Độc đáo Lễ hội lồng tồng
Sau Tết là thời gian diễn ra nhiều lễ hội Xuân. Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, hội Lồng tồng ngày xuân thường được tổ chức từ mùng 4 đến ngày rằm tháng Giêng.
Lễ hội Lồng tồng hay còn gọi là Lồng tổng (theo tiếng Tày - Nùng) và Lồng tộng (theo tiếng Dao) đều mang nghĩa là "xuống đồng". Đây là lễ hội quan trọng nhất trong năm của đồng bào người Tày, Nùng, Dao,… Lễ hội Lồng tồng đã có từ rất lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng người dân tộc Tày, Nùng,... ở các tỉnh miền núi phía Bắc: Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và một số tỉnh Tây Bắc. Có lẽ cũng chính vì vậy mà người Tày, người Nùng có câu: “Nàng ơi, bươn Chiêng lầu pây liểu/Bươn nhỉ mí chịu dú đai" (Em ơi, tháng Giêng ta đi trẩy hội/Tháng hai chân tay không ngơi nghỉ).
Lễ hội được xem là hoạt động tín ngưỡng gắn liền với nền nông nghiệp trồng trọt của đồng bào các dân tộc vùng núi phía Bắc, đặc biệt là của đồng bào các dân tộc Tày, Nùn. Lễ hội Lồng tồng được người dân tổ chức để tạ ơn đất, trời, các vị thần linh; đồng thời cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh, cuộc sống no ấm.
Đây là một lễ hội mang đậm dấu ấn của nền sản xuất nông nghiệp với các nghi thức cũng như những sản vật dâng cúng cũng như các trò chơi trong lễ hội. Hội được tổ chức trên một thửa ruộng lớn gọi là ruộng xuống đồng. Vẫn theo lệ từ ngàn xưa, Hội chia thành hai phần: Phần lễ có tạ thiên địa, cầu thần Nông, thần Phục Hy độ trì cho mưa thuận gió hòa, gia súc, gia cầm sinh sôi, bản làng bình yên no ấm...
Chủ trì hội là ông Thại đinh (người coi đình) hay người coi việc thờ cúng Thần Nông của bản. Tất cả gia đình tham dự hội đều mang theo cỗ để làm lễ vật cúng Thần Đất, Thần Núi, Thần Nông và Thành Hoàng: đó là những mâm cỗ thịnh soạn, trình bày đẹp. Mâm lễ thường có xôi nếp, thịt lợn, rượu trắng và các loại bánh như khẩu sli, khẩu slec, bánh khảo, bánh dày, chè lam...
Ở một số hội quy mô lớn, người chủ trì còn cho tổ chức lễ hiến tam sinh (trâu, heo, gà hay heo, dê, gà). Trên thửa ruộng xuống đồng, đàn tế Thần Nông và các thần khác được trần thiết. Lễ hội bắt đầu khi chiêng trống nổi lên, rồi các bô lão và tráng đinh rước Thần Nông và Thành Hoàng từ đình ra ruộng, còn các gia đình thì rước cỗ, bày ra trên bãi hội. Người chủ trì hội xướng bài mo cúng chư thần rồi tuyên bố phá cỗ. Gia đình nào có cỗ thịnh soạn và mời được nhiều khách dự hội đến thưởng thức cỗ nhà mình thì xem đó là điều may mắn cho cả năm. Có nơi các vị bô lão được mời đi thưởng cỗ, có thanh niên gái trai đi theo múa hát, chúc cho từng gia đình vạn sự tốt lành. Ăn cỗ xong, mọi người tiếp tục ca hát và tham gia các trò chơi dân gian như: ném còn, kéo co, đẩy gậy, đánh quay, đánh đu, múa kỳ lân, múa sư tử, múa võ, múa giáo, bịt mắt bắt dê, hát giao duyên (hát lượn), thi sản vật địa phương, cờ tướng …
Tại Thái Nguyên, năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, ngày mùng 10 tháng Giêng là người dân vùng chiến khu cách mạng ATK Định Hóa, Thái Nguyên lại nô nức kéo về khu vực Đèo De thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa để tham dự Lễ hội Lồng Tồng. Đây là lễ hội xuống đồng đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Da... Trước giờ khai hội là phần nghi lễ dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng niệm trên đỉnh đèo De, xã Phú Đình.
Đúng 8 giờ, tiếng trống khai hội được già làng đánh lên và cùng với đó là màn trống hội, múa lân rộn rã, rực rỡ sắc màu. Tại lễ hội, nhiều du khách lần đầu được tận mắt chứng kiến nghi lễ cầu mùa của dân tộc Tày, lễ xuống đồng của dân tộc Sán Chay và lễ cầu phúc của dân tộc Dao.
Những mâm cỗ tế lễ được người dân trong vùng chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng với lòng thành kính, biết ơn các vị thần rừng, thần núi, thần trời và thần đất. Đây không chỉ thể hiện nét đặc sắc trong truyền thống của bà con dân tộc mà còn thể hiện ý nghĩa tâm linh sâu sắc trong đời sống văn hóa của họ. Ngay sau lễ hội, bà con tại các địa phương tập trung vào sản xuất cho đúng khung thời vụ, đảm bảo cho một mùa vụ thắng lợi.
Tại Lễ hội Lồng tồng, ném còn là trò chơi vui nhất, đông người tham gia nhất, người dân quan niệm rằng, trong hội phải có người tung được quả còn ngũ sắc xuyên thủng hồng tâm thì năm đó bản làng mới có thể làm ăn thuận lợi. Gái trai chia làm hai phe để hát sli, lượn, là hai hình thức đối ca giao duyên nam nữ, thể hiện tục cầu mùa, còn trò chơi kéo co giữa các cô gái chàng trai Tày, Nùng vừa mang tính chất cầu mùa, cầu mưa, cầu nước như một nghi lễ tín ngưỡng nông nghiệp lâu đời.
Đặc biệt các điệu hát Sli ( Nùng ) , Lượn ( Tày ) quen thuộc được biểu diễn một cách tự nhiên trong làng, ở khe suối hay ở các cánh rừng. Là lễ hội quan trọng nhất của vùng Đông Bắc nên mọi người đều mặc y phục sắc tộc đẹp nhất, các bà, các cô được tô điểm bằng đồ trang sức quí nhất. Điệu múa tiêu biểu của hội lồng tồng là múa sư tử.
Những điệu múa lễ hội khác của người Tày, Nùng là xòe chiêng, múa then. Khi trời tối cũng là lúc không khí hội chuyển sang sự hấp dẫn khác. Lửa trại được nhóm bùng lên. Những làn hát cọi vang lên. Câu ca "Gốc cọi ở mường trời, tổ cọi ở xứ tiên" từ miệng hoa của người con gái thường được mở đầu cho các làng hát cọi đối đáp nhau. Ngoài ra, hội còn tổ chức thi hát lượn, hát sli, thu hút đông người tham gia.
Ông Mã Hồng Thăng, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng (75 tuổi) say sưa kể lại các trò chơi truyền thống được tổ chức trong các lễ hội xuân nơi quê hương Cao Bằng. Ngoài các trò chơi phổ biến như tung còn, kéo co, đánh yến, đánh quay, bịt mắt bắt dê, đá bóng... thì hồi trẻ ông còn được tham gia trò chơi "mác cấu", một trò chơi thu hút nhiều người tham gia, nhất là đám trai trẻ trong bản.
"Hội Lồng tồng đầu xuân thì có từ rất lâu rồi. Tùy từng địa phương quy định ngày để tổ chức hội Lồng tồng, trò chơi được tổ chức trong ngày hội cũng tùy nơi. Ngày xưa ở xã Đào Ngạn tôi (nay là xã Ngọc Đào) thì có một trò chơi rất hay gọi là cướp “mác cấu”. Người ta chọn lấy củ chuối to nhất và đào một cái hố rồi thả “quả cấu” xuống hố. Người chơi chia thành đội và có vạch ngăn đôi giữa 2 đội khoảng 6 đến 7 mét. Hai bên tranh nhau, đội nào mang được “quả cấu” về đích thì là đội thắng cuộc" - ông Mã Hồng Thắng kể.
Bà Ma Thị Thiết, 83 tuổi ở thôn Cốc Tảo, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn kể: "Ở Thất Khê quê tôi hàng năm có hội Lồng tồng Bủng Kham. Ở đây các nhà rồi các làng thi nhau chuẩn bị mâm lễ để chấm điểm trong ngày hội Lồng tồng. Hội được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm. Các mâm lễ của các làng đem đến lễ hội trông rất bắt mắt, những mâm lễ được xếp thành hình thù các con vật linh thiêng như hình con rồng. Đến hội lồng tồng mọi người ai nấy đều vui vẻ được gặp nhau dịp đầu xuân năm mới, mọi người cất tiếng sli, lượn với nhau cả ngày".
Hội Lồng tồng còn theo bà con người Tày, Nùng đi vào các tỉnh Tây Nguyên (đi xây dựng vùng kinh tế mới). Để nhớ hương vị Tết quê nhà, bà con ở Tây Nguyên cũng cùng nhau tổ chức lễ hội Lồng tồng để cùng ôn lại những câu then, điệu lượn. Bà Hoàng Thị Kín năm nay được về quê ăn tết Nguyên Bình- Cao Bằng chia sẻ “ Tôi cùng nhiều làng vào Tâu Nguyên xây dựng vùng kinh tế mới, khi đi chúng tôi mang theo tên làng, tên bản, … vào đến huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk chúng tôi hàng năm vẫn duy trì hội xuân ở Cư M'gar tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng, còn ở Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) quê tôi ngày trước thì tổ chức hội Lồng tồng vào ngày 15. Hội xuân ở đây cũng vui lắm, cũng có đầy đủ các trò chơi dân gian như tung còn, đánh quay, kéo co... rồi còn rất nhiều tiết mục văn nghệ hát then, đàn tính, phong slư.... Hội ở đây cũng không khác gì ngoài quê ngày trước".
Trong những năm gần đây, đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà Nước lễ hội Lồng tồng diễn ra sôi nổi, phong phú hơn, đảm bảo các yếu tố văn hoá dân gian, đã thu hút du khách cả nước đến thăm quan, dự hội ngày một đông. Lễ hội Lồng tồng luôn để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng những ai đã từng tham dự, khiến họ khi trở về luôn mang theo nỗi nhớ khó quên hoặc sự tiếc nuối để hẹn lại mùa xuân năm sau.