Phong tục Tết xưa: Kiêng gì trong Tết Bính Thân?
Đời sống - Ngày đăng : 09:16, 07/02/2016
Với suy nghĩ “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, chuẩn bị đến dịp Tết Nguyên đán, ông bà, bố mẹ không quên dặn con cháu những việc cần làm và không nên làm. Và trên mỗi vùng miền nước ta lại có các tập tục, những điều kiêng kỵ khác nhau trong dịp đầu năm mới.
Tết Bính Thân năm nay, nếu có ý định đi du lịch hay ăn Tết ở nhà người thân, bạn bè ở vùng quê khác, bạn nên tìm hiểu và ghi nhớ điều này để tránh phạm phải.
Miền Bắc có lẽ là nơi tập trung nhiều điều cấm kỵ nhất cả nước. Người Bắc Kỳ xưa vẫn được đánh giá là “tinh tế” đến bị xem là “kỹ tính”, “khó tính”. Trong dịp Tết cổ truyền, cần đặc biệt lưu ý:
- Kiêng quét nhà: Thường vào ngày cuối cùng trong năm, cả gia đình sẽ tập trung tổng vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để đón năm mới. Vì thế, 3 ngày Tết chính là thời điểm người miền Bắc đón may mắn vào nhà. Và quét nhà bị xem là hành động quét hết vận đỏ ra khỏi nhà gia chủ.
- Kiêng đổ rác: Nếu nhà quá bẩn thì gia chủ sẽ quét rác vun vào góc nhà chứ không được hót rác đổ đi.
Tục này bắt nguồn từ một điển tích của Trung Quốc ghi trong “Sưu thần ký”. Ý nghĩa của tục này là sợ đổ mất thần tài ẩn trong đống rác đi, từ đó làm ăn không phát đạt.
Theo tục lệ xưa, thường kiêng quét nhà trong 3 ngày Tết, để tránh đưa vận đỏ ra khỏi nhà gia chủ. Ảnh minh họa
- Kiêng treo những tranh mang điềm “xui” như: đánh ghen, kiện tụng, chia ly…
- Kiêng cho lửa, cho nước ngày Tết: Với quan niệm lửa màu đỏ - tức may mắn, nên việc cho lửa ngày Tết là một điều đại kỵ với gia chủ, bởi sợ sẽ gặp phải cả năm không may như làm ăn thua lỗ, trong nhà cãi nhau, ra đường gặp điều xui xẻo.
Còn nước được xem như tài lộc (có câu Tiền vào như nước), vì thế cho nước là coi như mất lộc.
- Xông nhà: Ngày mùng Một đầu năm, trẻ con thường được dặn không chạy sang hàng xóm chơi sớm bởi sợ “bên nhà họ chưa ai xông nhà”.
Chính vì thế, những người bị coi là “nặng vía”, không hợp tuổi với gia chủ, hay gia đình có tang không nên đến xông đất nhà người khác để tránh xui xẻo.
- Tránh nói “giông”: Những từ ngữ “chết”, “mất”… là những từ ngữ xui xẻo, đem lại sự không may cần tránh nói trong những ngày đầu năm.
- Kiêng cãi nhau, làm đổ vỡ bát đĩa, cốc chén để tránh những điều không vui xảy đến với gia đình.
- Kỵ chôn cất, mai táng: Dịp Tết Nguyên đán là ngày vui của tất cả mọi người, vì thế nếu gia đình nào không may có người mất thì sẽ phải tạm hoãn phát tang, chôn cất trong ngày Tết.
Miền Trung: Người dân miền Trung và miền Nam thường kiêng các món ăn được chế biến từ tôm trong dịp Tết Nguyên đán, bởi quan niệm tôm thường đi giật lùi sẽ mang đến một năm không thể thăng tiến.
Ngoài ra, người miền Trung kiêng ăn trứng vịt lộn, thịt vịt trong ngày Tết và đầu năm do sợ gặp xui xẻo. Một số nơi lại kiêng mặc đồ màu trắng trong suốt tháng Giêng đầu năm mới.
Miền Nam: Ở một số vùng có tục kiêng không để cối xay gạo trống trơn vào dịp đầu năm bởi e sẽ gặp thất bát, mất mùa trong năm tới.
Ngoài ra, trong ngày Tết, khi đến chúc Tết nếu được gia chủ mời cơm, ăn bánh kẹo… thì khách không nên từ chối bởi như thế sẽ khiến “giông” cả năm.
Và, trước khi bắt đầu bước sang thời khắc đón chào năm mới, nếu bạn đi đâu xa thì hãy cố gắng trở về nhà trước giờ Giao thừa nhé. Đây chính là dịp đoàn tụ với người thân, gia đình sau những tháng ngày phải lăn lộn, bôn ba kiếm sống nơi đất khách quê người.