Độc đáo Tết truyền thống của người Dao Thanh Phán
Từ giữa tháng Chạp, khi đất trời chuyển mình đón những cơn gió lạnh cũng là lúc đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán ở xã Kỳ Thượng (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đón Tết truyền thống. Ở nơi được ví như “thâm sơn, cùng cốc” của Quảng Ninh, Tết truyền thống người dân xã Kỳ Thượng mang đậm bản sắc dân tộc.
Đón Tết nơi “thâm sơn, cùng cốc”
Trước năm 2020, Kỳ Thượng là một xã của huyện Hoành Bồ, sau đó sát nhập vào TP. Hạ Long. Nằm lọt thỏm giữa hai ngọn núi cao. Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên đặt chân đến Kỳ Thượng, mọi người sẽ có cảm tưởng như bước vào một thế giới khác, xung quanh toàn núi đồi và vực sâu, tách biệt hoàn toàn khỏi nhịp sống thành thị náo nhiệt.
Cách trung tâm TP. Hạ Long khoảng 60km về phía Đông Bắc, đường dẫn vào Kỳ Thượng có những đoạn đường dốc cao, khúc khuỷu và ngoằn ngoèo bởi địa hình khá hiểm trở. Nếu may mắn đến Kỳ Thượng vào những ngày thời tiết đẹp, đứng từ đỉnh núi cao cổng trời, chúng ta có thể ngắm nhìn mây trôi bồng bềnh thấp thoáng phía xa xa rất thơ mộng, thậm chí, cầu Bãi Cháy cách xa vài chục km thấp thoáng hiện ra trước mắt.
Nói về phong tục đón Tết truyền thống của đồng bào Dao Thanh Phán ở Kỳ Thượng, anh Bàn Văn Ngân (SN 1986) chia sẻ: Người Dao ăn Tết sớm hơn các dân tộc khác. Tết truyền thống thường diễn ra từ ngày 10-15 tháng Chạp, tổ chức tại nhà lớn (nhà của các Trưởng tộc, Trưởng họ) để cúng và mời tổ tiên về ăn Tết. Sau khi ăn Tết nhà lớn xong, các nhà chòi mới cúng Tết tại nhà mình. Đây cũng là dịp con cháu trong gia đình, dòng họ tụ họp, xóa bỏ hết những mâu thuẫn trong năm cũ, đón chào một năm mới vui vẻ hơn, đoàn kết hơn để cùng nhau phát triển kinh tế. Bước sang đầu tháng Giêng, các gia đình người Dao bắt đầu hóa vàng tiễn ông bà tổ tiên về âm cảnh sau những ngày đón Tết truyền thống.
Theo phong tục, các gia đình khác khi đến dự Tết nhà lớn đều mang theo một con gà để góp lễ cúng tổ tiên, vì trong mâm cơm cúng của người Dao Thanh Phán, lễ vật không thể thiếu đó là gà luộc.
Để phục vụ lễ cúng nhà lớn phải có đủ 3 mâm cỗ cúng: 1 mâm cúng tổ tiên, 1 mâm cúng những người đàn ông đã khuất và 1 mâm trả lễ đầu năm. Mâm cỗ cúng của đồng bào dân tộc người Dao rất đơn giản gồm: gà luộc và bánh chưng, nếu không có bánh chưng có thể thay bằng cơm trắng. Trong lễ cúng tổ tiên, người Dao không dùng hương để đốt mà dùng vỏ cây hương lấy từ trong rừng về phơi khô, khi làm lễ thì bỏ vào một cái bát nhỏ. Mỗi lần đốt một cái vỏ cây lại phải dùng một viên than hồng để đốt cùng, cho đến khi nào cái chén đầy than và vỏ hương mới thôi.
Sau khi tất cả những lễ vật được bày trước bàn thờ gia tiên, thầy cúng được gia đình mời về, đại diện cho gia chủ báo cáo quá trình một năm lao động. Đồng thời, thầy cúng khấn mời tổ tiên và những người thân đã khuất về ăn tết với gia đình, cầu xin tổ tiên phù hộ cho mọi người được khoẻ mạnh không ốm đau, bệnh tật, cầu cho mọi sự may mắn và sự bình an đến với mọi người, cầu cho mưa thuận, gió hoà mùa màng bội thu, chăn nuôi trâu bò, lợn gà phát triển. Sau khi cúng xong, lễ vật được mang xuống dọn ra mâm cho con cháu cùng ăn.
Lãnh đạo địa phương kiêm thầy cúng
Nét độc đáo của người Dao Thanh Phán tại Kỳ Thượng còn nằm ở chỗ, thầy cúng thường là Bí thư và Chủ tịch xã được bà con tín trọng. Bên cạnh việc cúng bái giúp người dân, lãnh đạo địa phương trong vai thầy cúng còn mang lại sự yên tâm, gần gũi, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, đồng thời tuyên truyền phổ biến pháp luật, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân tốt hơn.
Tết đến, xuân về cũng là dịp để chị em phụ nữ Dao ở Kỳ Thượng được khoe những bộ quấn áo mới do chính mình thêu thùa. Ngay từ nhỏ những em gái đã được mẹ dạy cho cách mua len, chọn vải, dạy cho đường tà nếp chỉ để thêu thùa, may vá để gìn giữ trang phục truyền thống và cũng để các em thêm hiểu, thêm yêu và thêm tự hào với bản sắc của dân tộc mình.
Về đặc điểm trang phục của người Dao Thanh Phán, chị Triệu Thị Mây cho biết: “Trang phục truyền thống của chúng tôi sử dụng màu đen làm chủ đạo, áo nữ dài từ cổ đến qua đầu gối, từ cổ áo chạy dọc xuống dưới thêu đường viền hoa văn rộng 15cm với nhiều màu sắc nổi bật. Quần áo của nam thì đơn giản hơn, chủ yếu là màu nâu và đen, áo dài đến phần mông. Hiện nay, trang phục của chúng tôi có cải tiến như mũ đội đầu không còn được người Dao chúng tôi bắt buộc phải dùng nhưng chúng tôi sẽ cố gắng giữ gìn bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình”.
Ông Linh Hồng Nguyên, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cho hay, trên địa bàn hiện có 236 hộ, với 877 nhân khẩu, 100% là người Dao. Hầu hết mọi người đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không có trường hợp nghiện ma tuý. Kinh tế của người dân chủ yếu là lâm nghiệp trồng rừng. Sau tháng ngày cần mẫn với nương rẫy, người Dao Thanh Phán lại tổ chức đón Tết theo cách của riêng mình. Giữa bộn bề của cuộc sống, dù các thành viên trong gia đình đi làm ăn xa cũng đều trở về bên gia đình yêu thương, ấm áp tình làng nghĩa xóm.
Việc ăn Tết nhà lớn của người Dao không chỉ là dịp để các thành viên trong gia đình nghỉ ngơi, sum họp sau một năm lao động vất vả, mà còn là dịp để người cao tuổi và con cháu cùng nhau ôn lại truyền thống bản sắc văn hoá của dân tộc mình. Trong dịp Tết, mọi người hát những làn điệu dân tộc đã có từ lâu đời, mang đậm chất trữ tình đằm thắm, trong sáng và giản dị của tâm hồn người Dao. Nội dung của các bài hát đều đề cao tinh thần lao động, sáng tạo, lẽ sống, phép ứng xử, ca ngợi cuộc sống tươi đẹp, tình yêu đôi lứa, răn dạy những điều hay, lẽ phải.
Chia tay với không khí Tết nhà lớn của đồng bào người Dao Thanh Phán, không khí của một mùa xuân mới đang tràn ngập khắp các bản làng. Đồng bào người Dao nói riêng, các dân tộc tại Quảng Ninh nói chung tiếp tục chào đón một năm mới với hy vọng hạnh phúc hơn, ấm no hơn và quan trọng nhất là những nét đẹp văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc của người Dao được gìn giữ, bảo tồn cho các thế hệ mai sau.