Tết ở hai đầu ký ức boléro

Đời sống - Ngày đăng : 09:00, 07/02/2016

Không biết từ bao giờ, những bản nhạc boléro gắn với mùa Tết Việt, len lỏi tận sâu vào trong tiềm thức của mỗi người.

Những bản nhạc trầm trầm, réo rắt gần như chỉ được hát khi Tết đến xuân về. Một giọng buồn âm ỉ chảy trong tâm thức. Từ những thập niên 80 của thế kỷ trước, có dáng người cha cặm cụi chùi cái đài cassette hai loa hai cửa trước thềm nắng xuân, có những lần tỉ mẩn lấy mủ cây nối chiếc băng vừa đứt. Cho đến đầu những năm 2000, những chiếc xe đẩy đĩa CD dạo cũng trầm buồn những lời hát rộn vang từ phố xá đến những hang cùng ngõ hẻm. Điệu boléro ngân lên giữa hai đầu quê phố, đưa người về với Tết, về với nhau trong tâm tưởng. Dù là xuân sum họp hay xuân chia ly, lòng người vẫn quen thuộc với những thanh âm ấy…

Tết quê, có khi chỉ bắt đầu khi người đi xa về, từ những ngày hai mươi tháng Chạp, trên một ga tàu nào đó. Những bóng người đổ hắt hiu trên sân ga, chờ người thân xuống tàu. Những đôi mắt chờ đợi, những cánh tay vươn dài. Trong cung gác trực, một cây mai nhỏ xòe bông, dải lụa đỏ căng ngang. Chiếc đầu CD cũ kỹ của người trực tàu ngân lên những bài hát quen thuộc. Vừa vui, vừa buồn và rưng rưng xúc cảm. Tết, càng cho con người ta nhiều suy tưởng hơn khi nhìn những bà mẹ già miền Trung đợi con trên ga tàu đêm ba mươi, đèn mờ loang loáng. Người từ xa về, những nhọc nhằn vất vả tạm ở sau lưng. Chỉ có mẹ, chỉ có Tết và quê hương. Ngọt lành như câu hát “chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi” đang vẳng lên đâu đó…

Tết ở hai đầu ký ức boléro

Với người xa xứ, boléro là một kỷ vật, lưu giữ cho họ những ký ức Tết căng tràn. Mỗi bản nhạc là một niềm xao xuyến khôn tả, cũng có khi là một tiếc nuối vô bờ. Nhất là tết Sài Gòn, những con đường vắng vẻ chạy dài trong miền suy tưởng, đối lập với cảnh người dập dìu đường quê. Tết Sài Gòn vì vậy cũng gợi lên nỗi buồn, da diết. Người xa quê không về được, sẽ có những đêm dài thao thức bồn chồn, nhớ về vị tết, nhớ về những cuộc thăm hỏi chuyện trò, người thân chòm xóm. Đôi khi tự mình ứa lên câu hát thở than “cuộc đời là hư vô, bôn ba chi xứ người khi mình còn đôi tay…” như nhạc sĩ Lam Phương từng viết. Khi Sài Gòn trở lạnh, là lúc câu hỏi “Tết này có về không” được lan truyền đi nhiều nhất, gần như câu cửa miệng của người xa quê. Trong gánh hàng rong của những bà mẹ miền Trung nhọc nhằn lam lũ nặng thêm những náo nức lo âu. Trên bàn tay của anh chị công nhân trong nhà máy nhanh thêm nỗi hồi hộp đợi chờ. Người về quê nghe boléro trong niềm vui hạnh ngộ. Người ở lại thành phố, nghe boléro như một cách vỗ về.

Hình ảnh của Tết quê hiện về trong từng giai điệu. Có mai nở vàng, chim én liệng trước ngõ. Có đàn trẻ xôn xao quần áo mới. Có dáng mẹ lom khom trước vườn. Có ba ngồi bên hiên cửa. Những củ hành củ kiệu một nắng đã mềm giòn, ngâm cho kịp chua, tiếp khách ngày mùng một. Giữa một màu lá dong xanh ngắt, hạt nếp trắng mịn bao bọc miếng thịt ba rọi, cục đậu xanh tròn căng. Những chiếc bánh chưng vuông vức rời khuôn trong tiếng huýt sáo điệu boléro nương theo cơn gió xuân nhè nhẹ…

Tết, với người quê ở Sài Gòn, là khoảng thời gian lắng chìm cảm xúc. Người quê ở Sài Gòn ăn tết giản đơn, thường là những cuộc đi chơi ngắn ngày. Việc trang hoàng nhà cửa cũng không quá cầu kỳ như khi còn ở quê. Nhưng, từ những phòng trọ đơn sơ đến nhà cửa khang trang, không nơi nào vắng bóng mâm quả, bàn thờ nhang khói tổ tiên. Người xa xứ cũng không quên lễ cúng giao thừa, với con gà tréo cổ, dĩa xôi, bánh gai bánh ít. Dù mâm cúng có đơn sơ và gọn nhẹ hơn ở quê nhưng mỗi người đều kịp lưu giữ nghi thức cúng khấn.

Ở thành phố, người quê vẫn giữ được nết thăm hỏi nhau ngày Tết. Đặc biệt, đối tượng thăm hỏi mở rộng hơn, không chỉ thăm bà con, bè bạn mà còn cả những người đồng hương. Cũng là một cách để vơi đi nỗi nhớ quê hương. Ở những cuộc thăm hỏi ấy, hạnh phúc giản đơn nhất là được giao tiếp với nhau bằng tiếng quê trọ trẹ mà có khi giữa những giao thiệp thường nhật khó có thể dùng. Không phải là che đi gốc gác mà chỉ đơn thuần là để cho người nghe hiểu được. Những ngữ điệu quen thuộc, những từ địa phương lâu lắm không được dùng, bỗng tuôn chảy như dòng suối mát lành… Dù biết rằng, bên trong mỗi con mắt, mỗi nụ cười là những khoảng trống mênh mông…

Cũng như người Sài Gòn, nhà nào cũng thủ sẵn một vài thùng bia. Quý nhất là có sẵn rượu quê mang vào từ trước. Mỗi miền quê lại có riêng một loại rượu đặc trưng. Những thức quà quê cũng đã được dành sẵn. Uống rượu quê dịp Tết, đã trở thành một nét văn hóa của người nhập cư. Những ly rượu trở nên ấm cúng, da diết hơn thường lệ. Người cầu kỳ, vẫn còn giữ thói quen ngâm hành kiệu, dù ở thành phố tràn ngập thực phẩm chế biến sẵn. Tự tay làm món quê, không phải là thói quen ăn uống cầu kỳ, mà đơn giản như một cách tri ngộ quê hương, con người. Giữa những cuộc vui ấy, xen kẽ là những cuộc điện thoại về quê thăm hỏi. Chuyện về Tết, về quê hương kéo dài. Sau những cuộc nhậu, có khi là một vài ván bài khai xuân vui vẻ. Tiếng cười nói tràn trề những góc nhà, quyện tan vào điệu boléro khe khẽ, réo rắt…

Tết, với người xa quê, có khi rất dài. Tâm trạng cũng lẫn lộn, lúc bùi ngùi, khi khấp khởi. Không ai ra đi mà không có một lần xốn xang như thế. Xúc cảm càng căng tràn hơn khi người từ quê lên phố mang theo một mùa Tết khác. Đó là gói mứt mẹ đùm trong lớp báo. Đó là chiếc bánh chưng ba đùm đã cũ. Chiếc bánh tét cắt thành lát chiên lên ăn kèm con tôm khô, củ kiệu… Hương vị Tết kéo dài ra tận rằm tháng Giêng. Khi đó, nỗi nhớ quê hương cũng dần vơi bớt. Những bộn bề đời sống thường nhật trở lại. Tết đã tan vào trong mỗi con người, thành cái gì thôi thúc người miệt mài với thời gian. Để một mùa Tết mới sẽ nhanh đến. Một mùa xuân tương phùng sau thời gian xa cách. Để có một cái Tết mới thật sự trên đường xưa lối cũ, cành hoa mai nở, đàn chim én đưa tin, có mẹ rưng rưng ra đón con về…

Nguyễn Tường