Ý nghĩa của việc trang trí bàn thờ ngày Tết
Đời sống - Ngày đăng : 14:33, 06/02/2016
Chính vì thế, việc bài trí bàn thờ có một ý nghĩa hết sức quan trọng và càng trở nên quan trọng hơn mỗi độ Tết đến xuân về.
Mỗi độ Tết đến, bàn thờ tổ tiên được bài trí ở không gian trung tâm nhất của ngôi nhà để con cháu có thể quây quần, hướng đến, tưởng nhớ ông bà, bố mẹ, những người thân đã khuất, như một cách để họp mặt, giao tiếp giữa cõi âm với cõi dương.
Thông thường, bắt đầu từ ngày 27 Tết, việc quét dọn bàn thờ, thay tro bát nhang, hóa nhang cũ, rửa sạch ấm chén, bát đũa…được người con trai trong gia đình thực hiện một cách tỉ mỉ, cẩn thận.
Bàn thờ ngày tết
Đối với chổi, khăn dùng để lau quét bàn thờ cũng luôn được để riêng, tuyệt đối không dùng vào mục đích khác. Nước lau bàn thờ thường được dùng từ những nguồn nước sạch, như nước mưa của trời, nước suối từ khe núi hay nước lá trầu đun sôi để nguội, tỏ rõ lòng hiếu kính, tôn thêm sự thiêng liêng ấm cúng.
Trên bàn thờ, bát hương (tượng trưng cho tinh tú), trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng (tượng trưng cho trục vũ trụ), được đặt ở chính giữa bàn thờ, biểu trưng cho sự hòa hợp giữa đất trời, vũ trụ. Hai bát hương khác được đặt ở bên trái và bên phải tạo nên thế tam tài. Ở hai góc ngoài, bao giờ cũng có hai cây đèn dầu (hoặc nến) tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, tỏa phúc ấm đến cho nhân gian.
Tiếp theo đó là có một bộ ấm chén, nước đựng trong ấm dâng lên bàn thờ thường là nước lã sạch, được để bên cạnh di ảnh người đã khuất. Có khoảng 10 cái bát nhỏ, 10 đôi đũa sạch được để sẵn ra hai bên với ý niệm, để cho người âm có thể mời thêm khách về dùng bữa, không sợ thiếu bát, chén. Tiếp đến, hai bên phải, trái sẽ được đặt 2 chai rượu gạo, tượng trưng cho sự cay nồng, âm dương hòa hợp.
Hoa để bài trí bàn thờ cũng có rất nhiều loại như: Cúc, huệ, lay ơn, đào, mai…nhưng thông thường người ta chọn hoa cúc và hoa huệ để bài trí ở trên, trước bàn thờ sẽ có thêm một chậu mai hoặc đào để cho thêm phần long trọng, lộc lá đầy nhà. Hai bên bàn thờ sẽ được dựng 2 cây mía, tượng trưng cho sự ngọt ngào song song, vươn cao bất tận.
Đối với các loại hoa quả được bày biện trên bàn thờ, thông thường sẽ bày theo mâm ngũ quả, bao gồm: Quả sung (tượng trưng cho sự sung túc, ấm no), quả đu đủ (tượng trưng cho sự đủ đầy), quả dứa (miền Nam gọi là quả thơm, tượng trưng cho sự thơm tho, sạch sẽ), quả dưa hấu (có ruột đỏ, tượng trưng cho sự may mắn, cả năm làm gì cũng đỏ) và nải chuối (tượng trưng cho sự gắn kết, nền tảng, sức mạnh).
Tùy theo phong tục của từng vùng miền mà mâm ngũ quả có thể thay đổi, như quả dừa (ý là vừa đủ), quả mãng cầu (cầu gì được nấy), quả xoài (ý là có tiền xài quanh năm), quả phật thủ như bàn tay che chở của đức Phật, quả bưởi thể hiện cho sự đầy đặn, trọn vẹn căng đầy sức sống, màu sắc thắm tươi của quýt, hồng tượng trưng cho sự may mắn, phồn thịnh cát tường…
Ngày nay, mâm quả trên bàn thờ Tết người Việt phong phú hơn về chủng loại bởi sự góp mặt của nhiều lại hoa quả bốn mùa. Với tính dung hợp trong văn hóa, người Việt Nam luôn tìm thấy tất cả những yếu tố thích hợp, có giá trị ý nghĩa đối với đời sống tâm linh của dân tộc mình.
Hương dùng cho những ngày Tết cũng thường là các loại hương có mùi thơm đặc biệt như hương bài, hương trầm, hương nhài... là những loại hương có mùi thơm hết sức đặc trưng cho nhân dân 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Đến sáng 30 Tết, việc bày biện bàn thờ phải được hoàn tất. Tuỳ theo điều kiện kinh tế, văn hóa từng miền mà trên bàn thờ có thêm gói thuốc lá, cặp bánh chưng xanh hay bánh tét...
Như vậy việc bài trí bàn thờ ngày tết có một ý nghĩa hết sức quan trọng, nó tượng trưng cho nét đẹp văn hóa dân tộc Việt, tượng trưng cho sự hiếu kính, sự tưởng nhớ đến những người đã khuất với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của các thế hệ con cháu muôn đời.