi mùi hương phảng phất cùng không gian cây cỏ xanh mướt.
ewqffwf.jpg
Những dải cờ nhiều màu sặc sỡ được giăng khắp nơi trong chùa. Những dải cờ này trong tiếng Tây Tạng nghĩa là "ngựa gió", biểu tượng cho sự chuyển hóa của cái ác thành thiện, những điều không may thành cát tường. Ngoài ra, lá cờ có 5 màu, tượng trưng cho 5 trí tuệ của Phật.
f.jpg
Những không gian thanh tịnh giúp con người ta cảm thấy an lạc.
fwfqqq.jpg
Trong những ngày đầu xuân, đây là một nơi thu hút rất nhiều du khách và Phật tử đến.

N.T.D