Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm và làm việc với Bộ Y tế
Chính trị - Ngày đăng : 11:07, 20/02/2024
Tham dự cuộc làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cùng các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh; Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Vũ Hải Sản.
Cùng dự có đại diện các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành và cán bộ, lãnh đạo chủ chốt Bộ Y tế.
Tập trung hoàn thiện thể chế, từngbước tháo gỡ các tồn tại, bất cập
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, năm 2023, ngành Y tế tiếp tục triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, có hiệu quả. Nổi bật là: hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2023 được Quốc hội giao, trong đó vượt chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân (12,5 bác sĩ), đạt chỉ tiêu về số giường bệnh/vạn dân (32 giường bệnh), đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) (93,2%); cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2023 được Chính phủ giao (7/9 chỉ tiêu).
Đặc biệt, công tác xây dựng thể chế tiếp tục được chú trọng và tập trung hoàn thiện. Trong năm 2023, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ trình: Quốc hội ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và 2 Nghị quyết của Quốc hội là Nghị quyết số 99/2023/QH15 và Nghị quyết số 80/2023/QH15; Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW. Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ ban hành 5 Nghị định, 6 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 Quyết định. Bộ Y tế ban hành 34 Thông tư theo thẩm quyền (nhiều hơn 14 Thông tư so với năm 2022).
Qua đó đã từng bước tháo gỡ các tồn tại, bất cập đã được bộc lộ thời gian qua về: cơ chế mượn trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc và cơ chế vay vốn đầu tư đối với bệnh viện công lập; các quy định đối với người hành nghề và đối với người bệnh; tăng nguồn cung thuốc, thiết bị y tế và xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện; giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện của các cơ sở khám, chữa bệnh về vấn đề thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT.
Chất lượng, hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh được nâng cao. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường phục hồi mạnh sau đại dịch Covid - 19, số lượng người bệnh đến thăm khám tại các cơ sở y tế tăng cao. Các dịch vụ y tế ngày một đa dạng, chất lượng được nâng lên rõ rệt, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh được đầu tư xây dựng hiện đại và đồng bộ.
Kỹ thuật y học tiên tiến được chuyển giao xuống tuyến dưới, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên; công tác quản lý chất lượng bệnh viện có nhiều bước phát triển; thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế tiếp tục có bước chuyển biến tích cực. Cùng với đó, khám, chữa bệnh từ xa, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ngày càng được đẩy mạnh ở các tuyến, cơ sở y tế.
Bộ Y tế cũng đã và đang tập trung xây dựng để trình Chính phủ, trình Quốc hội nhiều văn bản mang tính bản lề trong hoạt động của ngành như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dân số, Luật Thiết bị y tế, Luật Phòng bệnh…
Về tình hình triển khai các Luật, Nghị quyết được Quốc hội ban hành năm 2023 liên quan đến lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, đối với Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế được giao xây dựng trình Chính phủ ban hành 1 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và ban hành 10 Thông tư. Đến nay, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; trình Thủ tướng Chính phủ 1 dự thảo quyết định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia và ban hành theo thẩm quyền 5 thông tư; 5 thông tư còn lại sẽ được ban hành trong năm 2024 - 2025 phù hợp với lộ trình quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Đối với Nghị định quy định chi tiết Luật Thi đua khen thưởng dự kiến trình Chính phủ trong tháng 2/2024.
Đối với Luật Đấu thầu và Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, Bộ Y tế được giao xây dựng 3 Thông tư, đến nay đã hoàn thành việc xây dựng và đang thực hiện các thủ tục thẩm định để ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu có một số nội dung giao Bộ Y tế quy định; trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã chủ động xây dựng dự thảo Thông tư quy định đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập và liên tục cập nhật, hoàn thiện theo nội dung dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Đối với Luật Giá, Bộ Y tế được giao: định giá tối đa đối với dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập; dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập; máu toàn phần và chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn; định giá cụ thể đối với dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên. Hiện nay, Bộ Y tế đang tiến hành xây dựng các văn bản quy định các nội dung được giao để bảo đảm có hiệu lực vào ngày 1/7/2024.
Bộ Y tế cũng đã triển khai nghiêm túc các quy định tại Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid - 19 sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024; Nghị quyết số 99/2023/QH15 về “Giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid - 19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Bảo đảm ngân sách hằng năm cho sự nghiệp y tế theo đúng Nghị quyết của Quốc hội
Năm 2024, Bộ Y tế xác định nhiệm vụ trọng tâm là: tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực y tế. Tập trung xây dựng, hoàn thiện, hướng dẫn triển khai các văn bản quy phạm pháp luật trọng tâm của Ngành như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; đồng thời, tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực y tế.
Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt đối với dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi. Tăng cường theo dõi, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan rộng.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng dịch vụ, sự hài lòng của người bệnh. Đảm bảo tốt công tác thu dung, điều trị; đủ thuốc, thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh.
Tập trung triển khai các chính sách nâng cao hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân và công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tiếp tục thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số y tế, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ các quy trình của ngành Y tế, giảm thiểu phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe. Tăng cường truyền thông các chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, các chính sách mới được ban hành.
Bộ trưởng Bộ Y tế mong muốn, Quốc hội tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách hằng năm cho sự nghiệp y tế theo đúng Nghị quyết số 18/2008/QH12; tập trung NSNN cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, các lĩnh vực phong, lao, tâm thần... Quan tâm, dành ngân sách trung ương để hỗ trợ các địa phương có khó khăn đầu tư cho các trạm y tế xã, nhất là các trạm ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; đầu tư cho một số trung tâm y tế, bệnh viện huyện chưa được đầu tư.
Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Bộ Y tế đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược tại Kỳ họp thứ Bảy. Tại Kỳ họp thứ Tám, trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình một kỳ họp đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Tại Kỳ họp thứ Chín: Trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Phòng bệnh. Tại Kỳ họp thứ Mười, trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật Phòng bệnh; trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Thiết bị y tế.
Đối với các dự án: Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác; Luật Dân số; Luật An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đề xuất tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đăng ký vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khi đủ điều kiện.
Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng pháp luật từ khi xác định chính sách, đánh giá tác động chính sách đến xây dựng và hoàn thiện các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.