Hà Nội: "Nét vẽ” mới trong bức hoạ ngàn năm
Văn hóa Hà Nội là một dòng chảy xuyên suốt, nơi hội tụ, kết tinh văn hóa của nhiều vùng, miền, các dân tộc, để tạo nên nét đặc sắc riêng. Trước sự phát triển mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, văn hóa Hà Nội có sự thích ứng, biến đổi để phù hợp với bối cảnh mới, song vẫn bảo tồn những giá trị truyền thống.
Văn hóa Hà Nội là một dòng chảy xuyên suốt, nơi hội tụ, kết tinh văn hóa của nhiều vùng, miền, các dân tộc, để tạo nên nét đặc sắc riêng. Trước sự phát triển mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, văn hóa Hà Nội có sự thích ứng, biến đổi để phù hợp với bối cảnh mới, song vẫn bảo tồn những giá trị truyền thống. Trong năm 2023, ngành du lịch Thủ đô đã có những bước chuyển mình vô cùng quan trọng để tăng trưởng mạnh mẽ. Đó là sự kết hợp văn hoá của một thủ đô ngàn năm cùng với hơi thở trẻ trung, năng động của thời đại. Đây chính là nền tảng bền vững để Hà Nội chủ động tiếp nhận tinh hoa văn hóa các nước, làm phong phú bản sắc dân tộc, trở thành một trong những thành phố tiêu biểu về văn hóa của cả nước.
Văn hoá phi vật thể Hà Nội là tổng hoà các yếu tố giao lưu, hội nhập, dung hoà, tiếp biến, cởi mở, linh hoạt để tạo nên bản sắc Thăng Long - Hà Nội, một vùng đất “hội thuỷ, hội nhân và hội tụ văn hoá vô cùng phong phú và đa dạng”.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban Ban Văn hoá - Xã hội HĐND Thành phố Hà Nội đã chia sẻ với phóng viên Báo Công lý về vấn đề này: Hà Nội hiện có 5922 di tích, vật báu lịch sử đã được kiểm kê, trong đó có một di sản văn hóa thế giới là Hoàng thành Thăng Long; có 2 cụm di tích quốc gia đặc biệt và hàng nghìn di tích cấp quốc gia, cấp thành phố; Hà Nội cũng có 1350 làng nghề; có hệ thống các bảo tàng, các công trình văn hóa thể thao cấp quốc gia cũng như nhiều những công trình đạt tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ cho việc phát triển du lịch.
Đồng thời Hà Nội ở vào vị trí trung tâm về phát triển du lịch của khu vực phía bắc. Hà Nội cũng là nơi hội tụ và giao thoa văn hóa trong cả nước, giữa các vùng miền, đặc biệt là các ngành, tỉnh vùng đồng bằng sông hồng ở khu vực phía bắc. Nơi đây cũng có các di sản văn hóa phi vật thể rất đặc sắc.
Các lễ hội truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể khác được các nghệ nhân gìn giữ và lưu truyền. Hà Nội còn là nơi quần tụ đông đúc, đa dạng của nhiều nét văn hóa vùng, miền do sự hợp cư của nhiều luồng di cư; là nơi diễn ra những sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của cả nước và thế giới.
Sở hữu nền tảng văn hóa trên cơ sở tích hợp những giá trị truyền thống - hiện đại của Hà Nội tạo nên nét đặc sắc mà không nhiều thủ đô các nước trên thế giới có được. Trong tiến trình hội nhập quốc tế về lĩnh vực văn hóa, Hà Nội có cả những lợi thế, đặc thù, điều kiện thuận lợi cũng như những khó khăn, trở ngại. Vấn đề đặt ra đối với Thủ đô Hà Nội hiện nay là làm sao vừa bảo tồn những giá trị truyền thống vừa tích hợp những tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của mình.”
Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, Hà Nội đã đầu tư kinh phí, từ nguồn ngân sách và huy động nguồn lực lớn xã hội hóa; đồng thời huy động các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền và cộng đồng nắm giữ di sản cùng vào cuộc. Điều này cho thấy, nhận thức, sự quan tâm của cộng đồng cư dân ở Thủ đô đối với công tác này đã được nâng lên rất nhiều.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban Ban Văn hoá - Xã hội HĐND Thành phố Hà Nội cho biết: “Hà Nội cũng đã tổ chức khảo sát, xây dựng hồ sơ khoa học phục vụ công tác xếp hạng di tích, khoanh vùng bảo vệ di tích với tổng số trên 5922 di tích được đăng ký; tiến hành tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội. Sau khi hoàn thành kiểm kê, thành phố đã bàn giao danh mục di sản văn hóa phi vật thể về các địa phương để làm cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị. Di sản văn hóa phi vật thể được coi là một phần hồn cốt của Thăng Long - Hà Nội, nơi chất chứa những tinh hoa của dòng chảy văn hóa trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử".
Vì vậy, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống hiện nay, chính là bảo vệ một phần hồn cốt của văn hóa Hà Nội. Và đây được coi là thành công lớn nhất của ngành văn hóa Thành phố. Việc đầu tư thực hiện một cách đồng bộ, khoa học vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Thủ đô trong thời gian gần đây đã góp phần giải quyết tốt bài toán hài hòa giữa vấn đề bảo tồn và phát triển xã hội.
Không chỉ bảo tồn các giá trị văn hóa, Hà Nội còn tạo ra những giá trị văn hóa mới, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Đặc biệt là tập trung, phát triển những sản phẩm du lịch dành cho người có thu nhập cao ở cả thị trường nội địa và quốc tế.
Sự xuất hiện của mô hình không gian sáng tạo như một luồng gió mới trong đời sống văn hóa tinh thần của Thủ đô.
Đây là nơi tụ hội tư duy, trí tuệ sáng tạo của giới nghệ sĩ, kiến trúc sư Hà Nội với nhiều mô hình hoạt động, cách thức tổ chức và lĩnh vực đa dạng, độc đáo, mới lạ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thành phố Hà Nội về thụ hưởng văn hóa.
Không gian sáng tạo là sự kết nối, lan tỏa các ý tưởng, tạo sức hấp dẫn cho đô thị, lan truyền cảm hứng sáng tạo, không chỉ tạo ra bản sắc mới cho thành phố mà còn góp phần tái tạo diện mạo đô thị theo hướng bền vững.”
Các không gian văn hóa sáng tạo như phố đi bộ Hồ Gươm, Tháp nước Hàng Đậu, phố sách Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, các sân vận động, nhà bảo tàng, nhà văn hóa... đã tạo nên những sắc màu nghệ thuật tươi mới cho văn hóa Hà Nội, đem lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế. Những di sản không gian, di sản kiến trúc mang đậm tính lịch sử của Hà Nội đã được “đánh thức” và làm mới.
Văn hóa Hà Nội lâu nay là quá trình hội tụ, giao lưu cả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, đứng trước quá trình hội nhập nhanh, sâu sắc thì lại là thách thức không nhỏ. Trong dòng chảy hội nhập quốc tế, văn hóa là mạch nguồn không ngừng nghỉ, do vậy những giá trị, chuẩn mực văn hóa vừa mang tính lịch sử vừa thể hiện tính thời đại.
Bản sắc dân tộc là yếu tố tiên quyết để tạo nên giá trị bền vững của một nền văn hóa. Trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, điều làm nên sự quyến rũ, chinh phục được tình cảm, sự mến mộ của công chúng thế giới chính là khai thác, phát huy nét độc đáo dân tộc. Nét độc đáo này không phải là cứ đi theo lối mòn truyền thống, mà phải có sự sắp xếp, lọc lựa, có sự đổi mới, cách tân, sáng tạo trên nền tảng truyền thống.
Những yếu tố mới, độc, lạ sẽ là điểm nhấn thu hút, tạo sự khác biệt trong muôn vàn sắc màu văn hóa đa dạng của thế giới, và tạo hiệu ứng lan tỏa. Trong quá trình giao lưu văn hóa, thông qua các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, văn học, điện ảnh, điêu khắc, triển lãm, mỹ thuật..., để giới thiệu, quảng bá nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban Ban Văn hoá - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội cho biết: “Hà Nội xác định là một trung tâm văn hóa, nơi hội tụ và giao thoa văn hóa của cả nước. Nơi có truyền thống về văn hóa, người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Để duy trì, phát triển những điều trên thì đây là mục tiêu lớn, nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
Hà Nội đã ban hành và đưa vào thực hiện các bộ quy tắc ứng xử. Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng đối với tất cả người dân, du khách đến với Hà Nội. Hệ thống chính trị của thành phố thì cũng có quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan với các phẩm chất người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh.
Từ những hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân thành phố thì chúng tôi cũng có đề xuất về nội dung kiến nghị, giải pháp đối với các địa phương cũng như là các cơ quan chuyên môn của thành phố.
Thứ nhất là cần phải tiếp tục quan tâm công tác rà soát, bổ sung, cập nhật các quy hoạch hệ thống các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng phục vụ du lịch. Đặc biệt cần khẩn trương, rà soát, cập nhật, phê duyệt các quy hoạch ở khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, hệ thống các cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển du lịch, nhất là những nơi rất có tiềm năng lớn như Sóc Sơn, Sơn Tây,... Các địa bàn như Gia Lâm hay những địa bàn trong trung tâm cần phải rà soát để cập nhật, bổ sung các quy hoạch phát triển du lịch với các cơ sở lưu trú, các trung tâm thương mại.
Thứ hai là cần phải tiếp tục tập trung đầu tư cho hệ thống hạ tầng phục vụ trực tiếp cho các khu, điểm du lịch, các điểm tham quan di tích, bến bãi đỗ xe. Đảm bảo vệ sinh môi trường, trật tự tại các cái khu, điểm du lịch, tạo sự thân thiện, tạo sự thân thiện, thu hút hấp dẫn đối với du khách tham quan.
Tập trung các dự án trung tâm bảo tồn, tu tạo di tích để làm cơ sở khai thác, phát triển du lịch. Trong đó cần tập trung đẩy nhanh tiến độ đối với một số những cái dự án lớn liên quan đến phát triển du lịch thủ đô như dự án phục dựng điện Kính Thiên, trung tâm Hoàng thành Thăng Long, khu di tích cổ loa Đông Anh, xây dựng đền thờ đức vua Ngô Quyền.
Tập trung vào các dự án khu vực làng cổ, làng nghề như làng cổ đường Lâm, làng nghề Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc. Tập trung thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao mới như bảo tàng Hà Nội, Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia. Quy hoạch đầu tư các khu thể thao, khu vui chơi giải trí lớn.
Tiếp tục đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử. Nhưng phải đảm bảo vừa giữ gìn vừa để khai thác phát triển du lịch. Nhất là đối với các di tích quốc gia như khu Văn Miếu Quốc Tử Giám, chùa Tây Phương, chùa Thầy. Đặc biệt là các đình cổ mang nét đặc trưng trên địa bàn thành phố Hà Nội như đình So (Quốc Oai), đình Tường Phiêu (Phúc Thọ), đình Tây Đằng (Ba Vì),…
Một việc nữa là tập trung phát triển nguồn nhân lực, phục vụ du lịch như là hướng dẫn viên du lịch, những người làm công tác ở các khu điểm du lịch.
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ban hành một số các cơ chế chính sách thu hút đầu tư xã hội hóa. Đó là phát triển các cơ sở lưu trú, các cơ sở hạ tầng chính. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách nhà nước thì xã hội hóa là nguồn lực đầu tư cho tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa.
Các cơ chế, chính sách đặc thù khác để hỗ trợ phát triển khu, điểm du lịch. Đó là những giải pháp, nhiệm vụ đặt ra để phát triển du lịch mạnh mẽ hơn, với mục tiêu phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Tái cấu trúc là các cái sản phẩm du lịch, nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng của phẩm du lịch.
Tạo ra những hệ sinh thái trong phát triển du lịch, sự liên kết trong chuỗi cung ứng trong phát triển du lịch giữa các đơn vị vận tải, đơn vị lữ hành, đơn vị dịch vụ về ăn uống, lưu trú. Những đơn vị, cơ sở trung tâm thương mại, bán hàng phục vụ du khách tạo ra một hệ sinh thái, một sự liên kết chuỗi để phục vụ cho nhu cầu của du khách tốt hơn, cũng như đem lại giá trị gia tăng cao hơn.
Và một giải pháp nữa đặc biệt quan trọng là phải trên cơ sở những xu hướng mới để cập nhật trong phát triển du lịch, đẩy mạnh ứng dụng những công nghệ mới. Đẩy nhanh chuyển đổi số chuyển đổi số trong phát triển du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Cũng như là cách thức tiếp cận, tìm hiểu về địa bàn.
Những sản phẩm du lịch của du khách, nhất là du khách quốc tế và giới trẻ là hiện nay họ chủ yếu dựa trên nền tảng của công nghệ số. Các giải pháp về xúc tiến du lịch, trong đó có thu hút đầu tư cho các dự án phát triển du lịch bây giờ quảng bá, giới thiệu, quảng bá du khách trong nước và quốc tế đến du lịch thủ đô.
Những năm trước, Hà Nội cũng đã có chương trình quảng bá về du lịch trên kênh CNN. Tới đây, Hà Nội cũng cần phải có những giải pháp mạnh dạn trong tuyên truyền, quảng bá cũng như tiếp tục nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước. Trong phát triển du lịch cần hỗ trợ cho các hiệp hội liên quan, hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp.”
Trong lĩnh vực văn hóa - thể thao du lịch, để phục vụ cho đời sống của nhân dân trên địa bàn thủ đô cũng như thu hút và phát triển du lịch, Hà Nội đã quy hoạch các dự án và khu công viên, khu vui chơi giải trí lớn. Trên địa bàn thành phố, các trung tâm hội chợ thương mại cũng đã quy hoạch. Đồng thời cũng đã thu hút đầu tư để xây dựng.
Đưa vào hoạt động của một số những khu công viên thể thao giải trí, các dự án khu du lịch, khu vui chơi giải trí. Và đang thực hiện công tác quy hoạch và triển khai các dự án như công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia. Bên cạnh đó cũng đang rà soát quy hoạch để phát triển những điểm du lịch văn hóa gắn với mô hình làng cổ: Đường Lâm, làng gốm sứ Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc,..
Hy vọng từ những nỗ lực và phương hướng trên văn hóa Hà Nội sẽ luôn là một dòng chảy xuyên suốt, nơi hội tụ, kết tinh văn hóa của nhiều vùng, miền, các dân tộc, để tạo nên nét đặc sắc riêng.”
Nội dung và thực hiện: Tuấn Dũng, Tuyết Nhung.
Đồ họa: Tuấn Dũng.