Văn hóa - Du lịch

Lễ Trừ tịch trong phong tục đón xuân của người xưa

Việt Quỳnh 08/02/2024 07:23

Thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới là thời điểm rất quan trọng, trời đất giao hoà, âm dương hoà quyện để vạn vật bừng lên sức sống mới. Theo phong tục của người Việt từ cổ xưa, giao thừa nhà nhà đều chuẩn bị chu đáo cho việc cúng lễ ngoài trời và cúng lễ trong nhà. Vậy tại sao lại cần tới hai mâm cúng lễ?

Nguồn gốc lễ Trừ tịch

Nhiều ghi chép cho thấy, ngày xưa đêm Giao thừa còn được gọi là đêm Trừ tịch. Và lễ Trừ tịch này mới thực sự cần phải chú tâm theo quan niệm của người xưa. Trong từ Trừ tịch, "Trừ" là giao lại, "tịch" là ban đêm. Lễ Trừ tịch có nghĩa là lễ được tổ chức khi các quan nhà trời chuyển giao lại nhiệm vụ, diễn ra vào đúng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

mam-cung-giao-thua-1.jpg
Lễ Trừ Tịch trong thời khắc Giao thừa của người Việt (Ảnh minh họa)

Người xưa cho rằng có mười hai vị Hành khiển, Phán quan nhà trời tượng trưng cho 12 con giáp từ năm Tí (con chuột) đến năm Hợi (con lợn), luân phiên trông coi việc dưới hạ giới. Cứ sau mỗi chu kỳ 12 năm lại quay trở về vị Hành khiển đầu tiên. Các quan nhà Trời đều có ông Thiện và ông Ác. Ông Thiện chuyên phù hộ những điều tốt đẹp cho con người. Còn ông Ác gây ra hạn hán, lụt lội, mất mùa, đói kém. Việc lành hay việc dữ là do sớ tấu của các quan Hành khiển, Ngọc hoàng dựa trên sớ tấu đó mà ban phúc hay trừng phạt con người.

Với quan niệm như thế, người xưa làm lễ rất cẩn trọng. Đúng lúc nửa đêm, quan cũ giao lại công việc, quan mới tiếp nhận. Vào thời điểm này, mọi gia đình đều bày cỗ ra ngoài trời để cúng hai đoàn các quan. Ngày xưa, thậm chí các vị chức sắc ở thôn xã cũng phải thiết lập hương án chào lạy các quan trời ở nơi trung thiên, ở sân đình, ở văn chỉ, vàng hương trầu rượu hoa quả xôi gà; tế lễ trọng thể với trống chiêng vang dậy đêm khuya.

Ngày nay, nhiều người không thật hiểu ý nghĩa của lễ Trừ tịch. Một số cách hiểu cho rằng cúng ngoài trời lúc giao thừa là cúng chúng sinh. Theo quan niệm đó, khi gia tiên được ăn cỗ trong nhà thì ở ngoài chúng sinh, ma đói không biết ăn tết ở đâu, do vậy muốn được yên ổn cả năm mới sắp tới thì nhất thiết phải có mâm cỗ cúng chúng sinh. Một số gia đình chỉ biết cúng lễ, vái tứ phương, thậm chí chẳng biết khấn Đương niên, Bản cảnh Thành Hoàng. Ý nghĩa thực của lễ Trừ tịch mà ta quen gọi là cúng Giao Thừa đã dần dần phai nhạt.

cung-giao-thua.jpg
Thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới là thời điểm rất quan trọng trong tâm thức người Việt (Ảnh minh họa)

Xét đến cùng, dù rằng ý nghĩa của việc cúng ngoài trời có biến đổi thể nào đi nữa thì phong tục cổ truyền này vẫn mang ý nghĩa triết học và nhân văn cao đẹp. Hiểu là lễ các quan nhà trời hay lễ chúng sinh đều được, điều cốt yếu là con người ngày thường cư xử phải đạo, không hổ thẹn với các thế lực tâm linh. Xuất phát từ nguyên nhân đó mà ngay từ xa xưa, cổ nhân đã có nhiều câu chuyện răn đời để người ta hiểu rằng: các vị Hành khiển, Phán quan, mặc dù phút bàn giao bận rộn khẩn trương nhưng vì là người nhà trời nên chư vị có tài thấu hiểu ngay ruột gan của gia chủ. Nếu có ý cầu lợi, mua chuộc, đút lót, các vị chỉ nhìn dấu hiệu ở khói hương, lửa đài là biết ngay, không thèm ngó ngàng gì đến vật cúng giao thừa của các gia chủ ấy. Trái lại, những gia đình chân chất, thật thà, ăn ở tử tế thì có khi chỉ cần chén rượu, nén hương, tuy đồ lễ đơn sơ nhưng các vị quan vẫn vui vẻ thưởng thức, dốc lòng phù hộ.

cach-chuan-bi-mam-cung-giao-thua-nhu-the-nao-la-dung-trong-dem-30-tet-6-1-.jpg

Vào những giờ phút giao thừa gần kề, mọi nhà chuẩn bị sắp lễ đưa ra ngoài trời để cúng. Mâm cỗ đầy đặn và sinh động với rất nhiều màu sắc của đồ ăn thức uống như đĩa xôi, con gà luộc, hoa quả, bánh kẹo… Và hơn lúc nào trong giờ phút ấy để người dân bày tỏ lòng thành kính, sự biết ơn và ước nguyện về một năm mới sẽ tốt đẹp, may mắn. Với mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời số lượng và chất lượng cũng phụ thuộc vào từng vùng miền khác nhau, vào sự giàu có, sung túc hay khó khăn của mỗi gia đình. Những nhà khá giả sẽ sắm sửa mâm cỗ cúng đầy đủ với các lễ vật, món ngon… để tiếp đón các vị quan thần và mong muốn sẽ có một cuộc sống giàu có hơn, phú quý hơn. Còn với các gia đình cơ hàn, vất vả quanh năm ruộng vườn, đồng áng thì chút “lễ mọn” như cây nhà lá vườn cũng là để gửi gắm cả tấm chân tình, sự tôn kính và ước nguyện cho năm mới với những điều may mắn, sức khỏe đến với mọi thành viên trong gia đình. Cuộc sống ngày nay có nhiều thay đổi nhưng lễ cúng giao thừa ngoài trời từ thôn quê đến thành thị vẫn được lưu giữ. Không chỉ là vấn đề tâm linh mà đó còn là nét đẹp trong văn hóa cội nguồn dân tộc.

Sau lễ cúng ngoài trời, mọi gia đình mới bắt đầu lễ cúng trong nhà. Cúng Giao Thừa trong nhà là lễ cúng tổ tiên vào chính thời khắc giao thừa vừa tới, nhằm cầu xin Tổ tiên phù hộ độ trì cho gia đình mình gặp những điều tốt lành trong năm mới sắp đến. Mâm lễ bao gồm các món ăn mặn ngày Tết được chế biến tinh khiết, trang nghiêm. Cỗ mặn gồm: bánh chưng, giò chả, xôi đậu xanh, thịt gà, các món mặn khác tùy nhu cầu gia đình. Cỗ ngọt gồm bánh kẹo, mức tết, các loại đồ uống... Khi cúng Giao Thừa trong nhà, tất cả các thành viên trong gia đình đứng trang nghiêm trước bàn thờ, khấn tổ tiên để xin được các cụ phù hộ độ trì trong nhà mới, cầu an khang thịnh vượng, sức khỏe tốt. Trước khi khấn Tổ tiên để mời tiền nhân về ăn Tết cùng với con cháu hậu thế, các gia chủ khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà để xin phép cho tổ tiên về ăn Tết.

Người xưa có các bài văn khấn Giao Thừa dành cho ngoài trời và trong nhà riêng biệt. Ngày nay, có nhiều bài văn khấn khác nhau tùy theo lựa chọn của mỗi gia đình. Việc này không quá quan trọng, căn bản vẫn là sự thành tâm. Sau khi gia trưởng khấn lễ xong thì các thành viên trong gia đình lần lượt theo thứ tự tới chắp lễ trước bàn thờ hay mâm cúng. Khi các nghi lễ cúng kết thúc cũng là lúc năm mới hội hè bắt đầu.

Tục xuất hành và hái lộc

Quan niệm người xưa, xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm, thường được thực hiện vào ngày tốt đầu tiên của năm mới để đi tìm may mắn cho bản thân và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta chọn ngày Hoàng đạo, giờ Hoàng đạo và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần...

Người xưa xuất hành thường hay đến các đền chùa bởi khi lễ bái trước trời Phật, thánh thần, đặc biệt trong dịp đầu năm, con người sẽ có cảm giác thanh thản tâm linh. Sau khi lễ bái, người Việt còn có tục bẻ lấy một cành lộc để mang về nhà lấy may, lấy phước. Cành lộc có thể là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si... những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc thường đem về cắm ở bàn thờ.

hai-loc-dau-nam-01.jpg

Tuy nhiên việc hái lộc này chỉ nên mang tính tượng trưng. Ngày nay nhiều người hiểu nhầm tục lệ này, cho rằng càng hái những cành lộc to thì càng gặp được nhiều tài lộc. Vì thế, một số người đầu xuân năm mới đã khệ nệ mang vác những cành cây to về nhà; không chỉ làm hại cây xanh mà còn làm cho ý nghĩa tốt đẹp của tập tục bị lạm dụng. Cần hiểu rằng một cánh lộc nhỏ, có lá xanh và cân đối là đã đạt yêu cầu; bởi cầu nhỏ mới được lớn, hái lộc theo kiểu phàm phu thì chỉ khiến các thế lực tâm linh thêm tức giận.

Tết là phong tục được truyền từ đời này sang đời khác. Trải qua hàng nghìn năm tồn tại, Tết càng khẳng định vai trò không thể thiếu đối với người Việt, với những đặc trưng phong phú và đa dạng. Tết mang một ý nghĩa to lớn đối với đời sống cộng đồng, góp phần phong phú thêm phong tục tập quán quê hương.

Việt Quỳnh