Truyện ngắn: Tết có đàn ông
Mưa lất phất. Trời lạnh. Cái lạnh như cắt cứa đôi bàn tay nứt nẻ của Yến. Cô vẫn cứ thoăn thoắt luồn buộc những sợi dây thép lên cành đào chi chít nụ. Gió thi thoảng lại thổi thốc tháo làm những chiếc lá khô cuối cùng lìa khỏi cành, chao liệng lên cao rồi lè xè rơi xuống đất.
-Mẹ…lửa tắt rồi mẹ ơi.
Tiếng bé Gạo đang ngồi trong cái chòi canh réo gọi. Được ngày Chủ nhật nghỉ học, nó nằng nặc đòi theo mẹ ra ruộng. Yến khuyên ở nhà với bà nội nhưng nó không chịu nghe. Gạo vừa mới vào lớp 1. Người bé loắt choắt. Lùn tịt. Mỗi sáng tới lớp, cái ba lô nặng trĩu sách vở làm nó bước đi xiêu vẹo. Yến nhìn sau lưng con, vừa thương vừa không nhịn được cười.
Ra ruộng, Yến nhóm lửa trong chòi rồi để Gạo ngồi đấy sưởi ấm. Mấy cành củi chưa khô, lửa bén rồi lại tắt. Khói bay um một khoảng. Gạo liên tục đưa tay lên quệt mắt. Yến chạy đến chòi, hít căng lồng ngực rồi cúi đầu sát vào đống củi thổi phù phù. Thổi mãi lửa chẳng lên mà chỉ có khói, mặt cô cau có:
-Mẹ bảo ở nhà thì không nghe, cứ đòi đi theo. Đúng là bố nào con ấy, tính ương ngạnh như nhau.
Gạo nghe thấy mẹ nhắc tới bố thì chu môi lên hỏi:
-Bao giờ bố đi công tác về hả mẹ?
-Con cứ ngoan thì bố về.
-Mẹ ơi, thế trại là ở đâu ạ?
Yến giật mình với câu hỏi của Gạo, cô liếc mắt nhìn ngang:
-Ở đâu con hỏi làm gì?
-Bà nội bảo, bố đi công tác ở trong trại, mà con không biết trại là ở đâu cả nên mới hỏi mẹ.
Yến im lặng. Mắt cô rưng rưng. Đã dặn bà mấy lần là đừng nói chuyện này với con bé, có lẽ bà nhỡ miệng.
-Sao mẹ không nói gì, trại là ở đâu ạ?
-Ở xa lắm, mẹ cũng không biết. Con đừng có hỏi nữa để mẹ còn thổi lửa.
Hai mẹ con ngồi co ro. Gió rít luồn qua khe liếp. Khói bu kín cả chòi canh. Gạo đưa hai bàn tay nhỏ xíu lên bịt mắt mà vẫn cay xè. Yến phồng má. Thổi. Lửa bùng lên, mắt cô cũng nhòe nhoẹt. Quệt ngang mắt vài cái, Yến ngẩn ngơ nhìn những gốc đào trụi lá. Phía xa những luống cúc, nụ đua nhau trồi lên tua tủa. Nhà hàng xóm đã rục rịch đưa khách đến thăm ruộng, nhưng nhà Yến tịnh chẳng có ai đến hỏi. Yến sợ Tết năm nay lại giống năm ngoái, Hòa vắng nhà, cả ruộng đào nở bung bét mà không có người mang đi bán.
***
Sáng sớm, Yến vừa dậy thì đã thấy Hòa đang lúi húi trước cửa nhà rơm. Cô rón rén lại gần vỗ vai chồng.
-Anh làm gì trong đó đấy?
-Giật cả mình. Em đi đứng cứ như ma thế?
-Sao mà giật mình? Anh làm cái gì mờ ám hả?
-Mờ ám cái con khỉ. Anh bện cái ổ rơm cho mấy con gà mái nó đẻ, chứ để nó đi lang thang, đẻ rơi đẻ vãi ngoài vườn, người ta nhặt hết trứng.
Yến toan đi vào trong xem chồng bện ổ gà thế nào thì Hòa đẩy ra:
-Thôi, em nấu bữa sáng đi. Ăn xong em ra vườn vun lại mấy gốc đào. Hôm nay, anh có tí việc.
-Anh đi đâu?
-Anh đi làm việc lớn, kiếm vài đồng tiêu tết. Dịch dã thế này hoa lại ế chỏng ra, chắc gì đã có người mua đào về ngắm.
Yến bĩu môi: -Việc lớn…mở miệng ra là “anh làm việc lớn”, thế mà đến giờ vẫn trên răng dưới...
Hòa trừng mắt: -Dưới gì?
-Dưới dép chứ còn dưới gì nữa.
Yến cười cười nhìn chồng rồi đi vào bếp làm đồ ăn sáng. Ăn xong, Yến vác cuốc ra ruộng, còn Hòa cũng lên xe đi “làm việc lớn” như Hòa nói.
Gần trưa, hàng xóm đi qua ruộng nhìn thấy Yến vẫn đang vun gốc đào, liền gọi:
-Sao mày còn ở đây hả Yến? Công an họ đang khám nhà kia kìa?
Mặt Yến nóng phừng, hốt hoảng hỏi: -Khám gì ạ? Sao lại khám nhà em hả chị?
-Tao nghe loáng thoáng thằng Hòa nó buôn pháo gì đấy. Mày chạy về xem tình hình thế nào.
Yến vứt cuốc, chân thấp chân cao hộc tốc chạy về nhà. Trước cửa, hàng xóm bu chật kín, Yến lách qua nhưng công an chặn lại, họ bảo còn đang khám xét chưa xong. Yến thấy họ bới tung cái nhà rơm, lôi ra bốn, năm bao xác rắn, đổ xuống sân chỉ toàn pháo là pháo. Hòa đứng như trời trồng giữa sân, cúi gằm mặt sợ chạm vào đôi mắt đẫm nước của vợ.
Hơn một tháng sau, Hòa bị đưa ra xét xử. Được chọn làm án điểm nên phiên tòa xử lưu động tại nhà văn hóa xã. Nhìn chồng phờ phạc, đen nhẻm, co ro đứng trước bục khai báo mà Yến rớt nước mắt. Kết thúc phiên xử, Tòa tuyên Hòa 27 tháng tù.
Trên đường dẫn giải ra xe, Hòa còn chưa kịp nói được lời xin lỗi với vợ. Ánh mắt Hòa dáo dác tìm thân hình còm cõi của mẹ già lẫn trong đám đông nhưng cũng chẳng thấy đâu.
***
Yến cởi bó lá dong vừa mới mua ra sân giếng để rửa. Mẹ chồng Yến chống gậy đi ngang qua, bà bỏ miếng bã trầu đỏ quạch đang nhai tóp tép trong miệng, thều thào hỏi:
-Có ai biết gói bánh đâu mà mua lá làm gì hở con?
-Con mua mấy chục lá, hôm nào nhờ ông Tư hàng xóm gói giúp cho vài cái mẹ ạ.
-Ôi dào, có ai ăn đâu mà bánh với trái. Năm ngoái, ra giêng rồi lại đổ đi. Nếu mua thì mua lấy ít bánh kẹo, hạt dưa, nhỡ có khách thì còn có cái mà cắn.
Bà đứng nhìn Yến một hồi, thấy con dâu không nói gì thì lặng lẽ quay đi. Mấy bữa nay trời lạnh, cái lưng của bà chắc lại đau nhức. Đêm đêm, nghe mẹ chồng nằm bên giường rên rỉ mà Yến xót hết cả ruột.
Tay trái Yến nhẹ nhàng cầm tàu lá dong nhúng vào chậu nước rồi lật qua lật lại, tay phải cầm khăn tỉ mẩn lau rửa hai mặt lá. Cả nhà có mỗi Hòa là đàn ông, cũng chỉ có mỗi Hòa là ưa của nếp. Hòa ở nhà thì bao nhiêu bánh cũng hết. Tết năm vừa rồi Hòa ở trại, mấy cặp bánh để mốc xanh mốc đỏ. Sau Tết, Yến phải mang đổ ra xó vườn cho đàn gà mổ. Yến cũng chẳng thiết tha gì với việc gói bánh. Nhưng Tết mà cái gì cũng không làm, cũng đi mua thì còn gọi gì là Tết.
Mấy tháng trước, Yến vào trại thăm chồng. Yến nói dạo với Hòa là Tết năm nay sẽ gửi vào trại cho chồng mấy cặp bánh chưng. Nghe vậy, Hòa xua tay bảo, không phải gửi gắm cho phiền. Tết ở nhà có gì thì trong trại cũng có cái đấy. Cái thiếu duy nhất ở trong này là tự do chứ không phải vật chất. Yến hỏi chồng bao giờ thì ra. Hòa lắc đầu, xin lỗi vợ. Gần trăm cây số từ trại về tới nhà, mắt Yến vẫn còn ướt.
***
-Bà ơi…mẹ ơi…
Bé Gạo hớt hải chạy từ đầu gõ chạy vào, miệng liên tục gọi:
-Mẹ ơi…mẹ…mẹ ơi, bố về rồi. Bố đi trại về rồi mẹ ơi.
Yến buông cái khăn và tàu lá dong xuống chậu nước, đứng bật dậy. Cô lặng nhìn người đàn ông đi theo sau Gạo khoảng chục bước chân. Những cọng mi thưa trên mắt Yến dấp dính. Nghẹn ngào mấy giây, Yến mới lên tiếng:
-Sao anh lại được về? Có phải anh…anh…
Hòa trông trắng ra, cái đầu húi cua tròn vo, quần xanh, áo phông trắng đóng thùng như vừa mới đi công tác về thật. Mỗi tội chân đi đôi giày cũ mèm, tay xách cái túi sờn bạc. Hòa cười, hai mắt híp tịt:
-Trông anh giống thằng trốn trại lắm hả? Đây, quyết định đặc xá, đóng dấu đỏ đàng hoàng.
Hòa vừa nói vừa thò tay vào túi quần rút ra tờ giấy được gấp làm bốn, anh mở ra rồi giơ lên khoe với vợ.
-Sao anh không báo để em đi đón?
-Vẽ chuyện, công cán gì đâu mà đưa với chả đón. Mà cũng có xe nhà nước rước về tận đầu làng rồi còn gì. Mẹ đâu?
-Mẹ vừa mới ở đây, chắc lại loanh quanh đâu đó bên nhà hàng xóm.
-Ái chà, chồng đi hơn một năm mà vợ cũng biết gói bánh rồi đấy.
-Nào ai biết, đoán là anh được về nên em chuẩn bị sẵn cho anh gói đấy.
Yến cười mà nước cứ giàn giụa trên mặt. Hòa ngó nghiêng quanh nhà. Hai hôm nữa đã tiễn ông Công ông Táo về trời mà chẳng có không khí Tết gì cả. Hiên nhà chất đầy củi với lõi ngô. Ba viên gạch men vỡ, bong tróc từ năm ngoái vẫn còn để nguyên chưa ai sửa. Mấy con gà mái đẻ đòi ăn, quẩn lấy chân Hòa.
Bé Gạo túm lấy ống quần bố giật giật, giương cặp mắt tròn đen láy, ngây thơ hỏi:
-Bố ơi, bố ở nhà hay lại đi công tác nữa ạ?
Hòa bế thốc con gái lên cao, thơm nựng vào bên má phúng phính:
-Bố không đi đâu nữa, bố ở nhà đón Tết với Gạo.
Ngay sau bữa cơm trưa, Hòa đã bắt tay dọn dẹp nhà cửa. Vá cái hiên gạch vỡ, sửa cái bản lề mục ruỗng của cửa buồng, rồi bao sái lại bàn thờ tổ tiên chuẩn bị tiễn ông Táo. Hòa vác cuốc ra ruộng. Anh bứng gốc đào đẹp nhất, nhiều nụ nhất chở về đặt giữa hiên, giăng đèn nhấp nháy. Không khí trong nhà rộn ràng hẳn.
28 Tết, ruộng hoa đã bán sạch. Tối, cả nhà ngồi quanh bếp củi đỏ lửa. Gạo ngồi giữa bố mẹ, bó hai đầu gối bé xíu vào nhau. Tiếng tóp tép nhai trầu của bà nội nghe thân thuộc. Nồi bánh chưng sôi ùng ục, tỏa mùi nếp nương thơm nức.
Truyện ngắn của Biên Thùy