Văn hóa - Du lịch

Mùa yêu thương của người Chơ-ro

Văn Ký - Lê Nam 13/02/2024 09:00

Rằm tháng Ba âm lịch, tiết trời se lạnh, cánh đồng bên kia con suối Sa-mách huyền thoại đã thu hoạch xong, rơm rạ vàng rượm, lúa đã được đóng kỹ trong nhà. Già, trẻ, gái trai trong làng tất bật chuẩn bị cho lễ cúng thần lúa Sa yangva - ngày lễ linh thiêng về lòng biết ơn của người Chơ- ro với vị thần mang đến sự no ấm.

Tập tục độc đáo

Lễ cúng lúa mới Sa yangva là ngày lễ quan trọng nhất của đồng bào dân tộc sống lâu đời ở rừng già Cát Tiên thuộc địa phận xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai ngày nay.

Lễ Sa yangva có vai trò như ngày Tết truyền thống của người Kinh, có ý nghĩa tinh thần quan trọng với đồng bào. Nếu ngày này, đôi trai gái gặp nhau, nên duyên thì xem như đó là ý của thần, hôn nhân càng thêm bền chặt.

Dẫn chúng tôi đi thăm nhà dài, ông Huỳnh Minh Dũng (ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) vừa đi vừa giải thích về văn hóa, tục lệ của đồng bào Chơ-ro.

Ông cũng là con dân Chơ-Ro mộc mạc, chân chất và hiếu khách, người am hiểu về văn hóa dân tộc mình và được dân làng giao trông coi nhà dài truyền thống của người Chơ-ro.

mua-yeu-thuong-cua-nguoi-cho-ro-giua-rung-cat-tien-1-.jpg
Cảnh sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Chơ-ro.

Theo tài liệu lưu giữ, người Chơ-ro là hậu duệ của cư dân cổ Môn-Khmer, là dân bản địa có lịch sử cư ngụ lâu đời ở Đông Nam bộ. Họ còn có tên gọi khác như: Chrau-Jro, trong đó Chrau có nghĩa là người hay nhóm người, đoàn người. Còn Jro là danh từ riêng chỉ cộng đồng của họ.

Họ còn được gọi bằng các danh từ có âm gần như: Chơ ro, Châu ro, Chro, Chrau, Jơ ro, Dơ ro... hay bằng một danh từ phiếm chỉ “người Thượng”, theo cách gọi của người miền Nam thời trước 1975.

Dù là dân tộc thiểu số ở phía Nam, ngày nay chỉ 147 hộ với khoảng 527 nhân khẩu nhưng Chơ-ro là đồng bào có bề sâu văn hóa, với sự phong phú nhất định so với 54 dân tộc anh em.

Không có chữ viết riêng nhưng người Chơ-ro lại có kho tàng sử thi, truyện cổ, thần thoại, truyền thuyết, dân ca, âm nhạc phong phú thông qua phương thức truyền miệng.

Nhạc cụ người Chơ-ro hay sử dụng là bộ cồng (6 chiếc), bộ chiêng (7 chiếc), đàn tre, kèn môi, kèn lúa... Những nhạc cụ này được lưu giữ qua các thế hệ để phục vụ lễ, hội truyền thống cũng như được đưa ra giải trí ở những buổi sinh hoạt cộng đồng của đồng bào.

Sống giữa rừng già, người Chơ-ro có mối quan hệ mật thiết với tự nhiên như sông, suối, núi, rừng… nên trong tín ngưỡng, đồng bào tin mọi vật đều có linh hồn và tin vào sự chi phối con người của các thần linh. Đó chính là nguyên nhân của các kiêng kỵ và lễ cúng tế.

Trong đời sống tinh thần của đồng bào, Thần lúa có vai trò quan trọng nhất. Do đó, từ xa xưa, đồng bào hình thành tục thờ cúng lúa và ngày lễ cúng lúa mới Sa yangva còn lưu giữ tới ngày nay.

Từ rằm tháng ba âm lịch, đồng bào Chơ-ro họp lại xem tiết trời, lựa ngày nắng khô để đốt rẫy, chuẩn bị trỉa hạt mùa tới, đó cũng là thời điểm thể hiện sự tôn kính với thần lúa Yang va thông qua là lễ hội Sa yangva.

mua-yeu-thuong-cua-nguoi-cho-ro-giua-rung-cat-tien-3-(2).jpg
Cảnh sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Chơ-ro.

Trước ngày cúng, Già làng, người có uy tín nhất đứng ra làm một mâm cúng để mời thần về ăn với con cháu. Lễ vật gồm nhang, hai con gà luộc đặt ở chòi lúa; hai con gà luộc dành để cúng ông bà, một con gà luộc để ở rẫy trỉa lúa cùng với rượu, trầu cau, bánh trái... người ta lấy hai cây tre non cao từ 2 đến 3m chẻ nhỏ ngọn làm sáu bông xòe ra, chính giữa cây tre cắm chùm gai mây tượng trưng cho bông lúa.

Hai cây tre được chôn trước nhà, mỗi bông xòe ra gài một chén cơm nhỏ. Trên cây tre có nhánh trang trí hình vuông lớn với hoa văn đặc trưng. Còn ché rượu cần được bày ở gốc cây tre, mời thầy chang hoặc bà bóng (thầy cúng ở bản làng xưa) đến cúng. Sau lời khấn vái, thầy chang vảy ít gạo lên bàn thờ.

Ba lượt lễ kết thúc, làm tiệc đãi khách đến hết ngày hôm sau. Người phụ nữ lớn tuổi nhất làng chịu trách nhiệm cai quản chòi lúa, bà uống ly rượu đầu tiên vì bà tiêu biểu cho sự cai quản, chăm sóc nhà dài, nương rẫy, chịu đựng nhiều lo lắng với cộng đồng. Tập tục này cho thấy sự hiện diện chế độ mẫu hệ của đồng bào Chơ-ro.

Cúng xong, mọi người ăn uống, hò hát, nhảy múa theo tiếng cồng chiêng với tiết tấu và nhịp điệu khác nhau. Ché rượu cần được châm nước đầy, miệng ché được đặt một con cò tre làm cữ, cắm vòi hút.

Ché rượu cần người Chơ-ro được thanh niên đi rừng lấy về, người già kỳ công ướp nhiều tháng trước. Ngày lễ, già, trẻ, gái trai cùng chia nhau uống. Rượu cần cay nồng, thơm lừng mùi hương của rễ, cây và lá của núi rừng già Cát Tiên.

Nơi tình yêu bắt đầu

Lễ hội cũng chính là nơi cho các đôi trai gái gặp gỡ và tìm hiểu nhau. Nếu nên duyên, là sự linh thiêng của thần đã tác hợp, họ tin vì thế hôn nhân càng bền chặt. Thanh niên Chơ-ro lớn lên được tự do tìm hiểu, bày tỏ tình cảm qua những lần gặp gỡ, tiếp xúc.

Khi chọn dâu, rể, các bậc cha mẹ thường đánh giá vào năng lực làm việc, sức khỏe và đức hạnh. Muốn chọn rể, họ xem công cụ của người con trai như chà gạc, gùi, dao... có bền, chặt có bén hay không. Chọn dâu họ xem nhà bếp có ngăn nắp hay cẩu thả, đặc biệt xem cô gái có bị cộng đồng lên tiếng dèm pha hay không.

Khi đôi trai gái ưng thuận nhau, chàng trai về thưa chuyện với cha mẹ, nếu được chấp thuận thì nhà trai nhờ một người trong họ hàng gần, đứng tuổi đi dạm hỏi. Khi đến nhà gái, chàng trai mặc chiếc khố tua đỏ, tay đeo nhiều vòng đồng, tóc cài lược sừng trâu, búi tóc cắm hai lông chim trắng dài.

mua-yeu-thuong-cua-nguoi-cho-ro-giua-rung-cat-tien-2-(2).jpg
Nhà dài của người Chơ-ro.

Đến trước nhà gái, chàng trai cắm mũi lao xuống đất, vai vẫn vác chà gạc, lưng đeo dao. Khi họ hàng nhà gái ra đón, chàng trai trình bày mục đích nếu được thuận tình chàng trai rút dao bước vào nhà, đến khấn trước các bàn thờ Yang và dắt dao lên mái nhà để đó 7 ngày.

Hai gia đình vui mừng tiệc tùng, uống rượu cần vui vẻ. Rượu xong, nhà trai đi về, chàng trai ở lại nhà gái tham gia làm lụng ở đây như một thành viên trong gia đình. Tuy ở lại, nhưng người con trai không được ngủ chung trong nhà mà phải làm một túp lều ở ngoài vườn để sống với nhau.

Cưới, cô gái đeo trang sức rất đẹp với nhiều chuỗi vòng, chuỗi hạt cườm hoặc vỏ ốc, tóc có lược gài và dao cán sừng. Váy có trang trí hoa văn tinh tế, có nhiều tua đỏ. Hầu hết, mỗi thiếu nữ Chơ-ro chọn hay tự dệt cho mình một chiếc váy thật đẹp mặc trong những ngày trọng đại.

Người Chơ-ro sống theo chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Họ không lấy vợ cùng họ tộc nhưng được phép hôn nhân chéo con cô con cậu (không cùng huyết thống). Trong tập tục cổ của người Chơ-ro còn có tục hôn nhân “nối dây”, tức người chồng hoặc vợ vì nguyên nhân nào chết trước thì trong gia đình các thành viên được kết nối sống chung thay thế nhưng sự tiến bộ của xã hội đã xóa bỏ tục này.

Ngoại tình là một hình thức vi phạm bị xem là phạm luật tục bị phạt nặng do dòng họ, gia đình hay làng phân xử. Thường số lễ vật bị phạt rất nặng nhằm đề cao sự chung thủy cho các đôi vợ chồng.

Ông Huỳnh Minh Dũng, người giữ nhà dài Chơ-ro bên con suối Sa-mách trầm tư cho biết, theo thời gian, sự du nhập văn hóa, nhiều tập tục đặc sắc của đồng bào bị mai một.

Tuy nhiên, những nét đẹp nhân văn vẫn được những người lớn tuổi gìn giữ truyền lại cho các thế hệ trẻ ngày nay. Một trong những nét đẹp đó là lễ cúng lúa mới, lễ của sự tôn kính, lòng biết ơn của đồng bào Chơ-ro với vị thần cho sự no đủ giữa rừng già Cát Tiên diễn ra vào tháng Ba (Âm lịch) hàng năm.

Văn Ký - Lê Nam