Đời sống

Người lưu giữ "hồn quê" đất Quảng

Minh Quân 14/02/2024 10:30

Nhắc tới vùng đất Quảng Ngãi, nhiều người sẽ nghĩ đến hai địa danh nổi tiếng Núi Ấn - Sông Trà, ít ai biết rằng, những người con của vùng đất nằm dọc dải miền Trung này mang đậm ký ức về những bờ xe nước được đặt trên con sông Trà Khúc, không chỉ đơn thuần là công trình "dẫn thủy, nhập điền" thời ấy mà còn trở thành biểu tượng về hình ảnh con người Quảng Ngãi cần cù, sáng tạo.

Lúc hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu tại Quảng Ngãi còn thô sơ chưa phát triển, việc làm ruộng, trồng mía ở đôi bờ sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) phụ thuộc hoàn toàn vào bờ xe nước. Thế nhưng, những bờ xe nước chỉ tưới được cho các cánh đồng ven sông, trong khi nhu cầu về nước tưới cho sản xuất rất lớn.

nguoi-luu-giu-hon-que-dat-quang-2-.jpg
Ông Mai Văn Quýt hoàn thiện mô hình bờ xe nước.

Do đó, tỉnh Quảng Ngãi quyết định đầu tư xây dựng đập dâng Thạch Nham và đưa vào hoạt động năm 1997, cũng từ thời gian ấy nghề làm bờ xe nước đành lui vão dĩ vãng nhưng ký ức về một bờ xe, công trình "dẫn thủy nhập điền" thuở nào vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông Mai Văn Quýt (80 tuổi, thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây, TP. Quảng Ngãi) và nhiều người dân Quảng Ngãi đã từng gắn bó với công trình này.

Nhà nằm ở gần sông Trà, tuổi thơ của ông Quýt gắn liền với những vòng quay của bờ xe nước, vùng ven sông Trà thời trước, người dân chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp. Trong khi vụ Đông Xuân hoàn toàn nhờ "nước trời", thì vụ Hè Thu nắng nóng, thường xảy ra thiếu nước, khô hạn. Bởi vậy, bờ xe nước có vai trò rất quan trọng, giúp đưa nước từ sông vào ruộng để đảm bảo năng suất, sản lượng cây trồng.

Ngồi trò chuyện với chúng tôi, ông Quýt cho biết, ông là đời thứ ba kế tục nghề làm bờ xe nước của gia đình. Từ năm 16 tuổi, ông đã theo cha vót tre, chẻ nan học làm bánh xe nước, cho đến bây giờ ông vẫn còn nhớ như in những tháng ngày cùng cha đưa nước từ sông Trà về đồng ruộng để phục vụ tưới tiêu cho người dân. Thời ấy, cha ông là một "trùm" điều khiển bờ xe nước có tiếng ở địa phương.

Ông Quýt kể: Thời trước ông nội của ông cũng là một "trùm" chuyên điều khiển, vận hành bờ xe nước, đến đời cha ông cũng theo chân ông nội. Khi đến đời ông, mới làm được vài năm thì Nhà nước đã đầu tư công trình thủy lợi Thạch Nham đưa nước về tưới tiêu các cánh đồng dọc sông Trà nên không còn cơ hội để làm những bờ xe nước quy mô lớn phục vụ nông nghiệp.

Tuổi thơ ông gắn liền với bờ xe nước, ăn sâu vào trong máu thịt nên cho dù hiện bờ xe nước không còn được sử dụng phục vụ đưa nước về ruộng, ông vẫn miệt mài làm các mô hình nhỏ để trưng bày hoặc bán lại cho các quán cà phê, nhà hàng, khu du lịch khi họ có nhu cầu... Hiện rất nhiều nhà hàng, quán cà phê ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên đã đặt hàng, mua bờ xe nước của ông đem về trưng bày.

Theo ông Quýt, để không bị phai nhòa hình ảnh, ký ức về một bờ xe nước là biểu tượng của người Quảng Ngãi, ông đã tự phục dựng làm các mô hình bờ xe thu nhỏ, có đường kính từ 2 đến 4m. Mỗi bờ xe mô hình có từ 2 đến 4 bánh xe, tùy theo nhu cầu người sử dụng. Về nguyên lý, cách thức làm bờ xe mô hình vẫn giống y hệt bờ xe ngoài thực tế, nên người làm bờ xe nước phải chế tác sao cho bánh xe cân bằng, khi vận hành không bị lỗi, vẫn có thể lấy nước và quay đều.

Ông tâm sự, việc xây dựng bờ xe nước với nguyên liệu chính là tre, trước kia phần lớn bờ xe được buộc bằng dây lạt, dây mây, còn nay làm mô hình thì làm bằng dây cước buộc các chi tiết của bánh xe lại với nhau để tăng tuổi thọ sản phẩm.

Cái khó nhất trong làm bờ xe nước là chọn được địa điểm và xây dựng bờ cừ, bờ cừ phải xây theo hình chữ V, làm sao nước được dẫn dồn về một chỗ hẹp để tạo dòng chảy mạnh.

Ngay tại điểm nước chảy mạnh sẽ đặt bờ xe, mỗi bờ xe như thế có khoảng 10 đến 12 bánh, mỗi bánh có đường kính khoảng 10m, xung quanh mỗi bánh xe được buộc hàng trăm ống tre, đặt nghiêng một góc, sao cho khi bánh xe quay xuống nước, các ống tre này đong đầy.

Lực chảy của nước do việc đắp bờ cừ sẽ đẩy bánh xe tiếp tục quay tròn, đưa ống nước lên cao và trút ra máng, dẫn nước về đồng.

"Cái độc đáo nhất của bờ xe là người thợ phải đặt ống tre làm sao để khi bánh xe tiếp xúc với nước, các ống tre lấy được nước lên. Cứ như thế, lực nước chảy sẽ đẩy bánh xe quay đều, không cần tốn sức lực vận hành. Dù không tốn nhân công vận hành nhưng việc xây dựng bờ xe đòi hỏi rất công phu. Mỗi bờ xe như thế phải tốn hàng ngàn cây tre và mất ít nhất 1 tháng xây dựng ròng rã", ông Quýt chia sẻ.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng, chia sẻ: Sau khi biết được nguyện vọng của nghệ nhân Mai Văn Quýt muốn làm mô hình bờ xe nước để lưu giữ lại cho con cháu thế hệ mai sau, sở đã đến tận nhà để động viên và mong muốn cũng như tạo động lực để nghệ nhân Mai Văn Quýt đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, kịp thời đưa vào TP. Hồ Chí Minh để trưng bày trong chương trình “Sắc Xuân Quảng Ngãi”.

“Trong chương trình Sắc Xuân Quảng Ngãi được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ban tổ chức sẽ đưa mô hình bờ xe nước được nghệ nhân Mai Văn Quýt làm để trưng bày và giới thiệu đến du khách trong hai ngày và sau đó sẽ được chuyển về trưng bày tại Quảng Ngãi theo đúng nguyện vọng của nghệ nhân Mai Văn Quýt”- ông Dũng thông tin.

Theo ông Lê Hồng Khánh, nhà nghiên cứu văn hóa ở Quảng Ngãi, ông Mai Văn Quýt là một trong những người cuối cùng ở tỉnh còn lưu giữ được kỹ thuật, cách làm truyền thống về bờ xe nước.

"Bờ xe nước sông Trà là biểu tượng về hình ảnh con người Quảng Ngãi cần cù, sáng tạo, chịu đựng mưa nắng để mang lại lợi ích cho đời", ông Khánh nói.

Để lưu giữ lại bờ xe nước, một biểu tượng của người dân Quảng Ngãi, mới đây tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất chọn phương án thiết kế xây dựng cầu Trà Khúc 1, bắc qua sông Trà Khúc, với ý tưởng thiết kế mang tên “Dấu ấn sông Trà” với 3 vòng tròn nối tiếp nhau tạo nên hình tượng bờ xe nước sông Trà Khúc, với vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

Minh Quân