Chợ quê ngày Tết

Đời sống - Ngày đăng : 20:53, 06/02/2016

Chợ quê ngày Tết không sầm uất như những phiên chợ ở thành phố nhưng những hình ảnh mộc mạc, gần gũi, quen thuộc luôn luôn thường trực trong ký ức tuổi thơ tôi.

Chợ quê tôi (xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) nằm ở vị trí trung tâm của xã. Phiên chợ được mở tất cả các ngày trong tuần, thường bắt đầu từ lúc tờ mờ sáng và kéo dài đến 11h trưa.

Trong chợ được phân chia thành từng khu vực riêng rẽ, bên cạnh các kiốt, sạp nhỏ có mái che của các tiểu thương thì phần lớn xung quanh là những khoảng đất trống dùng để bán gia cầm, rau cỏ, sản phẩm của những người nông dân chân chất quanh năm một nắng hai sương gắn bó với mảnh vườn, thửa ruộng.

Trong ký ức tuổi thơ tôi, kỷ niệm về những buổi được theo mẹ đi chợ, đặc biệt là trong những phiên chợ ngày Tết thật thú vị và sâu đậm. Ngày ấy chỉ có một vài người giàu có là có chiếc xe đạp làm phương tiện đi lại, còn đại đa số người dân đều đi bộ tới chợ với đôi quang gánh và thúng mủng, rổ rá để mua đồ sắm Tết.

Chợ quê ngày Tết

Chợ quê ngày Tết chủ yếu là những mặt hàng do tự tay người nông dân nuôi trồng

Phiên chợ quê ngày cận Tết mang không khí của mùa xuân bao giờ cũng đông vui, náo nhiệt và nhộn nhịp khác hẳn với những phiên chợ ngày thường. Chợ họp trên khoảng không gian rộng, người bán người mua tấp nập, đông vui.

Vào những giáp Tết, người dân thường đi chợ từ rất sớm. Mọi người đến chợ để mua đồ Tết nhưng cũng có không ít người đơn giản đến chợ chỉ để ngắm, vui chơi và hòa mình vào không khí những phiên chợ ngày cuối năm.

Tết đến, xuân về mặt hàng được bày bán nhiều nhất và không thể thiếu là lá dong, gạo nếp và đỗ xanh để gói bánh chưng, các loại trái cây, bánh mứt kẹo để thờ cúng, hoa cây cảnh, cành đào, cây quất để chơi Tết, các loại quần áo mới xanh đỏ rực rỡ thật bắt mắt.

Chợ quê ngày Tết

Hoa được bày bán nhiều hơn trong phiên chợ ngày cận Tết

Có lẽ vào những thời khắc của Tết sắp đến, trẻ em là những người vui sướng và háo hức nhất bởi chúng được đi chợ cùng mẹ, được mua những bộ quần áo mới để đi chơi xuân.

Vì là chợ xuân nên dường như người bán không nói thách, cân sai và chẳng hề có chuyện chèo kéo khách hàng, hay bon chen, toan tính thiệt hơn, đổi lại người mua cũng không cò kè, mặc cả và chê bai như thường lệ. Bởi họ mong muốn có được một năm mới tốt đẹp, may mắn và hạnh phúc hơn thông qua những vật phẩm mà họ mua sắm để kính dâng lên ông bà tổ tiên.

Chợ quê ngày Tết

Chợ quê ngày Tết không sầm uất như những phiên chợ ở thành phố lớn nhưng luôn ấn chứa sự mộc mạc, dân dã

Bà Nguyễn Thị Quế, người có thâm niên vài chục năm buôn bán tại chợ Ngọc Tảo cho biết, những ngày gần Tết, nhu cầu mua sắm của bà con tăng cao, không phân biệt người giàu hay nghèo, dù bận rộn đến đâu thậm chí cả những năm Tết đến đúng vào vụ cấy chiêm xuân nhưng gia đình nào cũng tất bật, háo hức đi sắm Tết. Họ không chỉ đến chợ trong một vài ngày mà thậm chí đi chợ trước đó cả tháng, mỗi hôm mua sắm một ít để chuẩn bị cho gia đình mình một cái Tết được chu đáo, tinh tươm và đủ đầy.

Trong phiên chợ những ngày giáp Tết, ngoài việc bán các loại hàng hóa thông thường, bà Quế còn bày bán thêm vô số các loại bánh kẹo mứt Tết để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. 

“Chợ quê ngày Tết mặt hàng nào cũng có, các sản vật ở chợ quê nhìn chung thường có giá rẻ hơn các mặt hàng cùng loại được bày bán trong các siêu thị hay chợ thành phố. Bởi hầu hết các mặt hàng này đều của người nông dân làm ra. Không khí ở chợ quê cũng gần gũi, thân quen hơn bởi những người đi chợ mua sắm đều là người trong làng, trong xóm, ai cũng biết nhau nên không có chuyện nói thách hay mặc cả”, bà Quế chia sẻ.

Những năm gần đây, đời sống kinh tế vật chất của người dân quê tôi cũng ngày càng được cải thiện, mọi người không đi chợ sắm Tết dài ngày như trước đây mà thường tập trung vào khoảng thời gian trước Tết 2-3 tuần. Những mặt hàng như thực phẩm, hoa quả, bánh kẹo, hoa và cây cảnh…cũng ngày càng trở nên tươi ngon, tinh xảo, đẹp mắt, phong phú và đa dạng về mẫu mã và chất lượng hơn để phục vụ tối đa nhu cầu sắm Tết của người dân.

Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016 đang gõ cửa từng nhà, và cũng lại như bao Tết trước, những người dân nông thôn quanh năm chân lấm tay bùn ở quê tôi lại rục rịch rủ nhau đi chợ sắm đồ lễ Tết để thờ cúng ông bà tổ tiên, cầu cho một năm mới vui vẻ, hạnh phúc, may mắn và thành đạt hơn năm cũ.

Đỗ Việt