Văn hóa - Du lịch

Độc đáo lễ hội mừng cơm mới

Trần Cường 12/02/2024 17:45

Mong muốn về sự no đủ, những vụ mùa bội thu đảm bảo cuộc sống ấm no và hạnh phúc, người Bru - Vân Kiều ở xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) thường có nghi thức tâm linh để bà con tạ ơn trời đất gọi là “Lễ hội mừng cơm mới”.

Đây cũng là dịp những người đồng bào nơi đây thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng qua những trò chơi dân gian, những nghi lễ cũng như các làn điệu dân ca mà người con nơi đây thể hiện.

Nghi lễ tạ “thần lúa” với mong ước đủ đầy

Lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình là hoạt động văn hóa đặc sắc được đồng bào gìn giữ và duy trì trong cộng đồng từ xưa đến nay.

Lễ hội mừng cơm mới của người Bru - Vân Kiều nơi đây thường được tổ chức vào trung tuần của tháng 10 Âm lịch hằng năm. Mục đích của lễ hội để cám ơn các vị thần linh đã cho dân làng một mùa màng bội thu. Đồng thời cũng là dịp để cầu phúc, cầu sức khỏe cho dân làng được an bình, hạnh phúc.

Trong tín ngưỡng của người Bru - Vân Kiều, bà con nơi đây luôn coi “thần lúa” là vị thần quan trọng nhất. Bởi tại vùng đất này, từ xưa đến nay cây lúa luôn gắn kết với đời sống của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều trên dãy Trường Sơn.

Thần lúa là vị thần mang lại ấm no, hạnh phúc cho bà con dân tộc Bru - Vân Kiều. Bên cạnh đó, từ thực tế cuộc sống gắn với núi rừng, nương rẫy, điều kiện canh tác khó khăn, nên người Bru - Vân Kiều luôn mong ước về sự no đủ. Vì vậy, các nghi lễ liên quan đến hoạt động sản xuất như phát đốt cốt, trỉa, tuốt lúa và cất giữ lúa, trỉa lúa, lễ mừng cơm mới... luôn được bà con người Bru - Vân Kiều xem trọng.

le-hoi-mung-com-moi-cua-nguoi-bru-van-kieu-1-.jpg
Khi vào lễ, dân bản đứng xung quanh thành vòng tròn đi lại đánh chiêng, phèng la và thể hiện những động tác làm mùa...

Người Bru - Vân Kiều chuẩn bị lễ vật cho Lễ hội mừng cơm mới rất chu đáo. Gần đến ngày Lễ, những người phụ nữ Vân Kiều cùng nhau đi gùi củi, lấy nước, cắt lá dong, lấy rau củ trên rừng trên nương để chuẩn bị vật phẩm phục vụ Lễ cúng mừng cơm mới. Trong khi đó, những người đàn ông thì cầm cung, nỏ, ná, đeo nơm lên rừng xuống suối để tìm kiếm con cá suối, con cua khe, chút mật ong rừng và các sản vật khác từ rừng mang lại.

Còn lúa nếp sau khi tuốt từ nương rẫy đem về nhà sẽ được để ít nhất 3 ngày mới đem giã. Trong 3 ngày đó, hạt lúa được bà con đem phơi khô, sảy, làm sạch, chọn lọc những hạt lúa chắc mẩy nhất đem cất vào kho.

Sau khi lúa đã được phơi khô, làm sạch, bà con cho vào cối lớn bằng gỗ để giã. Với đôi bàn tay khéo léo nhưng cũng không kém phần mạnh khỏe, những người phụ nữ Bru - Vân Kiều đã tạo ra thành phẩm là những mẹt, nong gạo nếp trắng trẻo, thơm nồng.

Ngày hội đoàn kết cộng đồng

Lễ hội mừng cơm mới của người Bru - Vân Kiều ở xã Ngân Thủy được tổ chức trên quy mô cộng đồng, do đồng bào tự đóng góp lại. Chuẩn bị tổ chức lễ, những già làng, trưởng bản, người uy tín trong đồng bào Bru - Vân Kiều thì chuẩn bị dựng cột nêu hình cây lúa.

Trên cây nêu có buộc túm những cây lúa sai hạt vào cột. Cột nêu được trang trí hình chim muông, mặt trăng, mặt trời với các đường nét đơn giản nhưng thanh thoát.

Đồng bào thường sử dụng 2 màu đen đỏ để trang trí. Khi vào lễ, dân bản đứng xung quanh thành vòng tròn đi lại đánh chiêng, phèng la và thể hiện những động tác làm mùa...

le-hoi-mung-com-moi-cua-nguoi-bru-van-kieu-2-.jpg
Tại buổi lễ, đồng bào tham gia thực hiện các nghi lễ, các trò chơi dân gian và thực hành, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Lễ hội thường được tổ chức theo nhóm, hay từng dòng họ. Mỗi dòng họ đóng góp theo suất của từng hộ gia đình... Các suất được quy định như cùng góp con lợn, con gà, ché rượu và nhiều sản vật, bánh trái khác.

Điều bắt buộc tại lễ hội mừng cơm mới của người Bru - Vân Kiều ở xã Ngân Thủy phải có một dĩa cơm nếp mới do chính gia đình, dòng họ làm ra. Cùng với đó là các ống cơm nếp trắng và cơm nếp than đựng trong ống lồ ô nướng trên bếp than.

Trên mâm lễ còn có bát nước trong và những bông hoa được làm từ cây tre tượng trưng cho những bông lúa để cúng Giàng. Lễ vật còn có thịt của một con vật 4 chân (bò, dê, hoặc lợn) và ché rượu cần được ủ lâu năm.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy cho biết, hiện tại địa phương đã có những cánh đồng lúa nước do Bộ đội biên phòng Quảng Bình triển khai, giúp người dân chủ động nguồn lương thực, không còn lo đói như trước.

Xưa kia, bà con thường áp dụng tập quán sản xuất cũ theo kiểu chặt, đốt, cốt, trỉa của bà con nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Giờ đây đã đủ đầy nhưng bà con nơi đây luôn luôn gìn giữ những nét văn hóa truyền thống trong đó thường xuyên tổ chức lễ hội mừng cơm mới của người Bru - Vân Kiều.

le-hoi-mung-com-moi-cua-nguoi-bru-van-kieu-3-.jpg
Lễ hội mừng cơm mới của người Bru - Vân Kiều thường được tổ chức theo nhóm, hay từng dòng họ.

Tại buổi lễ, đồng bào tham gia thực hiện các nghi lễ, các trò chơi dân gian và thực hành, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Các cụ già uống rượu và hát các làn điệu dân ca truyền thống cầu chúc cho cuộc sống an bình, khoẻ mạnh như o oát, si nớt, hát chà chấp. Một số đánh chiêng, thổi khèn, thổi sáo, kèn pi, sáo khsui, kèn amam, ta riêm, đàn achung, pư kua...

Sau khi hát những làn điệu dân ca, vui những trò chơi truyền thống, người Bru - Vân Kiều cùng nhau quây quần bên những mâm cỗ với những món ăn dân dã. Trong bữa cơm mới đầm ấm, sum vầy, sau những lời chúc sức khỏe là những câu chuyện, lời nhắn nhủ của trưởng họ, các già làng về một vụ mùa bội thu, mưa thuận gió hòa.

Lễ hội mừng cơm mới của người Bru - Vân Kiều ở xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia vào tháng 3/2023. Thế nên, công tác bảo tồn và phát triển lễ hội mừng cơm mới của người Bru - Vân Kiều là hình thức giúp đồng bào ở địa phương phát triển du lịch văn hóa cộng đồng.

Với hình thức lấy giá trị văn hóa cốt yếu của bà con Bru - Vân Kiều làm trọng tâm để vừa gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vừa góp phần nâng cao đời sống của bà con ở nơi đại ngàn Trường Sơn.

Trần Cường