Định Yên mùa chiếu Tết
Hàng trăm năm qua, bao thế hệ người dân làng Định Yên vẫn miệt mài bên khung dệt để tạo nên những chiếc chiếu mịn màng, bền chắc, rực rỡ sắc màu. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, làng nghề dệt chiếu Định Yên lại rộn ràng, tất bật chuẩn bị hàng hóa để cung ứng cho thị trường…
Làng chiếu trăm năm
Làng Định Yên nằm ở cạnh sông Hậu, thuộc xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp với nghề dệt chiếu nổi tiếng cách đây hơn một trăm năm.
Lúc nào cũng vậy, hễ ai vừa tới đầu làng chiếu Định Yên sẽ cảm nhận được không khí rộn rã được tạo nên bởi âm thanh lạch cạch đặc trưng của những khung dệt.
Nghề dệt chiếu được truyền nghề trong các hộ gia đình, từ những người có kinh nghiệm hướng dẫn cho con, cháu. Từ người già cho đến người trẻ, kể cả những em mới chín, mười tuổi ở Định Yên cũng biết dệt chiếu.
Dù không cho thu nhập cao nhưng nghề dệt chiếu đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương. Hiện tại xã Định Yên có khoảng 700-800 hộ tham gia các hoạt động liên quan đến nghề dệt chiếu, trong đó có 431 hộ chuyên làm nghề.
Hằng năm, làng nghề sản xuất và cung cấp ra thị trường gần 2 triệu chiếc chiếu các loại như chiếu vảy ốc, chiếu bông, chiếu con cờ, chiếu trắng, chiếu cổ…
Khi nhắc đến làng chiếu Định Yên là phải nhắc đến “chợ ma” ở nơi đây. Nhìn từ phía xa, trong ánh sáng lập lòe của những ánh đuốc, bóng người qua lại trong màn đêm giống như những bóng ma.
Nếu trên bờ có rừng chiếu đầy màu sắc rực rỡ chen nhau dưới ánh đuốc thì dưới bến, ghe, xuồng của cả trăm người buôn chiếu từ các tỉnh đến chọn hàng cũng kề nhau san sát.
Thông thường, mỗi người buôn chiếu đậu ghe tại bến sông vài đêm, mua chừng 500-1.000 chiếc là nhổ neo, đi bỏ mối hoặc bán lẻ khắp vùng sông nước Cửu Long, còn người bán chiếu bán xong chiếu thì trở về tiếp tục công việc hàng ngày.
Giờ đây khi đến với làng chiếu Định Yên, chúng ta không còn thấy không khí nhộn nhịp của “chợ ma” ngày nào. Do hệ thống giao thông đã được đầu tư khá hoàn chỉnh, các phương tiện chuyên chở có thể đi sâu vào tận thôn, xóm để thu mua trực tiếp sản phẩm một cách nhanh chóng và thuận tiện.
Tuy thế, nét văn hóa của “chợ ma” ngày xưa vẫn còn sống mãi trong tâm thức của những người dân Định Yên cũng như những du khách đã được tham gia phiên “chợ ma” dù chỉ một lần trong cuộc đời.
Nghề dệt chiếu đã nuôi sống biết bao gia đình, là nghề gắn bó với tên làng, tên đất. Vì lẽ đó, người dân làng chiếu Định Yên ai cũng xem nghề dệt chiếu như một trách nhiệm cần phải gắn bó.
Trải qua nhiều biến động, có những lúc tưởng chừng làng nghề dệt chiếu đã hoàn toàn biến mất. Nhưng chính lòng yêu nghề và sự quyết tâm bám trụ với cái nghề cha ông truyền lại, những nghệ nhân nơi đây đã không ngừng đổi mới và sáng tạo để nét đẹp văn hóa của làng nghề trăm năm tuổi được lưu giữ.
Nhộn nhịp đón xuân
Vào dịp cận Tết, bến lác ở chợ Định Yên cũng thêm phần nhộn nhịp hơn, những bó lác tươi được chuyển đi liên tục để bà con chuẩn bị vụ chiếu Tết.
Còn ở làng chiếu, mấy ngày nay không khí làm chiếu càng hối hả, khắp các đường làng ngõ xóm xã Định Yên lúc nào cũng mặc "áo mới" khi những bó lác phủ kín ven đường và rộn rã âm thanh phát ra từ những khung dệt thô sơ bằng gỗ và những chiếc máy dệt chiếu tự động.
Từ trong nhà ra ngoài ngõ giăng đầy những sợi lác đã nhuộm màu xanh, đỏ, vàng, tím, cảm nhận được mùi lác thơm nồng hương nắng. Xa xa là hình ảnh những bác, những cô đang hối hả lựa lác, nhuộm lác, phơi lác tạo nên một bức tranh sinh động đầy sắc màu của làng nghề đang trở lại thời kỳ vàng son.
Đây là thời điểm mua sắm hàng hóa của người dân tăng cao, mọi người đang tất bật tạo ra những sản phẩm chất lượng để kịp cung ứng cho những chuyến hàng cuối năm, phục vụ tiêu dùng dịp xuân về.
Để kịp chuẩn bị cho những đơn hàng Tết thì những cơ sở ở làng nghề đã tất bật sản xuất từ khoảng 2 tháng trước. Theo các chủ cơ sở dệt chiếu ở xã Định Yên, nghề dệt chiếu đòi hỏi sự tỉ mỉ và có những bí quyết riêng để tạo ra những sản phẩm bền, đẹp. Nếu như chiếu Định Yên trước đây được dệt thủ công bằng tay thì ngày nay hầu hết đã được dệt bằng máy, do đó sản phẩm đa dạng hơn về hoa văn và màu sắc…
Đang ngồi dệt chiếu trên khung dệt thủ công truyền thống, cẩn thận thổi hồn vào từng thước chiếu, bà Nguyễn Thị Kim Loan (xã Định An) với 50 năm gắn bó với nghề, chia sẻ: "Tôi không biết nghề dệt chiếu có từ bao giờ, chỉ biết đời cha mẹ, ông bà nội ngoại đều làm chiếu rồi truyền lại. Con gái trong làng nghề lớn lên mà không biết dệt chiếu là chuyện lạ. Trẻ con còn nhỏ, đi học một buổi, một buổi phụ cha mẹ phơi lác, chùi lác thành thục; Đàn ông thì làm việc nặng dập khung; Phụ nữ chọn lác, phơi, nhuộm, chọn màu...".
Nghề dệt chiếu không quá khó, nhưng lại khá vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn như cắt, phơi, nhuộm và dệt. Trước tiên phải chọn những sợi lác đều nhau, sau đó mang phơi nắng từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ trước khi nhuộm màu trong nước đun sôi.
Bí quyết để màu nhuộm khó phai là phải nấu phẩm màu lên rồi nhúng từng chùm lác nhỏ vào, cấp độ màu sắc đậm nhạt tùy thuộc vào số lần nhúng lác trong phẩm nhuộm đã nấu. Cùng với đó, số lượng lác nhuộm mỗi lần chỉ đủ vừa phải để màu nhuộm đều, lên màu chuẩn. Sau đó, lác tiếp tục được mang phơi nắng trước khi dệt.
Khi dệt chiếu thủ công, cần hai người cùng làm, thông thường khi căng đai xong thì người thợ chính sẽ ngồi lên khung, người thứ hai luồn từng sợi lác vào khuôn và người thợ chính sẽ dùng sức lực dập mạnh vào lác để kết chặt lác vào nhau. Động tác dập phải dứt khoát, đủ độ mạnh để lác thẳng hàng, không xếp chồng lên nhau dẫn đến gãy lọn.
Hiện nay, làng chiếu đã có các Hợp tác xã và các tổ hợp sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho bà con. Trung bình mỗi tháng, một cơ sở sẽ sản xuất được hàng trăm chiếc chiếu.
Chiếu Định Yên không chỉ tiêu thụ ở các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ mà đã xuất khẩu sang các nước Campuchia, Thái Lan...
Làng chiếu giờ nhộn nhịp hơn xưa, bởi tiếng máy chạy rồ rồ cả ngày, với những loại máy dệt hiện đại, chỉ cần 1 người để xỏ lát là đủ. Năng suất từ đó cũng tăng từ 5-7 lần.
Người trẻ tiếp nối nghề truyền thống ông bà, nhờ máy móc hiện đại mà tăng năng suất gấp chục lần. Họ sản xuất chiếu bằng máy móc hiện đại, bằng dây chuyền công nghiệp với số lượng lớn, cung ứng cho thị trường đủ mẫu mã, màu sắc. Mỗi tấm chiếu có giá từ vài chục ngàn, đến hơn trăm ngàn, tùy theo độ dày mỏng, theo kích thước.
Mặc dù đã được sự hỗ trợ từ máy móc, nhưng để hoàn thành được một chiếc chiếu, một số công đoạn vẫn phải cần tỉ mỉ và sự khéo tay của những nghệ nhân, thứ mà không một máy móc nào có thể thay thế được.
Mỗi tấm chiếu đều là sự kỳ công của bao người thợ, không chỉ nhuộm màu mà còn nhuộm mồ hôi và thấm đượm tình yêu đối với nghề. Đây cũng là lý do tại sao người sành, mê dùng chiếu Định Yên, không chỉ bền đẹp mà còn mang nét đẹp văn hóa, giá trị thời gian của một làng nghề truyền thống.
Mùa xuân mới đang về, bằng đôi bàn tay tài hoa, người làm chiếu đang làm đẹp cho đời, góp cho hương xuân thêm phần tươi tắn. Sắc màu rực rỡ của làng chiếu như lời chúc may mắn đến muôn nhà, muôn người.