Văn hóa - Du lịch

Tiếp lửa lễ hội vật cổ truyền Chi Đông

Nguyễn Cúc 14/02/2024 07:00

Lễ hội Vật truyền thống Chi Đông diễn ra vào rằm tháng Giêng hàng năm chính là “ngọn lửa thiêng” nuôi dưỡng tinh thần thượng võ của người dân thị trấn Chi Đông (Mê Linh, Hà Nội). Mùa Xuân Giáp Thìn sẽ càng đặc biệt hơn nữa với người dân nơi đây khi Câu lạc bộ Vật Chi Đông chính thức thành lập, ươm mầm nhân tài cho quê hương.

Tự hào địa linh nhân kiệt

Khi những cánh bích đào e ấp đợi xuân sang cũng là lúc người dân “đất võ” Chi Đông (Mê Linh, Hà Nội) háo hức mong chờ được sống lại không khí hào hùng của dân tộc trong Lễ hội Vật cổ truyền rằm tháng Giêng. Có lẽ người dân Chi Đông còn nóng lòng hơn nữa, bởi sau 4 năm dịch bệnh, lễ hội vật năm nay sẽ rộn ràng gấp bội.

Lễ hội vật cổ truyền Chi Đông đã trải qua hàng trăm năm lịch sử, cùng thời Lễ hội truyền thống nhà Lê - Tây Sơn (1786).

Tương truyền vùng đất Chi Đông khi xưa có địa thế bằng phẳng, rộng rãi nên được quan quân nhà Trần trưng dụng làm nơi luyện tập võ thuật của quân lính triều đình.

Đây cũng là quê hương sản sinh ra những nhân tài trí dũng song toàn như Thượng Thư Nguyễn Đình Mỹ (triều vua Lê Thái Tông).

Thế nhưng, Lễ hội Vật cổ truyền Chi Đông lại được tổ chức không vì mục đích “tuyển binh, chọn tướng” cho triều đình phong kiến bấy giờ mà thật sự là một lễ hội để các võ sĩ, trai tráng trong làng có cơ hội tranh tài, đấu trí vui Xuân.

Dẫu là quanh năm bận rộn đồng áng hay bươn chải tứ phương, những trạng vật Chi Đông vẫn luôn rèn luyện sức khỏe cường tráng. Không ai biết họ tập luyện khi nào nhưng mỗi khi xung trận, mỗi trạng vật đều có cho mình “miếng” độc đáo để quật ngã đối thủ. Người chiến thắng trên các sới vật tại lễ hội không chỉ là người khỏe nhất, mà còn phải thông minh nhất.

Chia sẻ với PV Báo Công lý, ông Lưu Văn Chí, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chi Đông, cho biết: Tiếp nối tinh thần thượng võ từ cha ông, chính quyền địa phương luôn thúc đẩy và phát triển phong trào võ vật truyền thống đến đông đảo nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Song song với việc thường xuyên truyền dạy võ vật, lễ hội vật truyền thống Chi Đông được tổ chức rằm tháng Giêng hàng năm chính là “ngọn lửa thiêng” nuôi dưỡng tinh thần thượng võ của người dân.

a4.jpeg
Thượng tá Nguyễn Quang Long - HLV trưởng Đội vật Trung tâm thể thao quân đội.

Chính tinh thần mạnh mẽ ấy đã kéo những người con Chi Đông sinh sống, làm ăn xa xứ về với võ vật truyền thống. “Họ yêu võ vật, dành tâm huyết và tài lực khơi dậy phong trào võ vật của quê hương Chi Đông anh hùng. Từ đó, nhiều lớp đào tạo võ vật ngắn hạn trong dịp hè đã được tổ chức, tạo sân chơi và cơ hội cho các bạn thanh thiếu niên tìm hiểu, luyện tập môn vật truyền thống dân tộc”, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chi Đông tự hào chia sẻ.

“Tiếp lửa” truyền thống

Xuân Giáp Thìn 2024 sẽ là dấu son với võ vật Chi Đông bởi mới đây, Câu lạc bộ Vật truyền thống Chi Đông (CLB Vật Chi Đông) đã chính thức được thành lập.

Trong buổi lễ ra mắt, ông Lưu Văn Tám - Chủ nhiệm CLB Vật Chi Đông chia sẻ: “Trải qua bao biến cố lịch sử, khó tránh khỏi việc phong trào vật Chi Đông có phần mai một. Song, tình yêu vật, niềm đam mê với bộ môn vật chưa bao giờ mất đi trong lòng mỗi người con Chi Đông. Với tâm tư, mong mỏi giữ gìn và khơi dậy lại phong trào, truyền thống vật của quê hương, chúng tôi quyết tâm chung sức, đồng lòng xây dựng lại võ vật truyền thống”.

Với mục tiêu giữ gìn và khôi phục lại môn võ vật truyền thống, Ban chủ nhiệm CLB Vật Chi Đông đã đề ra quy chế hoạt động rõ ràng. Theo đó, CLB tuân thủ theo đúng pháp luật nhà nước, quy định, hương ước của địa phương; đảm bảo hỗ trợ, bổ sung kiến thức về nội dung vật cho thành viên mới để mọi thành viên của CLB có thể giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau; tạo một môi trường hoạt động thuận lợi để các thành viên đều có điều kiện phát huy thế mạnh của mình, từ đó xây dựng CLB Vật Chi Đông ngày càng vững mạnh, thật sự trở thành “điểm sáng” của địa phương.

vat_chi_dong.jpg

Vượt qua khó khăn, được sự ủng hộ của nhân dân và chính quyền địa phương, đặc biệt là Trung tâm thể thao quân đội, bước đầu CLB Vật Chi Đông đã có một “hạt giống” trẻ được tuyển chọn vào học tập, huấn luyện, tại Trung tâm huấn luyện thể thao quân đội.

Thượng tá Nguyễn Quang Long, HLV trưởng Đội vật Trung tâm thể thao quân đội, cho biết: “Chi Đông là vùng đất có truyền thống về môn vật. Sau thời gian có phần mai một, chúng tôi đã trở lại, tuyển chọn vận động viên vật cho Trung tâm thể thao quân đội và được chính quyền địa phương cùng bà con hết sức tạo điều kiện.

Hiện nay, chúng tôi đã chính thức mở lớp năng khiếu môn vật tại thị trấn Chi Đông. Thời gian đầu, Trung tâm sẽ hỗ trợ các học viên về trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ tập luyện. Trong tương lai, khi Câu lạc bộ Vật truyền thống Chi Đông lớn mạnh, cơ sở vật chất sẽ được nâng cao, điều kiện luyện tập sẽ tốt hơn”.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chi Đông cũng bày tỏ kỳ vọng thời gian tới Ban chủ nhiệm CLB Vật Chi Đông sẽ có kế hoạch phát triển hội viên tham gia tập luyện môn vật truyền thống trên tinh thần “Đoàn kết, tâm huyết, trách nhiệm, tích cực”; cùng với đó, phối hợp với các câu lạc bộ thể thao khác trên địa bàn để xây dựng tổ chức các hoạt động phong trào tập luyện thể dục thể thao, huy động được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia.

Theo chia sẻ của chính quyền địa phương, Lễ hội vật cổ truyền Chi Đông ngày nay ít nhiều thay đổi nhưng vẫn giữ “hồn cốt” lịch sử. Cứ đúng ngày rằm tháng Giêng, các cụ cao niên trong làng sẽ cử hành phần Lễ bằng nghi thức vái tạ Thành Hoàng tại di tích lịch sử Văn hóa Đền - Chùa Chi Đông. Sau đó phần hội sẽ chính thức được bắt đầu.

Hàng trăm năm nay, Hội vật làng Chi Đông vẫn áp dụng nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc - phải đánh ngã đối thủ ở tư thế “lấm lưng trắng bụng”, giữ hoặc đè được đối thủ trong vòng 3 giây mới tính là thắng.

Theo đúng tinh thần thượng võ, không coi trọng thắng thua, tất cả những đòn nguy hiểm như bẻ, vặn khóa trái khớp, tấn công vào hạ bộ, yết hầu, mắt... hoàn toàn bị cấm tại Lễ hội vật cổ truyền Chi Đông. Và, phần thưởng không chỉ dành cho người thắng cuộc mà bất cứ trạng vật nào tham gia cũng đều có quà mang về.

Trong tiếng trống vật rộn ràng, tiếng tung hô cổ vũ từ người dân, tất cả như được sống lại không khí hào hùng của Hội Vật cổ truyền Chi Đông hàng trăm năm về trước.

Qua bao thăng trầm lịch sử, tình yêu với võ vật truyền thống đã được người dân nơi đây nuôi dưỡng, thật sự trở thành máu thịt, hồn cốt của mỗi người dân Chi Đông. Để rồi tới nay, một lần nữa phong trào vật Chi Đông lại được khơi dậy, những “hạt giống” quý cống hiến cho thể thao nước nhà được ươm mầm, là sức sống mới, kỳ vọng mới của một vùng đất địa linh nhân kiệt.

Nguyễn Cúc