Văn hóa - Du lịch

Danh họa tuổi Thìn, rạng danh đất Việt

Minh Hoàng 10/02/2024 17:15

Không chỉ những người con làng quê Hà Tĩnh, mà bất cứ ai yêu hội hoạ đều yêu mến và cảm phục tài năng của danh hoạ Nguyễn Phan Chánh, một trong những đại diện xuất sắc nhất của nền mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX, người xây nền móng cho tranh lụa Việt Nam hiện đại.

Trong cuộc đời làm nghệ thuật, ông để lại hơn 170 tác phẩm. Ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật đợt I (năm 1996).

Rạng danh nền hội họa Việt Nam

Hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh (tuổi Nhâm Thìn, 1892-1984), là danh họa, bậc thầy của hội họa lụa Việt Nam. Ông sinh tại thôn Tiền Bạt, xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà nay là phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

Đánh giá về tài năng hội họa của Nguyễn Phan Chánh, họa sỹ Trịnh Cung cho rằng: “Ông là người đã tạo ra một diện mạo tranh lụa Việt Nam không lẫn vào bất kỳ một phong cách nào đối với các nước có nền tranh lụa lớn nhất thế giới như Trung Hoa và Nhật Bản. Trong sáng tạo nghệ thuật, ông đã tạo dựng một phong cách riêng, hay hơn thế nữa là một trường phái, là điều hiếm hoi. Nguyễn Phan Chánh là một hiện tượng xuất chúng của hội họa Việt Nam, cũng như Nguyễn Gia Trí với sơn mài”.

nguyen-phan-chanh.jpg
Tác phẩm "Thợ nhuộm" của danh họa Nguyễn Phan Chánh, được nhà đấu giá Christie’s định giá từ 2-3 triệu đô la Hồng Kông. (Ảnh: Christie’s HongKong)

Năm 1929, khi đang là sinh viên Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Nguyễn Phan Chánh tham dự cuộc thi vẽ mẫu tem của Bưu chính Đông Dương và bức tranh ông vẽ một người nông dân quần xắn tới đầu gối đang lom khom cấy lúa đã giành giải Nhất. Tiền thưởng cuộc thi khá lớn: 90 đồng Đông Dương.

Theo thời giá bấy giờ, với số tiền này, người ta có thể mua được hơn 3 tấn gạo. Sau cuộc triển lãm ở Paris năm 1931, tranh lụa Nguyễn Phan Chánh đã gần như trở thành một thứ “hàng hiệu” với giới sưu tập tranh phương Tây. Với một họa sĩ, tranh vẽ xong đã có người hỏi mua ngay (mà lại trả giá cao) hiển nhiên là một niềm vui, nếu không nói là đáng tự hào.

Ngắm nhìn tranh của ông, người ta cảm thấy sự nhẹ nhàng, bay bổng, trầm ấm nhưng vô cùng thanh thoát. Cái tài của danh họa còn được thể hiện ở không gian nửa hư, nửa thực khiến cho người xem cảm giác “lạc lối” trong các tác phẩm.

Cả một đời, ông là người chăm chỉ, bình dị và yêu cuộc sống. Tài năng bẩm sinh về hội hoạ không chỉ nâng đỡ tinh thần ông mà còn trực tiếp giúp ông kiếm kế sinh nhai. Những nét vẽ tài hoa của ông đã để lại cho hậu thế một dòng tranh lụa dạt dào thấm đẫm tính dân tộc.

Những tác phẩm thấm đẫm hồn dân tộc

Cho dù là một họa sĩ được đào tạo bài bản theo chương trình của châu Âu nhưng tâm hồn Việt và tính cách Việt trong con người Nguyễn Phan Chánh không bị "đồng hoá". Nguyễn Phan Chánh tiếp nhận ảnh hưởng ở nghệ thuật tạo hình phương Tây khi xây dựng tác phẩm của mình nhưng nội dung của tác phẩm vẫn thấm đượm tinh thần phương Đông.

Nông thôn Việt Nam là mảng đề tài lớn, bảo lưu nhiều hơn cả những tinh hoa của dân tộc thể hiện qua những nét sinh hoạt, những tập tục và cảnh trí thiên nhiên. Phương thức chọn nhân vật của Nguyễn Phan Chánh là một lối thể hiện tính cách của ông. Ông thường tập trung vẽ phụ nữ, trẻ em với những cảnh sinh hoạt thường nhật của nông thôn Việt Nam... Đó chính là mảng đề tài được thể hiện xuyên suốt các tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh những năm 1930 đến 1945.

"Chơi ô ăn quan", "Em bé cho chim ăn", "Đi cày", "Đi cấy", "Rửa rau cầu ao", "Lên đồng", "Trốn tìm", "Chim sổ lồng", "Chị em đùa cá"... là những tác phẩm nổi tiếng, sống mãi với thời gian, được sáng tác trong thời kỳ này.

Tranh của ông chứa đựng sự sung mãn và biến ảo trong từng nét vẽ. Ông đặc biệt chú ý đến cách làm dịu tan hình thể trên nền phẳng, tạo ra sức khái quát cao. Tranh của Nguyễn Phan Chánh thường sử dụng các màu: nâu, đen, trắng vỏ trứng, xám, đỏ bã trầu... Nghệ thuật sử dụng màu sắc trong tranh ông điêu luyện đến độ tạo cảm giác như có sự chuyển động giữa đối tượng và nền, ngăn bởi những nét buông mảnh và dịu.

kiet-tac-nguyen-phan-chanh-13_resize1.jpg
“Bữa cơm ngày mùa thắng lợi”. Chất liệu: Tranh lụa.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, từ năm 1945 đến năm 1954, Nguyễn Phan Chánh tạm thời xa những tấm lụa thân yêu của mình, vì trong vùng kháng chiến nơi họa sĩ ở bấy giờ, không có lụa dùng cho tranh. Với tinh thần kháng chiến cứu nước và nghệ thuật vẽ tranh dân gian, Nguyễn Phan Chánh đã vẽ tranh cổ động và áp phích về đề tài chống thực dân.

Sau hiệp định Giơnevơ, Nguyễn Phan Chánh trở về Hà Nội, trở về với những vuông lụa. Những năm tháng sau ngày Hà Nội được tiếp quản, Nguyễn Phan Chánh liên tục sáng tác, với số lượng tranh gấp nhiều lần những năm đầu sáng tác. Tranh của ông sau này xuất hiện nhiều nhân vật hơn, màu sắc được nới rộng và sáng hơn. Các màu xanh lục tươi, xanh lam tươi, đỏ tươi xuất hiện.

Hình ảnh những người nông dân trong tranh của ông được nhìn từ góc độ mới với một thế giới quan mới. Từ năm 1955 đến những năm 1970 sau này, bút pháp tả thực của Nguyễn Phan Chánh được trang bị thêm những nguyên lý của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. “Trăng tỏ”, “Trăng lu”, “Chiều về tắm cho con”, “Sau giờ trực chiến”, “Đi chống hạn”, “Đan mây”, “Bữa cơm mùa thắng lợi”,… là những tác phẩm được ông sáng tác trong thời kỳ này.

o_an_quan.jpg
Tác phẩm “Chơi ô ăn quan” được vẽ năm 1931

Đến nay, khi ông đã “theo mây trắng về trời” nhưng tính cách và con người chất phác, hồn hậu của ông vẫn in sâu trong trái tim những người sống quanh ông, những người đã từng tiếp xúc với ông. Những đứa trẻ đã từng sống tại ngôi nhà 65 phố Nguyễn Thái Học trước đây - nay có người lên ông, lên bà - vẫn in đậm trong tâm khảm hình ảnh người họa sĩ quắc thước Nguyễn Phan Chánh thường đùa vui cùng đám trẻ trong khu tập thể.

Nhớ về cha mình, nhà văn Nguyệt Tú thường nhớ đến hình ảnh ông say sưa bên giá vẽ và quên mất thời gian để dành trọn mình cho sáng tạo nghệ thuật. Bất chợt gặp một thời khắc tạo cảm hứng cho sáng tạo nghệ thuật, Nguyễn Phan Chánh thường sống hết mình cho những thời điểm quý giá ấy.

Nhớ về một lần làm mẫu cho họa sĩ Nguyễn Phan Chánh vẽ bức “Trốn tìm”, nhà văn Nguyệt Tú kể: “Chỉ nhớ rằng, tôi đã phải ngồi đến mỏi tê cả hai chân. Thỉnh thoảng, cha tôi lại động viên: ‘Con cố gắng chút nữa thôi để cha vẽ nốt những nếp gấp của tà áo trắng con ạ’. Tôi ngoan ngoãn làm theo ý cha.

Nhìn trên bức phác thảo chì than, chỉ thấy những nét vẽ chi chít, nhưng lúc đã hoàn thành thì nét vẽ trông thật tài tình. Người xem tranh rất thích những nếp gấp màu trắng sinh động ở tà áo của cô gái ngồi trốn. Khi cha vẽ xong, chúng tôi sững sờ nhìn bức tranh, không nhận ra hai thiếu nữ trong tranh chính là mình...”.

Ngày nay, dù chúng ta chỉ còn được biết đến ông qua những câu chuyện kể và những tác phẩm để lại cho muôn đời sau, nhưng cho dù là bất cứ ai, khi đứng trước những bức họa của Nguyễn Phan Chánh, đều cảm nhận được hồn cốt của dân tộc thấm đẫm trong từng tác phẩm.

Minh Hoàng