Đào Thất Thốn: Nghề chơi cũng lắm công phu
Đời sống - Ngày đăng : 14:00, 06/02/2016
Vượt lên tất cả có lẽ là thú chơi hoa xuân cầu kỳ, sành sỏi riêng có của mảnh đất ngàn năm văn vật, mà thú chơi đào Thất Thốn có lẽ là một trong những đại diện tiêu biểu.
Cầu kỳ một thú chơi
Nhiều người yêu đào Thất Thốn vẫn đặt cho loài hoa này thêm những cái tên như đào thờ, đào tiến vua, hay vua đào, để nói lên mức độ đặc biệt của nó. Xung quanh cây đào Thất Thốn có không biết bao nhiêu chuyện thú vị để kể, để truyền tai nhau về thú chơi sành sỏi của người kinh kỳ từ xưa đến nay và cũng còn đó bao nhiêu điều bí ẩn, kỳ lạ. Ngay cả cái tên đào Thất Thốn vì sao mà có, nó mang ý nghĩa gì cũng có rất nhiều cách luận giải khác nhau. Theo các cụ nghệ nhân trồng đào cho biết, đào “thất thốn” là loại đào mỗi năm chỉ dài ra có tầm 7 thốn (khoảng 1 gang tay). Trồng trong 3 năm mới đơm hoa, 7 năm cây ra hoa kép và mỗi tầng hoa đều có 7 cánh, vào ban đêm hoa toả hương thơm thoang thoảng mà giống đào thường không có được.
Đào Thất Thốn thân vỏ sù sì, đóng vảy, rắn rỏi, sống tốt trong những điều kiện đất cằn khắc nghiệt lại cho hoa đẹp đến kỳ lạ. Hoa cũng nở rất nhanh, sáng nở một bông, trưa nở tiếp một bông. Thế mới có chuyện rằng có người sợ cây nở hết mà không được ngắm nên không dám ngủ. Người chơi đào Thất Thốn thì phải chơi nguyên cả cây trong chậu chứ không chơi cành. Lúc hoa nở có bông to đến 4 cm, bền 20 ngày trong tiết trời mưa phùn, gió bấc, nhưng lại sáng nở tối tàn, héo ngay khi gặp phải nắng gió đông. Trong khi các giống đào khác nở rộ, và phát triển từ dưới lên thì thất thốn nở điểm, và từ ngọn xuống. Nó còn quý ở chỗ nở được từ nhánh, cành, thân, gốc.
Cũng không ai biết cho chính xác xuất xứ gốc gác xa xưa nhất của đào Thất Thốn từ đâu mà có. Các cụ cao tuổi làng đào Nhật Tân cho biết, từ khi lớn lên đã thấy Nhật Tân có đào Thất Thốn rồi.
Đào Thất Thốn Nhật Tân cũng có nhiều nét đặc trưng khác biệt hẳn so với đào Thất Thốn được trồng ở các nơi khác. So với giống Đà Lạt – nơi cũng nổi tiếng về giữ và trồng được đào Thất Thốn thì đào Thất Thốn của Nhật Tân cũng có nhiều nét rất riêng. Nõn lá đào Thất Thốn Hà Nội màu xanh phớt đỏ sậm trong khi đào Thất Thốn Đà Lạt có nõn lá non màu xanh; lá đào Thất Thốn Hà Nội ngắn và nhỏ hơn đào Thất Thốn Đà Lạt; thân đào Thất Thốn Hà Nội có mầu nâu sậm trong khi thân giống đào này ở Đà Lạt thường có màu xám; hoa của đào Thất Thốn Đà Lạt có màu hồng lợt với 5 cánh hoa, một vòi nhụy cái, còn đào Thất Thốn Hà Nội có hoa kép cánh nhỏ hơn, màu đỏ sậm.
Muốn trồng được đào Thất Thốn, người trồng đào phải chăm sóc cực kỳ cẩn thận. Đất trồng đào phải là đất thịt được đánh lên, phơi nỏ nắng, không để đất còn lại chút chất chua nào. Tưới cây phải tưới bằng nước sạch, bởi vậy, cây đào trở nên thanh cao, tao nhã, xưa kia chỉ các bậc quyền quý, nhà giàu mới dám chơi. Để chăm dưỡng được một cây đào quý này đòi hỏi công sức chăm sóc thường xuyên. Những năm trước, suốt một thời gian dài hầu như không còn ai trồng đào Thất Thốn, thỉnh thoảng mới có một gia đình cố giữ lại trong vườn. Những năm gần đây, ý tưởng gây lại giống đào quý đang được người dân làng đào khơi dậy. Một số nghệ nhân đi sưu tầm ở các vùng quê, tìm cách chiết ghép, ươm giống để có thể tạo ra giống đào Thất Thốn mới.
Câu chuyện của người “đánh thức” đào Thất Thốn
Khác với những giống đào Bích, đào Phai, đào Thất Thốn nở hoa muộn vào sau rằm tháng Giêng. Vì thế để đào Thất Thốn nở hoa đúng Tết Nguyên đán là điều rất khó. Các thủ thuật với đào thường như khoanh, tuốt lá… để ép ra hoa đúng cữ xuân, hay ghép mắt đào thường vào gốc không có tác dụng gì với loại đào này. Chính vì vậy từ lâu ngay ở chính đất đào Nhật Tân, đào Thất Thốn dần vắng bóng.
Người trồng Thất Thốn ở Nhật Tân cứ nản lòng dần vì đầu tư lớn, trồng, chăm sóc rất khó rồi hoa lại không ra đúng Tết để có thể kinh doanh. Do không làm Thất Thốn ra hoa được nên ở Nhật Tân, không ít người nản chí đã dùng gốc đào Thất Thốn rồi ghép các loại mầm đào khác để cây dễ ra hoa. Những cây được gọi là Thất Thốn nhưng ghép kiểu này cũng dễ nhận ra vì cành hoa thường dài, dáng và gốc không xù xì cổ kính và không bao giờ có được màu thắm đậm đặc trưng của đào Thất Thốn. Hơn nữa, thịt cây đào Thất Thốn có màu đỏ hồng tím đậm còn các giống đào khác chỉ cần dùng móng tay cạo nhẹ là đã thấy màu xanh.
Cũng may, không phải tất cả các nghệ nhân đều mất hết kiên nhẫn với đào Thất Thốn. Bằng lòng đam mê và quyết tâm, một vài nghệ nhân hiếm hoi của làng đào Nhật Tân vẫn miệt mài tìm cách trồng đào Thất Thốn và không ngừng mày mò, rút kinh nghiệm để tìm cách làm cho đào nở đúng dịp Tết, nhất là đúng vào những ngày 30, mùng 1 Tết. Chúng tôi tìm gặp đến anh Lê Hàm – nghệ nhân nổi tiếng nhất về trồng đào Thất Thốn ở Nhật Tân, người yêu đào Thất Thốn đến mê mẩn nên mới có thể giữ được đào Thất Thốn và là người duy nhất ở Nhật Tân đã tìm được bí quyết để chủ động cho đào Thất Thốn ra hoa đúng ngày Tết.
20 năm gắn bó với đào Thất Thốn là cả một hành trình thăng trầm, có lúc trắng tay. Nhưng đam mê với loài đào quý hiếm ở anh Hàm không hề giảm sút. Cuối cùng, sự kiên trì và lòng đam mê cũng đã mang lại cho anh những thành công bước đầu. Ăn cùng đào, ngủ cùng đào đã giúp anh theo sát từng chuyển động, biến đổi nhỏ của thân cây mà tinh tế dự đoán sự phát triển, chuyển đổi của từng thớ gỗ, để rồi tìm cách tác động cho hoa đào ra đúng ngày Tết thiêng liêng. Mỗi năm mỗi vụ, sự thay đổi thất thường của thời tiết làm những người nông dân lo lắng một thì những người như anh Hàm lo lắng gấp bội phần. Bởi đào Thất Thốn vốn là loại cây khó trồng, và khó căn để cho ra hoa đúng dịp. Đặc biệt, mùa đông năm nay, thời tiết ấm hơn nên cần phải đặc biệt chú ý để có sự điều chỉnh kịp thời có thể đảm bảo được các gốc đào đều ra hoa đúng dịp Tết Bính Thân.
Anh Hàm cho biết đào Thất Thốn khá kén người chơi và thường phải là những người sành chơi và đủ độ kiên nhẫn cũng như am tường mới có cơ hội “thưởng hoa”. Không giống như chọn đào thường, để có được một gốc đào Thất Thốn ưng ý, khách sẽ khá mất công đi lại để ngắm nghía. Ngay cả khi ưng rồi thì cũng phải đến những ngày 28, 29 Tết mới có thể rinh được cây quý về nhà vì còn đợi nhà vườn dùng kỹ thuật đảm bảo cho hoa nở đúng vào ngày 30, mùng 1 Tết.
Thú chơi có giá “bỏng tay”
Hiếm có, khó tìm và mức giá cũng không hề nhẹ nhàng... là những từ rất đúng để hình dung về loài đào Thất Thốn. Trong triển lãm cây cảnh nghệ thuật và hoa ở Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) xuân trước, một chậu đào Thất Thốn cổ được trồng 16 năm trong chậu được đưa từ Lạng Sơn về triển lãm từ đã được một khách hàng ở Hà Nội trả 150 triệu đồng nhưng người chủ chưa bán. Còn những gốc đào có tuổi đời trên chục năm cũng có giá vài chục triệu đồng.
Mang điều này ra hỏi anh Hàm, anh chỉ mỉm cười không phản bác cũng không xác nhận. Nhưng theo tiết lộ của anh, hiện khoảng gần 100 gốc đào Thất Thốn của gia đình anh hầu như đã có chủ với mức giá thuê cũng không dưới chục triệu đồng/gốc. Mà đó còn đa phần là khách quen. Còn nếu khách muốn mua thì cũng còn… tùy duyên.
Xã hội ngày càng phát triển và chất lượng đời sống ngày càng được nâng lên. Khi khái niệm ăn no mặc ấm đã dẫn lùi xa nhường chỗ cho ăn ngon mặc đẹp thì việc tìm về những sản vật độc đáo hiếm lạ là điều không khó hiểu. Và đó cũng là điều kiện cần có để những người đam mê đào Thất Thốn như anh Hàm có cơ hội phát triển dẫu biết rằng điều đó còn cần cả chặng đường dài, bởi không đơn giản để có được một gốc hoa mang tất cả mọi cái đẹp nhất, tinh túy nhất của loài đào đất Bắc. Nhưng ít nhiều trong câu chuyện của một người trồng hoa như anh Hàm, đã thấy những tia hy vọng hồi sinh của một loài hoa hiếm có và cũng là sự hồi sinh một thú chơi tao nhã trong ngày Tết.