Gặp cựu Thẩm phán Rơmah Sao trên mảnh đất Tây Nguyên
Đời sống - Ngày đăng : 06:00, 09/02/2016
Người con gái quả cảm
Sinh ra trong một gia đình có ba anh chị em ở vùng biên thuộc huyện Đức Cơ, giáp với Campuchia, tuổi thơ của bà cũng giống như bao người dân khác, hàng ngày đều phải chứng kiến cảnh Campuchia bom đạn chiến tranh. Là một người sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, dù không được học hành nhiều nhưng 15 tuổi, Rơmah Sao đã về nhà xin cha mẹ cho mình tham gia vào đội du kích của xã để trực tiếp được cầm súng giết giặc, giữ làng.
Bà Rơmah Sao nhớ lại: Đầu năm 1967, địch tăng cường các trận càn quét, trong đó chúng dùng đến cả xe cơ giới và phi pháo yểm trợ. Bà mạnh dạn đề xuất với xã đội trưởng chỉ huy xin được nhận mìn trực tiếp đi tiêu diệt xe địch: “Mày cho tao 1 quả mìn. Tao cũng đi đánh xe. Chỉ mình tao thôi kẻo nhỡ cái xe không chết lũ nó cười cho!”. Theo bà, nam nhi làm được thì nữ nhi cũng làm được.
Đầu tháng 7-1967, tổ gài mìn của bà Sao gồm ba người: Rơmah Sao, Rơ Lan Mek và một nam du kích nhận nhiệm vụ gài mìn ở ba tuyến đường mà xe cơ giới, xe chở quân lính củả địch thường xuyên qua lại. Để tránh bị địch phát hiện, tất cả đều được làm nhanh gọn trong một thời gian ngắn vào ban đêm. Sau khi đào hố xong, mìn được đặt xuống, rồi lấy vỏ cây chuối được cắt nhỏ xếp lên trên. “Vỏ cây chuối nó ẩm ướt nên các thiết bị rà soát bom, mìn của địch không thể nhận dạng được phía dưới”, bà Sao nói.
Bà Rơmah Sao bên cửa hàng tạp hóa nhỏ của mình
Đêm đầu, tổ của bà chọn tuyến đường 15 gần đồi Chư Nghé (xã Ia Krái, huyện Ia Grai). Do vị trí đường hơi thấp nên đặt mìn xong cả tổ chọn vị trí ở phía bên kia suối quan sát. Trong đêm, sương mù giăng phủ, mọi người phải ngủ lại giữa núi đồi đợi trời sáng quan sát xem xe địch có đi qua nơi đã đặt mìn không. Quả đúng như dự đoán, một chiếc xe GMC đi qua tuyến đường, va phải mìn, nổ tung. Với trận đầu ra quân thắng lợi đã tiếp thêm sức mạnh cho cả tổ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tại các tuyến đường tiếp theo. Hai quả mìn còn lại và một loạt đầu đạn được gom nhặt lại chôn xuống ba hố tiếp, tiêu diệt thêm 3 xe tăng M113 của địch.
Và rồi, chiến công nối tiếp chiến công làm cho tên tuổi của chị Sao, chị Mek lúc bấy giờ ngày càng vang xa và trở thành biểu tượng của phụ nữ Tây Nguyên trong phong trào tiêu diệt xe cơ giới. Đặc biệt, cùng lúc 2 chị đã được nhận danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú” và “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”. Tại Đại hội tổng kết thành tích đánh địch toàn miền trong năm 1967, tổ của hai chị được nhận Bằng khen và Huân chương Chiến công hạng Nhất, ngoài ra bản thân chị được phong tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Hay tin chị Sao đánh giỏi, nữ anh hùng Quân giải phóng Nguyễn Thị Út (Tịch) đã gửi tặng một khẩu súng Carbin.
Năm 1968, Rơmah Sao xin tham gia vào quân đội và được phân công về phụ trách công tác trợ lý dân quân Huyện đội khu 4 (nay là huyện Ia Grai), rồi được cử đi học văn hóa, quân sự tại Trường Quân chính B3. Năm 1969, lớp được tạo điều kiện ra khu Dân tộc ở tỉnh Hòa Bình để học tiếp. Rơmah Sao và A Sâu (Kon Tum) được cấp trên chọn ra gặp Bác Hồ. Chưa kịp ra thăm thì hay tin Bác đã về cõi vĩnh hằng, bà không thiết gì đến ăn ngủ, chỉ muốn được yên tĩnh nằm khóc một mình.
Vực dậy tinh thần, bà cố gắng học thật tốt nên vào năm 1970, bà đã trở thành Đại đội phó của Đại đội 3 thuộc Trường Quân chính B3. Đến ngày giải phóng bà về làm Tiểu đoàn phó của Trường Quân chính Tỉnh đội; sau đó được chuyển qua làm công tác phong trào của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.
Cơ duyên với Tòa án
Đất nước thống nhất, bà được bầu làm Thẩm phán của TAND tỉnh Gia Lai chuyên về lĩnh vực án Dân sự và án Hôn nhân & Gia đình (HNGĐ) vào tháng 7/1977. Kể từ đó bà trau dồi thêm kiến thức, học hỏi chuyên môn nghiệp vụ từ các đồng chí đi trước, cống hiến hết mình cho TAND đến lúc nghỉ hưu vào năm 2001. Các vụ việc liên quan đến vấn đề HNGĐ đa số được bà giải quyết theo hình thức hòa giải. “Tôi luôn phân tích cho hai bên hiểu được tầm quan trọng của ngọn lửa hạnh phúc gia đình là như thế nào, nếu ly hôn thì con cái sẽ ra sao, từ đó khuyên nhủ mọi người hãy cho nhau cơ hội. Cuộc sống dù khó khăn thì hãy cùng giúp nhau, bên nhau để cố gắng vượt qua”- Bà tâm sự.
Gia Lai thời bấy giờ, giao thông đi lại còn khó khăn. Mỗi lần có việc xuống các bản, làng, chiếc xe lam ba bánh chỉ chở được tới trung tâm huyện. Từ đây, mọi người sẽ phải “cuốc bộ” qua những con suối, những ngọn đồi mới tới nơi cần đến. Trong hồi ức, bà nhớ lại: Một dịp đi xuống làng Lang, làng vùng sâu, vùng xa của huyện Chư Prông để giải quyết vụ người dân tộc Jrai tranh nhau bộ chiêng. Bộ chiêng đó quý và đặc biệt đến nỗi, làng nào có được nó như là có được một báu vật, thần linh sẽ dang tay bảo vệ bà con, nên làng nào cũng muốn có nó. “Sau một quãng đường ngồi xe xuống thị trấn, đoàn chúng tôi phải xuống đi bộ hơn năm tiếng đồng hồ. Đến nơi trời đã tối, dù mệt nhừ người muốn vào nghỉ nhưng thấy dân làng đang đợi, tất cả chỉ kịp rửa mặt, rồi vội chạy vào trò chuyện. Cuộc nói chuyện kéo dài đến mười giờ đêm rồi sự tình đã rõ. Làng Lang mua bộ chiêng, nhưng sau đó không chịu trả tiền cho làng Đức Ngol. Hai làng đã xảy ra xô xát, không bên nào chịu nhường nhịn, nên họ đã nhờ tòa phân xử. Tôi cũng là con cháu Jrai… thấy cảnh vậy buồn lắm”. Nói đến đây, nước mắt bà rưng rưng trong khóe mi. Chúng tôi muốn lái sang chuyện khác, nhưng sau hồi im lặng, bà kể tiếp: “Chuyện hôm ấy đã được giải quyết rất tốt đẹp, nhân dân hai làng đã hiểu ra được cái sai của mình nên đã bắt tay làm hòa. Bộ chiêng đã về được với chủ của nó”.
Nhắc đến bà, nhiều cán bộ Tòa án nơi đây nghĩ ngay đến nữ Thẩm phán Jrai đầu tiên này, một con người hết lòng vì công việc, với lối sống ngay thẳng và phẩm chất đạo đức trong sáng. Ông Võ Văn Bình - Chánh án TAND Tp Pleiku cho biết: “Lúc ấy, tôi đang làm ở TAND tỉnh Gia Lai, và đã học được từ cô Sao về phong cách sống, đến việc giữ gìn đạo đức phẩm chất của một cán bộ Tòa án. Với công việc cô luôn nhiệt tình và không chịu bất kỳ tác động nào từ bên ngoài làm ảnh hưởng đến công tác giải quyết án, còn với đồng nghiệp lại rất dễ gần, dễ mến…”.