Hà Nội: Chợ cóc gây mất vệ sinh đường phố
Theo ghi nhận của PV Báo Công lý, chợ cóc tại khu vực đầu đường Láng (kéo dài từ phố Cầu Mới qua cây xăng đường Láng) bắt đầu hoạt động từ khoảng 2h sáng đến khi trời sáng có lực lượng chức năng "đi đuổi".
Ngày nào cũng có lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý vi phạm nhưng chợ cóc trên đoạn đầu đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn tấp nập người mua, bán nhiều năm nay.
Theo quan sát, chợ cóc khu vực này bán đủ các loại thực phẩm thiết yếu, chủ yếu là bán buôn cho các tiểu thương tỏa về các chợ khác. Vì vậy, giá bán ở đây rẻ hơn nhiều so với giá bán thông thường.
Trong quá trình mua bán, các phế phẩm từ việc giết mổ cá, gia cầm được người bán vứt bỏ bừa bãi ngay trên vỉa hè hoặc sát lề đường khiến khu vực này trở nên nhếch nhác và mất vệ sinh.
Không những thế, nước thải từ việc giết mổ, rửa rau cũng được người bán đổ ngay tại đây khiến đoạn đường này bốc mùi hôi tanh. Thậm chí, rác thải từ hoạt động mua bán cũng được vô tư chất đống bên lề đường.
Để thuận tiện cho việc di chuyển, thay vì dùng bàn, nhiều cửa hàng bán thịt lợn, thịt gia cầm đã chuyển sang dùng mẹt; hàng hóa các loại, dụng cụ hành nghề như dao, thớt, xô, chậu… cũng được các tiểu thương chất đống lên xe máy, xe đạp… Chỉ cần thấy bóng dáng của các lực lượng chức năng, chợ cóc ngay lập tức di chuyển đi chỗ khác.
Chợ hoạt động từ sáng sớm trong lúc trời còn tờ mờ tối, nên việc các phương tiện qua lại trên đường khuất tầm nhìn rất có thể phát sinh tai nạn đáng tiếc khi các quầy hàng lấn chiếm tràn xuống lòng lề đường.
Sau mỗi buổi chợ tan, đọng lại trên đoạn đường này là vô vàn những phế phẩm. Rác thải chất thành đống, tràn trên vỉa hè, tràn dưới lòng đường, gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.
Thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp để giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn. Một đô thị văn minh, hiện đại thì không thể để phát sinh nhiều chợ tự phát họp trên đường phố, trong các ngõ ngách của khu dân cư.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần xem xét dành quỹ đất, đầu tư xây mới các chợ tại các khu vực mới phát triển; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các chợ trong khu vực nội thành cũ qua nhiều năm sử dụng đã sập xệ để sau khi giải tỏa các chợ tạm có đủ chỗ bố trí các hộ kinh doanh tiếp tục buôn bán.
Mặt khác, người tiêu dùng Thủ đô cũng nên thay đổi thói quen mua bán, không mua hàng theo kiểu tiện đâu mua đấy, mà nên tìm đến những cơ sở thương mại có địa chỉ rõ ràng, sản phẩm bảo đảm chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Có như vậy, mới giải quyết tận gốc nạn chợ cóc, chợ tạm, bảo đảm văn minh đô thị cho thành phố