Tin địa phương

Bình Dương: Tăng cường số hóa hồ sơ, đơn giản thủ tục hành chính

Huỳnh Sang 08/02/2024 - 17:03

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh vừa chủ trì Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính, Đề án Thành phố thông minh và Đề án camera giám sát an ninh, an toàn giao thông và xử lý vi phạm hành chính năm 2023.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, toàn tỉnh có 1.919 thủ tục hành chính (TTHC); Trong đó, 1.526 TTHC cấp tỉnh, 256 TTHC cấp huyện, 137 TTHC cấp xã.

Năm 2023, đơn vị này đã tiếp nhận và giải quyết 292.956 hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 98,18%. Tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết của các sở, ban, ngành tăng 91.236 hồ sơ, tương đương tăng 45,23% so với cùng kỳ năm 2022.

Số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến 251.802 hồ sơ (gồm 185.969 hồ sơ dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình và 65.833 hồ sơ DVC trực tuyến một phần), chiếm 85,95% tổng số hồ sơ tiếp nhận. Số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến tăng 107.530 hồ sơ, tăng 14,43%.

1(4).jpg
Toàn cảnh hội Nghị

Trong năm có 2.488 hồ sơ tiếp nhận qua Bưu chính, 84.269 hồ sơ được chuyển trả về địa chỉ của người dân qua đường Bưu điện, chiếm 29,18% tổng số hồ sơ đã giải quyết. Tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt 56,1%. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh đạt 72,7%, cấp huyện đạt 98,5% và cấp xã đạt 98,8%. Kết quả tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức liên quan đến quy định TTHC đạt 86,23%.

Về cải cách tổ chức bộ máy, UBND tỉnh đã ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 8 sở và 11 đơn vị trực thuộc sở. Đến cuối năm có 17/23 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, 3/23 đơn vị đang trình UBND tỉnh, huyện, 2/23 đơn vị đang lấy ý kiến các ngành liên quan, 1/23 đơn vị đang xây dựng Đề án.

Tại cuộc họp, một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Cải cách hành chính trong năm 2024 cũng được báo cáo, thông qua; Trong đó, trọng tâm trong thời gian tới là nỗ lực hoàn thành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh; Các tổ chức bên trong trực thuộc sở, ngành; 100% phản ánh kiến nghị được giải quyết đúng và công khai kết quả xử lý đúng quy định; Số hóa kết quả giải quyết TTHC cấp tỉnh đạt tỷ lệ 100%, cấp huyện đạt 80% và cấp xã đạt khoảng 75%; 100% hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC được số hóa; Triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây đảm bảo kết nối với nền tảng điện toán đám mây của Chính phủ theo quy định…

Về kết quả triển Đề án camera giám sát, điều hành giao thông, an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh, Đại tá Ngô Xuân Phú – Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương thông tin, hầu hết các sở, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch, tiến hành khảo sát xác định vị trí lắp đặt camera giám sát trên địa bàn được phân công.

Trước đó, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt chủ trương đầu tư Đề án với tổng mức đầu tư 259 tỷ đồng, riêng phần kế hoạch thuê với tổng dự toán 372 tỷ đồng. Công an tỉnh đang tiến hành tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập dự án và thực hiện các bước theo quy định.

Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp BOT trên địa bàn đã đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh trật tự trên các tuyến đường BOT do doanh nghiệp quản lý, với tổng số camera là 54 tại 29 giao lộ.

2(2).jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Thời gian qua, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã tiến hành khảo sát tại 17/29 Khu công nghiệp (KCN), với tổng số lượng camera dự kiến là 551; Trong đó có 11 KCN (Đại Đăng, Sóng Thần 2, Sóng Thần 3, KSB, VSIP I, II, VSIP IIA, Đồng An 1, Đồng An 2, Bình Đường, Sóng Thần 1) đã lắp đặt 235 camera và 6 KCN (Kim Huy, Quốc tế Protrade, Rạch Bắp, Tân Bình, Tân Đông Hiệp B, Việt Hương 2) đang tiến hành mua sắm thiết bị. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai vận động doanh nghiệp nằm trong KCN chia sẻ hình ảnh camera tại các KCN.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh đánh giá, trong năm 2023, công tác cải cách hành chính, Đề án Thành phố thông minh và Đề án camera giám sát an ninh, an toàn giao thông đã được các cấp, các ngành, địa phương tập trung giải quyết và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Về định hướng trong năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp ủy Đảng cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, tập trung khắc phục các mặt hạn chế. Các ngành cần quan tâm rà soát xây dựng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy định thể chế. Tăng cường số hoá hồ sơ, thực hiện quy trình liên thông nội bộ trong giải quyết TTHC tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Hoàn thiện, nâng cao hoạt động của Trung tâm Hành chính công tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp huyện và Bộ phận một cửa cấp xã.

Về Đề án Thành phố thông minh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cơ quan thường trực và các ngành hoàn chỉnh các danh mục và cập nhật các số liệu đầy đủ, đưa ra các nhiệm vụ cụ thể để triển khai trong năm 2024; Nhất là tiếp tục cập nhật cơ sở dữ liệu Đề án 06 đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” và chia sẻ, kết nối các cơ sở dữ liệu ngành để đơn giản hóa việc thực hiện TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

dji-0152-1502682348-8816-1607519407.jpg
Với việc quy hoạch và thu hút đầu tư bài bản, Bình Dương liên tiếp được vinh danh là đô thị có chiến lược thành phố thông minh tiêu biểu thế giới

Đối với Đề án Camera giám sát an ninh, an toàn giao thông và xử lý vi phạm hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, việc triển khai còn chậm, nguyên nhân là do công tác phối hợp giữa các cấp, ngành chưa chặt chẽ, đồng bộ.

Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tập trung triển khai nhanh các bước về thủ tục đầu tư, hỗ trợ các huyện, thị, thành phố thẩm định về chuyên môn kỹ thuật, hoàn thiện các quy trình, phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và báo cáo lãnh đạo tỉnh để kịp thời tháo gỡ.

Huỳnh Sang