Mùa Xuân về trên Chiến khu Việt Bắc
...Mùa Xuân về trong chiến khu
Gió đưa cây rừng cành lá vi vu
Chim hót mừng mùa Xuân thắng lợi….
Nhắc đến “Việt Bắc” trong bất kỳ ai cũng có cảm giác gần gũi, thân thương. Chiến khu Việt Bắc, nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng xây dựng cách mạng, tại nơi này hàng loạt những chiến lược, sách lược được ra đời quyết định thắng lợi cách mạng Việt Nam.
Việt Bắc - mùa Xuân thắng lợi
Việt Bắc là tên gọi để chỉ một vùng của một số địa phương ở miền Bắc, gần biên giới giáp với Trung Quốc gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đây là quê hương cách mạng, là chiến khu, là nơi ghi dấu bao chiến công anh hùng của quân và dân ta như bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu đã mô tả. Để có mùa Xuân Việt Bắc, chúng ta sẽ không thể nào quên mùa Xuân đầu tiên khi Bác Hồ đặt chân về nước vào ngày 28/1/1941. Thời khắc lịch sử vô cùng trọng đại đối với tiến trình lịch sử vẻ vang của dân tộc. Đây cũng là sự kiện mùa Xuân Việt Bắc đánh dấu những thắng lợi sau này của cách mạng Việt Nam
Như cánh én báo hiệu một mùa Xuân lịch sử, chuyện Bác Hồ về nước vào đầu Xuân năm 1941 đã ghi một dấu ấn đặc biệt sâu sắc của một chặng đường cách mạng. “Khi bước tới cột mốc 108 nằm trên biên giới Việt-Trung (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), Người đã xúc động đứng lặng hồi lâu sau 30 năm bôn ba nay được "hôn lên hòn đất" quê hương mình. Giây phút thiêng liêng ấy đã được nhà thơ Tố Hữu miêu tả:
Ôi sáng xuân nay, Xuân 41
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về... Im lặng. Con chim hót
Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ...
30 năm, từ một thanh niên yêu nước, có chí hướng nhưng chưa rõ con đường đấu tranh cách mạng, đến nay khi trở về, Người trở thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế với “đường cách mệnh” soi sáng cùng tinh thần kiên cường vì độc lập, tự do cho dân tộc. Điều này được minh chứng 4 tháng sau khi về nước, từ ngày 10 đến 19-5, tại Pác Bó (Cao Bằng), Bác đã chủ trì Hội nghị lần thứ Tám của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết của cách mạng Đông Dương.
Thực tế phong trào cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ đang dâng cao, Người về đã thay đổi chiến lược, đáp ứng tình hình kháng chiến trong nước trong thời kỳ mới, góp phần thúc đẩy cách mạng phát triển nhanh, mạnh đi đến góp phần mạnh mẽ và “rộng rãi đến một trình độ xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử cách mạng nước ta”, đưa cách mạng đến thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 và sau đó là chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, là đại thắng mùa Xuân 1975…
Sau cách mạng tháng Tám, trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Văn Đồng cùng một số cán bộ ở lại một thời gian để củng cố khu căn cứ. Cuối tháng 10/1946, sau khi ở Pháp về, Bác phái đồng chí Nguyễn Lương Bằng lên Việt Bắc để chỉ đạo việc chuẩn bị các mặt cho kháng chiến, đặc biệt là vận chuyển hàng chục nghìn tấn muối từ Nam Định lên chiến khu. Tháng 11/1946, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập đội công tác đặc biệt do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách, nghiên cứu di chuyển và chọn địa điểm an toàn đặt các cơ quan Trung ương trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Sau đó, đội công tác của đồng chí Trần Đăng Ninh đã lên Việt Bắc để “làm trong sạch” vùng ATK trong nhiều đợt.
Công việc lựa chọn Việt Bắc làm an toàn khu (ATK) để quay lại hoạt động cách mạng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh suy nghĩ và chuẩn bị từ trước. Việt Bắc là căn cứ địa cách mạng ra đời sớm nhất và lớn nhất trong thời kỳ chuẩn bị Cách mạng tháng Tám 1945, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1946-1954). Quá trình củng cố, phát triển của căn cứ địa Việt Bắc gắn liền với hoạt động lãnh đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ.
Việt Bắc là một vùng núi hiểm trở gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, trong đó các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, Na Hang, Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Chợ Đồn, Chợ Rã đã được chọn làm ATK. Việt Bắc có đủ các điều kiện thuận lợi về địa lý, lịch sử, kinh tế, nhân dân để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Về lịch sử, “Việt Bắc là gốc tích tổ tiên Hùng Vương ta dựng nước, là nền tảng chống ngoại xâm của ông cha ta, như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nùng Trí Cao; Là căn cứ chống Pháp của tiên liệt ta như cụ Hoàng Hoa Thám; Là căn cứ địa của cuộc dân tộc giải phóng, chống Pháp, chống Nhật; Là quê hương của giải phóng quân ta, anh cả của Vệ quốc quân”.
Việt Bắc có địa thế, căn cứ Việt Bắc được xây dựng trên miền đất rộng, rừng rậm bạt ngàn, các dãy núi trùng điệp hiểm trở sẽ giúp giữ bí mật công tác xây dựng lực lượng cách mạng. Đặc biệt, phía bắc- Việt Bắc giáp với Trung Quốc, điều này có thể liên lạc với phong trào cộng sản Quốc tế dễ dàng. Việt Bắc là cửa ngõ giao thông thuận tiện, có vị trí cơ động, theo Bác Hồ, là nơi “tiến khả dĩ công, thoát khả dĩ thủ” (tiến có thể đánh, lui có thể giữ).
Đặc biệt, nhân dân các dân tộc Việt Bắc có lòng nồng nàn yêu nước, đoàn kết, cần cù trong lao động, luôn một lòng tin tưởng theo Đảng. “Đồng bào Việt Bắc gồm có Kinh, Thổ, Nùng, Thái..., phong tục tập quán tuy có khác nhau ít nhiều nhưng lòng nồng nàn yêu nước, lòng căm hờn thực dân thì muôn người như một. Lòng yêu nước của đồng bào nhập với hình thế hiểm trở của núi sông thành một lực lượng vô địch". Và trong các lý do để Bác lựa chọn Việt Bắc làm căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, lý do quan trọng nhất, mang tính quyết định đó là tấm lòng người Việt Bắc. Bởi theo Bác Hồ, sự ủng hộ của lòng dân Việt Bắc, sống giữa đồng bào tức là được bảo vệ an toàn nhất. Theo Người, “bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, ta phải liên lạc mật thiết với dân, phải làm cho dân mến, dân tin”.
Người dân Việt Bắc luôn một lòng thực hiện lời Bác dặn
Những năm kháng chiến gian khổ và vô cùng khó khăn, nhân dân Việt Bắc cùng với bộ đội đã hết lòng bảo vệ chiến khu, anh dũng chiến đấu với quân thù. Mỗi tên bản, tên núi, tên sông nơi đây đều gắn liền với những sự kiện, chiến công trong kháng chiến. “Cách mệnh do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”. Với sự lựa chọn Việt Bắc làm căn cứ địa, cuộc kháng chiến chống Pháp đã xây dựng được chỗ đứng chân vững chắc. Đó cũng là một trong những cơ sở quan trọng để Đảng ta thực hiện đường lối “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính”. Vì thế, tiến trình của kháng chiến đã có thay đổi trong so sánh lực lượng giữa ta và địch: Ta dựa vào núi rừng Việt Bắc càng đánh càng mạnh, càng thắng lớn và từng bước giành quyền chủ động; còn địch ngày càng bị động đối phó và càng thất bại. Nhờ vậy, cuộc kháng chiến đã kết thúc bằng trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu đã khắc hoạ tình cảm nhân dân Việt Bắc với Bác Hồ
Mình về với Bác đường xuôi
Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người
Có lẽ những năm tháng Bác Hồ, nơi chiến khu Việt Bắc luôn là những dấu ấn mãi không bao giờ phai. Thực hiện theo lời Bác Hồ dạy, các tỉnh Việt Bắc luôn nỗ lực không ngừng trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc; bảo vệ độc lập- hoà bình. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, phát triển kinh tế luôn là những tỉnh kiên cường, quyết tâm vượt khó phát triển.
Mùa xuân Việt Bắc hôm nay là những tiếng reo ca, khí thế phấn khởi của đồng bào các dân tộc trên quê hương cách mạng. Điều này có thể nhận thấy tại tỉnh Thái Nguyên- Trung tâm vùng Việt Bắc, Thủ đô kháng chiến với những bước tiến vượt bậc. Năm 2023, thu ngân sách đạt 20.000 tỷ đồng, chính thức ghi dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh khi lần đầu tiên Thái Nguyên đã tự cân đối được thu chi ngân sách. Thái Nguyên còn là điểm sáng về thu hút đầu tư vốn nước ngoài, với trên 200 dự án FDI, tổng vốn đầu tư lên đến gần 11 tỷ USD; nhiều tập đoàn lớn, hàng đầu thế giới đã lựa chọn Thái Nguyên, để tập trung đầu tư và mở rộng sản xuất. Mức sống của người dân được cải thiện rõ rệt, GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 113 triệu đồng, duy trì ở vị trí thứ nhất trong 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Công tác đối ngoại ngày càng được đẩy mạnh.
Tỉnh Cao Bằng, nơi Bác Hồ đặt chân đầu tiên sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước; trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng những tình cảm đặc biệt. Tình cảm đặc biệt với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc không chỉ thể hiện trong những năm tháng hoạt động ở Cao Bằng mà suốt cả cuộc đời của Người.
Kế thừa truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh luôn một lòng sắt son với Đảng, Bác Hồ; đoàn kết, phấn đấu cùng nhân dân cả nước vượt qua những khó khăn, thử thách và đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xứng đáng với niềm tin mà Bác đã dành cho Cao Bằng. Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo (từ năm 1986 đến nay), phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng và sức mạnh đoàn kết các dân tộc, Đảng bộ Cao Bằng không ngừng vận dụng và cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương; lãnh đạo nhân dân các dân tộc giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, quốc phòng - an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố vững chắc.
Tỉnh Hà Giang- nơi địa đầu Tổ quốc, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân luôn nhớ và thực hiện 8 điều Bác Hồ khi về thăm Hà Giang căn dặn. Tự hào về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, nguyện mãi đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện tốt lời dạy của Người, quyết tâm xây dựng tỉnh trở thành tỉnh năng động, phát triển, là tỉnh “gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn.
Tỉnh Bắc Kạn kết thúc năm 2023, tăng trưởng kinh tế đạt 6,33%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu hút đầu tư ngoài ngân sách được 05 dự án với tổng vốn đăng ký là 1.091 tỷ đồng, trong đó có 01 dự án FDI với số vốn đăng ký là 25 triệu USD.
Tỉnh Lạng Sơn là vùng "phên dậu" địa đầu của Tổ quốc, là cửa ngõ tiếp giáp với nước bạn nên có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quân sự, ngoại giao và kinh tế. Năm 2023, kinh tế Lạng Sơn phát triển toàn diện, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính đạt 7,0%. Trong cơ cấu kinh tế, nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 24,74%; công nghiệp - xây dựng 23,58%; dịch vụ 47,44%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,24%. Đặc biệt, GRDP bình quân đầu người ước đạt 59,8 triệu đồng.
Đặc biệt, tỉnh Lạng Sơn luôn biết khai thác tối đa ưu điểm vùng biên giới của mình để phát triển về kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Tỉnh Tuyên Quang, năm 2023 đã khép lại, một năm với rất nhiều khó khăn, thách thức, song với phương châm quyết tâm cao, nỗ lực lớn, cùng với sự chung sức, đồng lòng, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh; Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,46%, xếp thứ 02/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, xếp thứ 01/11 tỉnh miền núi phía Bắc, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Có thể thấy, còn đó nơi đầu nguồn Cốc Bó, dòng suối Lê Nin rì rào chảy mãi ngày đêm. Từng gốc cây, hòn đá gắn với tháng năm hoạt động của Bác vẫn đang được người dân Pác Bó trân trọng giữ gìn. Những câu chuyện “ông Ké” vẫn in đậm trong tâm trí, khối óc người dân Việt Bắc; tình cảm nhân dân nơi đây dành cho Bác Hồ luôn là một phần lịch sử oai hùng, đầy tự hào của nhân dân các dân tộc Việt Bắc
Hơn 80 mùa xuân Bác Hồ đặt chân về nước, với sự thành kính và nhớ ơn Bác sâu sắc, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc các Việt Bắc luôn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ luôn nỗ lực cố gắng thi đua lập thành tích báo công-dâng Bác. Với một quyết tâm “nhân dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” và tiến đến làm giàu trên chính mảnh đất của mình./.