Đầu Xuân thưởng ngoạn tài thổi cơm

Đời sống - Ngày đăng : 11:00, 09/02/2016

Bữa rượu du Xuân của chúng tôi tại đất Xuân Trường dân dã nhưng khá ấn tượng với món lẩu cá khoai. Loài cá thân mềm ngọt nước, mát và vị thanh khiết, là sản vật thiên nhiên ban tặng cho người dân miền biển vùng châu thổ sông Hồng.

Anh bạn vốn là “thổ dân” và cũng từng là lãnh đạo ở huyện Xuân Trường say sưa “thuyết minh” về món cá này và không giấu nổi niềm tự hào về quê mình. Anh bảo Xuân Trường quê anh có nhiều danh nhân, có cố Tổng Bí thư Trường Chinh, có Giáo sư Vũ Khiêu đại thọ… Nhưng với anh, ký ức tuổi thơ gắn liền với những bữa cơm nấu bằng bếp rạ, phùng má thổi lửa, khói mù mịt, cay xè. Ấy là chưa kể những ngày mưa rét, bão gió, ở cái vùng quê giáp biển này để nấu được nồi cơm cho ấm bụng cũng đã là kỳ tích. Và có lẽ với tình yêu thuở ấu thơ ấy, anh mời tôi về dự Hội thi thổi cơm và làm cỗ chay độc đáo này ở quê anh…

Làng Ngọc Tiên thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định là một vùng quê trù phú, cảnh quan cổ kính, lễ nghi phong tục phong phú và đa dạng, nên đã thu hút du khách thập phương tìm về chiêm ngưỡng và bái lễ. Tháng Giêng hàng năm, du khách thập phương đổ dồn về Nam Định để xin lộc khai ấn Đền Trần. Còn người dân Ngọc Tiên, dù xa hay gần lại tề tựu về dự Hội làng vào Rằm tháng Giêng. Đặc biệt, làng có hội thi thổi cơm và làm cỗ chay rất độc đáo để tưởng nhớ công ơn của Thành Hoàng làng - người không chỉ giỏi về binh pháp mà còn giỏi cả về chỉ đạo hậu cần. Hội thi cũng tái hiện lại cảnh thiếu thốn trăm bề vừa hành quân, vừa lo hậu cần lại phải “tích cốc phòng cơ” cho những khi thiếu đói.

Đầu Xuân thưởng ngoạn tài thổi cơm

Các giáp vừa đi quanh đền vừa nấu cơm với sự tập trung cao

Chuyện kể rằng: làng Ngọc Tiên xưa là vùng bãi bồi ven biển thuộc trấn Sơn Nam hạ. Vào thời Hậu Lê, Triều đình cử một vị tướng tài là Hoàng Văn Quảng về chiêu mộ quân sĩ dẹp giặc trấn biên, cùng dân làng ổn định cuộc sống. Nhờ tài thao lược “Chiêu binh mãi mã, tích thảo dồn lương” của ông mà nhân dân ở đây được an hưởng cuộc sống thái bình, no đủ. Năm 1743, vua Lê Cảnh Hưng ban sắc cho ông là Thông huyền chế cảm Linh thánh Đại vương tiên hiệu Quảng. Tri ân công đức của ông, dân làng Ngọc Tiên tôn ông lên làm Thành Hoàng làng, lập đền thờ và lấy ngày mười rằm tháng Giêng làm ngày chính kỵ. Vào ngày này, dân làng gác lại mọi công việc đồng áng, tập trung ra đền làm lễ tế thánh. Con cháu sinh sống làm ăn xa quê đều sắp xếp công việc về với xóm, với làng. Tiếng chiêng, tiếng trống, cờ xí rợp trời, cộng đồng làng xã nhất tiên nhất đế cho ngày lễ trọng, tế thần linh cầu một năm mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa...

Trước khi chuẩn bị vào hội, các giáp (kiểu như chi, họ, chia theo đơn vị xóm) đi sưu tầm, mua những cây luồng, bương to với chiều cao không dưới 25m để về làm cây nêu. Cây nêu dựng lên có ý nghĩa ngăn ngừa không cho quỷ dữ từ Biển Đông vào đất liền quấy nhiễu cuộc sống của dân làng; mặt khác cũng là trục nối giữa Trời và Đất cầu mong cho một cuộc sống yên bình hơn. Trước ngày vào đám, tất cả các giáp đều cử người lên đền mang dụng cụ thi đấu là bộ chõ đồ, nồi đồng điếu, quang gánh, cần trúc, bát đĩa… từ thời cổ xưa để lại ra lau chùi, sửa sang cho thật sạch sẽ, thanh tịnh.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, ngoài việc tế, lễ, rước kiệu còn có các hoạt động văn hóa dân gian như: đu tiên, leo cầu ngô trên mặt nước, bắt vịt, bốc bồi, cờ tướng, kéo co... Nhưng độc đáo, sinh động và náo nhiệt nhất vẫn là trò thổi cơm thi và làm cỗ chay dâng thánh thần tổ tiên với ý nghĩa diễn lại cảnh sinh hoạt của nghĩa binh xưa thiếu thốn mọi bề vừa hành quân vừa lo hậu cần, tích cốc phòng cơ cho những khi thiếu đói. Chính vì vậy tục thổi cơm thi của làng Ngọc Tiên diễn ra theo một quy trình khép kín từ việc lấy nước (gọi là địch thủy), tạo lửa (gọi là địch hỏa) đến thổi cơm, làm bánh. Từng xem, dự nhiều lễ hội, tôi thấy đây là nét độc đáo hấp dẫn làm nên đặc trưng của hội làng Ngọc Tiên.

Đầu Xuân thưởng ngoạn tài thổi cơm

 

Hồi hộp và gay cấn nhất là cuộc thi lấy lửa

Việc thổi cơm do cánh đàn ông đảm nhiệm, phụ nữ tuyệt nhiên không được phép tham gia. Để cơm chín ngon, dẻo, người nấu phải biết phối hợp các động tác một cách nhịp nhàng, khéo léo và nhanh chóng. Cuộc thi có thể lệ rõ ràng và về cơ bản, các giáp phải trải qua hai phần thi lấy nước và kéo lửa. Chỉ khi có nước, có lửa thì thổi cơm thi mới được bắt đầu. Ở phần thi địch thủy, mỗi giáp cử ra 2 người, tay cầm một chiếc nậm nhỏ, đồng loạt chạy ra bến Cựa Gà, lội ra giữa dòng sông Ninh lấy cho đầy nậm nước mang về đổ vào nồi. Trong quá trình chạy lấy nước, ngón tay cái phải bịt chặt miệng nậm để nước khỏi sánh ra ngoài. Ai mang nước về nhanh nhất, không làm vương vãi nước dọc đường là người thắng cuộc.

Phần thi địch hỏa được coi là gay cấn nhất lôi cuốn sự chú ý và tạo tâm lí hồi hộp không chỉ đối với người thi mà còn cả với người xem. Bởi có đạt kết quả ở phần thi này mới được tham dự vòng thi kế tiếp. Hơn nữa, theo quan niệm của người phương Đông thì việc tạo lửa trong ngày đầu xuân là điềm lành, mang nhiều may mắn, thuận lợi. Do đó thao tác nhanh, dứt khoát, tạo lửa khéo và đốt cờ chính xác là trách nhiệm của mỗi người dự thi đối với nội tộc và xóm làng. Mỗi giáp vào dự thi mang theo một bộ dụng cụ kéo lửa gồm một thanh cái đặt cố định dưới mặt đất làm bằng tre bánh tẻ, đường kính khoảng 4cm, đã được chẻ làm đôi tạo kẽ hở cho mùn rơi xuống trong quá trình kéo lửa. Thanh tre khác dài, mỏng gọi là thanh con (hay thanh dao) được tạo bởi gốc cây tre già, dùng để cọ xát vào thanh cái. Bí quyết chắc thắng trong phần thi này là dụng cụ kéo lửa phải được làm bằng cây tre chết bụi, phải gác trên gác bếp 3 tháng mới sử dụng được. Khi vào cuộc 12 người của 6 giáp xếp thành hàng ngang, tất cả nín thở, cùng ra sức cọ sát hai thanh tre vào nhau để tạo lửa. Lúc lửa bắt đầu bén thành một đốm than hồng thì phải ra sức hà hơi thổi để lửa bén vào bùi nhùi rơm bùng lên thành ngọn lửa lớn. Khó khăn là thế nhưng phần thi kéo lửa chỉ được trong vòng từ 15-20 giây.

 Khi tất cả các giáp đã hoàn thành phần kéo lửa thì cùng dân làng rước lửa về sân đền nấu cỗ, châm bếp bắt đầu phần thi làm bánh, thổi cơm trong tiếng hò reo cổ vũ tưng bừng.

Tận mắt thưởng ngoạn, chúng tôi thầm thán phục tài năng, sự khéo léo của người dân nơi đây. Người tham dự phần thi thổi cơm phải phụ trách mọi công việc từ đeo cần trúc lên vai, cố định niêu cơm, giữ lửa cho cơm chín, vừa đi vừa nấu, theo sau là cả đoàn rước khua chiêng, gõ trống tưng bừng.

 Để hoàn thành tốt phần thi này, người dân làng Ngọc Tiên đã chuẩn bị rất công phu từ việc chọn gạo cho đều nhau và đúng loại gạo ngon. Chiếc cần trúc treo niêu cơm được quấn giấy ngũ sắc trông rất đẹp. Việc làm quen với cách ước lượng sao cho đủ nước, đủ lửa, cơm chín nục, dẻo thơm trong thời gian đi chọn 3 vòng rước quanh sân đền bất luận tiết trời đầu xuân có mưa bụi giăng mắc, có rét dài, rét lộc ghé qua.

Anh bạn tôi bảo, thật kính nể các cụ về sự cầu kỳ. Chỉ tính riêng việc chuẩn bị cho chiếc cần trúc treo niêu cơm cũng rất công phu. Khi cây măng lên khỏi mặt đất người ta uốn cong theo hình chữ “S” và nuôi dưỡng thuần hóa đến khi đủ độ dẻo dai, bền chắc thì đẵn xuống, cho trúc “tắm” qua khói lửa, bồ hóng thêm một thời gian nữa mới đem vào sử dụng, cung đoạn này ước tính mất gần 3 năm. Người nấu cơm phải ước lượng nên gia lửa, hãm lửa lúc nào để cho cơm sôi bùng, hạt gạo ngậm no nước, chín đẫy hơi thì cơm mới nục.

Theo thể lệ, nồi cơm đoạt giải sẽ được chọn để dâng lên bố cáo Thành Hoàng làng. Đặc biệt, trong mâm cơm chay không thể thiếu bốn loại bánh (bánh bìa, bánh ống, bánh phong, bánh giáo) đã được trai làng chuẩn bị kỳ công trong cuộc thi… Bốn loại bánh trên mâm cỗ chay tượng trưng cho các loại lương khô mà thánh tổ đã làm ra giúp nghĩa quân có đủ lương thực ăn đường ngay cả khi giặc dã mưa gió, lụt lội, không nổi lửa được. Sau 150 phút, mâm cỗ chay phải hoàn tất có đủ 4 loại bánh, một bát chè đường, 1 bát cơm lồng, một cút rượu trắng, một đĩa trầu cau, và một quả bưởi để dâng lên cúng thánh cầu cho quốc thái dân an, làng xã thịnh vượng, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi. Sau 1 tuần hương, cỗ chay của các giáp được mang ra sân đình chấm điểm..

Trong không khí tưng bừng của lễ, hội, du khách có dịp tản bộ quanh đền, xem các trò đu tiên, leo cầu ngô trên mặt nước, bắt vịt, bốc bồi, cờ tướng, kéo co. Những tiếng hò reo cổ vũ như xua tan nỗi vất vả cuộc sống mưu sinh và thêm nhiều năng lượng cho một năm mới …

Tổ tôm điếm với những cái chòi được bài trí theo phong cách xưa, những người chơi trong trang phục cổ với những tiếng phách long gợi lại một trò tiêu khiển tao nhã rất Xuân của một thời...

Dời Xuân Trường trong bụi mưa xuân nhè nhẹ quyện khói lam chiều và mùi cơm thơm của lễ hội, lòng thấy nao nao trước chốn quê thanh bình...

Bùi Xuân Thao