Du lịch hay về nhà dịp Tết?
Những năm gần đây, việc nên đi du lịch hay về nhà ngày Tết trở thành đề tài gây tranh cãi của cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng Tết là lúc sum họp gia đình, đoàn viên. Nhưng đây cũng là dịp hiếm hoi để người trẻ có nhiều thời gian thực hiện dự định còn dang dở của mình nên họ chọn đi du lịch hay đến những nơi mình thích. Cả hai quan điểm đều có điều đúng nhưng quan trọng nhất vẫn là sự hài hoà giữa việc giữ gìn bản sắc dân tộc và văn hoá thời đại.
"Tết lạ" hay "tết quen"
Nét đẹp truyền thống của Tết Nguyên đán là đoàn viên. Tết là trở về nhà. Người đi xa mong về quê, người ở nhà mong ngóng người ở xa, mang ý nghĩa gắn kết tình cảm thiêng liêng trong mỗi gia đình.
Nhiều người vẫn coi những giá trị cốt lõi của những ngày năm mới là để sum họp, không gì có thể sánh được cảm giác ấm áp khi được ở bên mẹ cha, chăm sóc ông bà hay ngồi bên bếp lửa làm những món ăn truyền thống.
Nhưng cũng có nhiều người lại lập luận, Tết là dịp được nghỉ nhiều nhất và muốn tận dụng để đi du lịch thỏa thích. Đặc biệt người trẻ có quan điểm sau một năm làm lụng vất vả, cần tự thưởng cho mình và gia đình khoảng thời gian, không gian thú vị để xả stress...
Họ chọn đi du lịch khám phá thay vì về nhà. Đặc biệt, thanh niên thế hệ Millennials bị thu hút bởi cảm giác mới lạ mà những chuyến phiêu lưu mang lại. Họ quan niệm tuổi trẻ là thời gian đẹp nhất để đi. Tranh thủ khi còn đôi mươi, sức khỏe và đam mê nhiều, nhiều người lên kế hoạch sẵn cho những chuyến đi xa đầy mong đợi.
Có nhiều người đồng tình và coi đó là một xu hướng của thời đại. Nó là yếu tố phát triển tự nhiên của xã hội khi nhu cầu con người ngày càng cao và có nhiều giá trị mới được thiết lập. Nhưng cũng nhiều người cho rằng, cho dù hiện đại đến đâu thì vẫn phải quan tâm đến cốt lõi của cuộc sống là gì.
Trên các diễn đàn, nhiều người khó tính nhận xét: Tết cổ truyền dân tộc với các giá trị văn hóa - tinh thần to lớn nó mang lại, là điều đã được cả dân tộc thừa nhận, trân trọng, gìn giữ và trao truyền. Chính vì lẽ đó, mọi hành vi đi ngược lại các giá trị thuần phong mỹ tục đều đáng bị lên án.
Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều học giả, nhà nghiên cứu thì đời sống thay đổi, lối sống và quan niệm sống của con người, nhất là một bộ phận giới trẻ cũng đang có sự thay đổi. Do đó, quan niệm về ăn Tết, chơi Tết có sự thay đổi cũng là dễ hiểu.
Miễn sao, sự thay đổi này không làm xấu, làm mất đi mỹ tục của dân tộc. Hơn nữa, với định hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thì việc “mở cửa” để đón nhận, chọn lọc và phát triển các giá trị văn hóa mới, nhằm làm phong phú, đa dạng và giàu có hơn nền văn hóa dân tộc.
Chính vì vậy, sự thay đổi trong cách hưởng thụ Tết ở một bộ phận người dân hiện nay, trong đó có việc lựa chọn đi du lịch vào đúng dịp Tết, có thể xem như một biểu hiện của quá trình “chọn lọc” ấy?
Hài hòa giữa bản sắc và hơi thở thời đại
Nhu cầu đi du lịch ngày Tết hoàn toàn bình thường, nhất là trong cuộc sống hiện đại có nhiều áp lực. Quãng thời gian nghỉ đón năm mới thật quý giá với bất cứ ai. Họ có quyền được tự quyết định sử dụng chúng theo ý mình.
Nhưng việc ông bà, bố mẹ mong ngóng con cái để hỏi han về cuộc sống, chia sẻ những điều đã qua trong năm cũ cũng là điều ý nghĩa, quan trọng. Bởi thế, ý tưởng bỏ nhà đi biền biệt trong dịp Tết (thậm chí có thể đi từ trước ngày 30 Âm lịch) phần nào bị xem là ích kỷ. Và khi chia sẻ, suy nghĩ ấy của các phụ huynh nhận được sự đồng tình không chỉ ở người cùng thế hệ mà còn cả ở những bạn trẻ đề cao giá trị truyền thống.
Còn với rất nhiều bạn trẻ, giá trị của sự "sum vầy" không thể hiểu máy móc là sự gần gũi về khoảng cách vật lý giữa các thành viên trong gia đình. Hoặc, như cách nói của nhiều người, sự quan tâm gần gũi với người thân là câu chuyện cần được thực hiện quanh năm dưới nhiều hình thức, thay vì chỉ… đổ dồn vào Tết. Với họ, đôi khi đi chơi lại là một cách để phản ứng với sự nhàm chán - nếu có - của ngày Tết bây giờ.
Mỗi cách suy nghĩ cũng đều có những ưu điểm và vẫn còn một số chỗ chưa đúng đắn. Quan trọng là việc phát triển của một xã hội với hơi thở hiện đại cần từ từ. Để những người xưa cũ không hụt hẵng khi những giá trị truyền thống bị thay đổi. Còn những người mới vẫn có cảm giác có cái tôi trong vô vàn cái chung ngoài kia.
Để từ đó có sự dung hoà giữa cái riêng và cái chung, giữa những suy nghĩ chọn tình cảm hay lý trí theo chủ quan của mình. Ai cũng cần có không gian riêng, ý tưởng riêng nhưng sẽ hay hơn, tốt hơn nếu cái chung cũng được cân bằng và trao những giá trị nó vốn phải có.