Kinh tế

Năm 2024: Phương châm hành động “Hội tụ trí tuệ-Hướng tới tương lai”

12/02/2024 - 11:30

Với quyết tâm phấn đấu cao nhất Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định phương châm hành động năm 2024 là “Hội tụ trí tuệ-Hướng tới tương lai”.

Các dự báo về triển vọng kinh tế thế giới và trong nước mới đây đều chỉ ra tình hình năm 2024 tiếp tục biến động phức tạp, khó lường và những khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thuận lợi, cơ hội.

Trong khi đó, đây là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, bởi bước vào giai đoạn nước rút, tăng tốc trong thực hiện Kế hoạch 5 năm (2021-2025) đồng thời chuẩn bị nền tảng để đón nhận thời cơ, vận hội mới cho bước ngoặt của đất nước hướng tới mục tiêu phát triển Kế hoạch 5 năm (2026-2030).

capture-1a.png

Những đánh giá chung từ giới chuyên gia trong nước nhìn nhận các rủi ro hiện hữu và tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới tiếp tục có những tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, trong đó hậu quả của đại dịch COVID-19 vẫn còn dai dẳng. Lạm phát ở một số nền kinh tế lớn nhiều khả năng vẫn ở mức cao do tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và nợ công gia tăng. Tăng trưởng thương mại toàn cầu vẫn trong xu hướng thấp do ảnh hưởng từ cạnh tranh địa chính trị. Áp lực từ giá dầu thô, lương thực biến động mạnh, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều quốc gia… Do đó, khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu là chưa rõ ràng.

Điều này sẽ có tác động không nhỏ tới phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

anh-2-nong-nghiep.jpg
anh-2-cong-nghiep.jpg
anh-2-thuong-mai.jpg
Kinh tế trong nước sẽ vẫn có cơ hội phục hồi tích cực nếu các chính sách hỗ trợ đã được ban hành trong năm 2023 ghi nhận những tác động rõ nét hơn. (Ảnh: Vietnam+)

“Đây có thể là những thuận lợi mang tính chủ quan song cũng là áp lực lớn cho hoạt động kinh tế của đất nước. Trong bối cảnh thế giới nhiều bất định, Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đó là nền tảng quan trọng để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng,” bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.

Tuy nhiên, theo bà Hương, năm 2024 là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm. Do đó, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cũng sẽ dốc toàn lực cho chặng đường về đích này mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê dự báo những tác động từ sự suy giảm của nền kinh tế thế giới dồn nén từ thời đại dịch khả năng vẫn tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam ít nhất trong nửa đầu năm 2024, trước khi đón nhận những dấu hiệu tích cực, khả quan hơn.

“Trong bối cảnh thế giới nhiều bất định, Việt
Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đó là nền tảng quan trọng để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng"

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê

Tuy nhiên, kinh tế trong nước sẽ vẫn có cơ hội phục hồi tích cực hơn nếu các chính sách hỗ trợ đã được ban hành trong năm 2023 ghi nhận những tác động rõ nét hơn. Các động lực về đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu được thúc đẩy mạnh mẽ. Bên cạnh đó, các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn trong năm 2024, cụ thể là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…

Triển vọng theo từng khu vực, bà Nguyễn Thị Hương đánh giá nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ duy trì được đà tăng trưởng tích cực trong năm 2023 nhờ hiệu quả của chiến lược phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vừa đảm bảo nguồn cung và an ninh lương thực vừa phát triển nông nghiệp. Mặt khác, nhờ khai thác, nuôi trồng thủy sản bền vững, hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản dự báo tiếp tục ổn định.

Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng dự báo tiếp tục gặp nhiều thách thức trước bối cảnh kinh tế toàn cầu dự báo phục hồi chậm, nhu cầu thế giới yếu, thị trường thế giới thu hẹp, lưu thông và luân chuyển hàng hóa thương mại thế giới còn khó khăn do giá cả tăng, khan hiếm nguyên vật liệu.

Song, bà Hương nhấn mạnh khu vực dịch vụ dự báo sẽ là điểm sáng trong năm. Trong số đó, một số ngành thương mại khả năng duy trì đà tăng trưởng bởi các chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa (như vận tải hàng không, bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ tài chính, dịch vụ du lịch…) và các ngành dịch vụ phi thị trường dự báo vẫn ổn định.

capture-2a.png

Với quyết tâm phấn đấu cao nhất mục tiêu, kế hoạch đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 5/1 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong khó khăn luôn có cơ hội và nếu biết chớp thời cơ, thì thách thức có thể trở thành động lực cho sự phát triển của đất nước trong tình hình mới.

“Để làm được điều đó cần sự kết tinh sức sáng tạo, sức mạnh đoàn kết, sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục của cả hệ thống chính trị,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

anh-3.jpg

“Trong khó khăn luôn có cơ hội và nếu biết chớp thời cơ, thì thách thức có thể trở thành động lực cho sự phát triển của đất nước trong tình hình mới"

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Tại Quyết định số 68/QĐ-BKHĐT về Chương trình hành động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực thực hiện Nghị quyết 01, vị Tư lệnh ngành đã khẳng định phương châm hành động năm 2024 là “Hội tụ trí tuệ-Hướng tới tương lai.”

Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt mục tiêu phấn đấu sẽ hoàn thành hoặc hoàn thành cao hơn mục tiêu của Kế hoạch năm 2024 đã đề ra, để tạo tiền đề phát triển cho năm 2025 và cho cả giai đoạn phát triển 2021-2025. Theo đó, ưu tiên đầu tiên là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Giải ngân vốn đầu tư công sẽ được đẩy mạnh ngay từ đầu năm và phấn đấu đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Để làm được điều này, Bộ trưởng khẳng định Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương đánh giá kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, xây dựng kế hoạch giai đoạn 2026-2030 gắn với các nghị quyết của Bộ Chính trị, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và địa phương. Trong số đó, nguồn lực sẽ ưu tiên cho hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 5.000 km đường cao tốc và hạ tầng đường sắt (đặc biệt là triển khai dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam), hệ thống cảng biển, các tuyến kết nối để hoàn thiện mạng lưới vận tải đa phương thức, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

anh-4.jpg
Giải ngân vốn đầu tư công sẽ được đẩy mạnh ngay từ đầu năm và phấn đấu đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. (Ảnh: Vietnam+)

Ngoài ra, bộ sẽ đề xuất các cơ chế đột phá để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp bán dẫn, hydrogen, trí tuệ nhân tạo... tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Các thủ tục hành chính, quy định kinh doanh tiếp tục được rà soát và cắt giảm; không để phát sinh thủ tục, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật mới không cần thiết, không phù hợp, thiếu tính khả thi.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm người đứng đầu đơn vị về nâng cao chất lượng phục vụ trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công thông qua việc sử dụng hiệu quả Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp. Việc cơ cấu lại nền kinh tế sẽ thực hiện hiệu quả, thực chất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện năng suất lao động, tăng cường năng lực nội sinh, triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ, các mô hình kinh doanh mới.

capture-3a.png

Để kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững, Tiến sỹ Trần Du Lịch cho rằng cần tăng cường năng lực nội sinh, trong đó khai thác hiệu quả 4 trụ cột tăng trưởng.

Cụ thể là phát huy nền nông nghiệp nhiệt đới nhằm tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu thông qua đổi mới mô hình tổ chức sản xuất và ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch-hữu cơ.

Thứ hai là lợi thế của biển với việc phát triển các khu kinh tế ven biển và dịch vụ cảng-logistics. Thứ ba là phát triển ngành công nghiệp du lịch nhằm đưa Việt Nam thành điểm đến của du lịch toàn cầu. Và cuối cùng là phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa (hiện dư địa còn rất lớn khi đô thị hóa chưa đến 40%).

anh-6-nong-nghiep-huu-co.jpg

“Việc thiếu tư duy hệ thống về quản lý Nhà nước phù hợp với sự vận hành của thể chế kinh tế thị trường sẽ khiến mọi nỗ lực cải cách riêng lẻ và không mang lại hiệu quả đồng thời sự mâu thuẫn và phức tạp ngày càng tăng thêm"

Tiến sỹ Trần Du Lịch

Tiến sỹ Trần Du Lịch nhấn mạnh việc phát triển kinh tế bền vững cần theo tôn chỉ tăng trưởng nhanh, an toàn và chất lượng cả hệ thống kinh tế chứ không riêng rẽ ngành nào hay lĩnh vực nào. Ông chỉ ra một điểm mấu chốt cần giải quyết ngay, đó là những trục trặc từ mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Việc thiếu tư duy hệ thống về quản lý Nhà nước phù hợp với sự vận hành của thể chế kinh tế thị trường sẽ khiến mọi nỗ lực cải cách riêng lẻ và không mang lại hiệu quả đồng thời sự mâu thuẫn và phức tạp ngày càng tăng thêm.

“Điển hình nhất là hàng chục đạo luật về kinh tế Quốc hội mới ban hành tại nhiệm kỳ trước thì nhiệm kỳ này phải sửa vì mâu thuẫn, xung đột khi thực thi,” tiến sỹ Trần Du Lịch thẳng thắn chỉ ra.Bên cạnh đó, ông Trần Du Lịch kiến nghị cần xây dựng hệ sinh thái cho doanh nghiệp phát triển. Hiện nay, hệ thống pháp luật trong quản lý kinh tế thị trường đã phủ kín hầu hết các lĩnh vực. Nhưng thực tế, hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế chưa cao, do sự can thiệp của Nhà nước ở nhiều cấp chính quyền khác nhau và không phù hợp với sự vận động của thị trường.

Mặt khác, Nhà nước lại thiếu công cụ và cơ chế giám sát, chế tài để bảo đảm các chủ thể tham gia các quan hệ thị trường tuân thủ “luật chơi” đã đề ra.

Điển hình là trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, xây dựng; vệ sinh an toàn thực phẩm; môi trường…

Về động lực tăng trưởng, lãnh đạo Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương phân tích năm 2024, dự báo chính sách tiền tệ tuy có chút dư địa được nới lỏng nhờ Cục Dự trữ liên bang Mỹ có dấu hiệu sẽ giảm lãi suất trong năm, nhưng mức độ giảm không lớn do lạm phát vẫn tiềm ẩn. Vì vậy, chính sách tiền tệ trong nước vẫn nhạy cảm. Hơn nữa, lãi suất hiện nay ở mức khá thấp, vì vậy khó giảm thêm cho đến giai đoạn giữa hoặc cuối năm 2024. Theo đó, chính sách tài khóa với thúc đẩy đầu tư công, sử dụng thuế, phí sẽ hỗ trợ tổng cầu, từ đó thúc đẩy tổng cung nền kinh tế vẫn là giải pháp trọng tâm 2024.

Ngoài ra, bà Hương nhấn mạnh đầu tư công vẫn luôn là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vì vậy cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm mang tính đột phá giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tiêu dùng, gia tăng sự thuận tiện trong lưu thông, đẩy mạnh liên kết vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm thời gian và chi phí lưu thông hàng hóa, dịch vụ.

“Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã đồng ý giảm 2% thuế giá trị gia tăng xuống 8% từ 1/1 đến hết ngày 30/6. Việc giảm thuế giá trị gia tăng có phạm vi tác động rất lớn bởi hầu hết đối tượng đều có lợi: Doanh nghiệp bán được hàng do chi phí đầu vào giảm, từ đó giảm giá bán. Người tiêu dùng được lợi do mua hàng với giá thấp hơn trước. Trong trường hợp 6 tháng cuối năm, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, cần duy trì hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng, Chính phủ có thể cân nhắc tiếp tục việc giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024,” bà Hương kiến nghị.

Đồng tình với quan điểm về phát huy nội lực, bà Hướng nhấn mạnh về thị trường dân số hơn 100 triệu dân. Để khai thác lợi thế này, chính sách cần thúc đẩy đẩy các hoạt động kích cầu tiêu dùng với các chương trình lễ hội du lịch, lễ hội mua sắm, chương trình xúc tiến thương mại, phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa… Bên cạnh đó, Việt Nam cần tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng tốt và tiếp tục thúc đẩy các hiệp định thương mại song phương và đa phương để mở rộng thị trường đầu ra cho các sản phẩm trong nước.

anh-6-nong-nghiep-huu-co-2.png
Để khai thác thị trường nội địa 100 triệu dân, chính sách cần thúc đẩy đẩy các hoạt động kích cầu tiêu dùng với các chương trình lễ hội du lịch, lễ hội mua sắm, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa…. (Ảnh: Vietnam+)