Phóng sinh cá chép ngày Tết ông Công, ông Táo
Đời sống - Ngày đăng : 10:40, 01/02/2016
Theo tín ngưỡng của người Việt , ngày 23 tháng Chạp là ngày mà Táo Quân cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo chuyện bếp núc và mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Vì thế, cứ đến dịp Tết ông Công, ông Táo là người Việt lại làm lễ cúng và phóng sinh cá chép ra sông hay ao, hồ... với ngụ ý “cá hóa Rồng” để Táo quân cưỡi lên thiên đình.
Việc người dân phóng sinh cá chép ngày Tết ông Công, ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa, mà còn thế hiện ước muốn về một năm mới nhiều nhiều hi vọng, nhiều niềm vui và an lành.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngay từ sáng tại các khu vực sông, hồ ở trên địa bàn Thành phố Hà Nội nhộn nhịp cảnh người dân mang cá chép đựng trong xô, chậu, túi nilon phóng sinh trong ngày Tết ông Công, ông Táo.
Chị Nguyễn Thị Gái (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Gia đình tôi đã duy trì việc thả cá chép từ đời ông bà cho đến nay. Vì vậy, cứ đến ngày Tết ông Công, ông Táo, gia đình lại chuẩn bị đồ cúng, mua cá chép đỏ về làm lễ sau đó mang ra hồ phóng sinh với mong muốn mọi người trong gia đình có nhiều sức khỏe, may mắn”
Để nhắc nhở người dân sau khi thả cá chép không vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, tại khu vực Hồ Văn Quán (Hà Đông) được trang bị các bao tải xung quanh hồ với tẩm biển “Vì môi trường xanh sạch đẹp, xin hãy vứt rác vào đây”. Bởi vậy, tình trạng vứt túi nilon bừa bãi sau khi phóng sinh cá chép đã không còn.
Một số hình ảnh người dân phóng sinh cá chép trong ngày Tết ông Công, ông Táo:
Người dân Thủ đô thả cá chép xuống hồ
Tình trạng vứt túi nilong bừa bãi sau khi phóng sinh cá chép đã không còn
Trẻ em thích thú với việc phóng sinh
Các bao tải đựng túi nilon sau khi phóng sinh cá xuống hồ