Gói bánh chưng cho ngày Tết thêm ấm cúng

Đời sống - Ngày đăng : 08:52, 29/01/2016

Bánh chưng – món ăn không thể thiếu mâm cỗ ngày Tết của mỗi gia đình người Việt ta. Bánh chưng gói ghém cả một nền văn minh lúa nước, với gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn trong chiếc bánh vuông vắn, xanh mướt.

Gói bánh chưng vừa là truyền thống, vừa thể hiện sự khéo léo của những bà nội trợ. Bên cạnh việc chuẩn bị một mâm cơm cúng giao thừa ngày Tết, cả nhà cùng nhau quây quần bên nồi bánh chưng nghe kể lại chuyện Tết xưa sẽ thấy ngày Tết thật nhiều ý nghĩa.

Chuẩn bị nguyên liệu:

- Gạo nếp: Chọn loại gạo nếp có hạt đều, mẩy, ngon nhất là nếp cái hoa vàng hoặc nếp nương của Điện Biên. Ngâm gạo từ 8 – 12 tiếng, đãi sạch sạn, sau đó vớt ra cho ráo nước trước khi gói bánh. 

- Đỗ xanh: Nên chọn loạt đỗ xanh tiêu, hạt nhỏ, ruột vàng. Đỗ ngâm trong nước chừng 1 – 2 tiếng, sau đó nấu chín, đánh tơi để làm nhân bánh. Tỷ lệ thông thường là 8 phần gạo, 2 phần đỗ.

- Thịt lợn: Chọn thịt ba chỉ ngon, không nên chọn thịt quá nạc. Thịt rửa sạch, thái thành miếng dài 5-7cm, dày 0,5cm, ướp muối, tiêu,… cho ngấm,  khoảng 15phút trước khi gói bánh.

Gói bánh chưng cho ngày Tết thêm ấm cúng

Công đoạn rửa lá thật sạch trước khi gói bánh

- Lá dong: Chọn loại lá bánh tẻ (không quá già hoặc quá non), mỗi bánh cần 4 chiếc lá. Ngâm vào nước cho lá mềm, dễ gói rồi sau đó rửa sạch, để ráo nước, dùng khăn sạch lau lá cho thật khô, cắt bớt gân lá để lá mềm hơn khi gói tay hoặc cắt lá theo kích thước khuôn (nếu bạn chọn gói khuôn).

- Lạt: Lạt dùng để gói bánh chưng là loại lạt giang, mỏng, mềm và dẻo dai.

- Nếu bạn muốn gạo nếp được xanh, và thơm hơn, bạn có thể dùng lá nếp xay nhỏ lấy nước cốt màu xanh để ngâm gạo nếp. Gạo nếp được ngâm nước lá nếp sẽ trở nên thơm và xanh cực đẹp.

Ngoài ra, bạn còn có thể dùng lá giềng giã nhỏ lấy nước trộn với nếp ngay trước khi gói bánh, như vậy bánh sẽ có một màu xanh suốt từ vỏ đến nhân và lại có một mùi thơm rất đặc biệt nữa.

Cách gói bánh chưng:

- Dựng lá theo khuôn, sau đó đổ 1 lượt gạo nếp, rồi đến nửa đỗ xanh và thịt, sau đó tiếp tục đổ nửa đỗ xanh còn lại, trên cùng là 1 lượt gạo nếp.

- Gấp lá, cho vuông vắn rồi dùng lạt buộc bánh cho thật chắc. Lưu ý khi gói bánh phải chặt tay, khi đun bánh mới rền, dẻo và không bị thấm nước vào bên trong.

Gói bánh chưng cho ngày Tết thêm ấm cúng

Hãy cùng nhau làm những chiếc bánh chưng thật ngon cho ngày Tết gia đình thêm ấm cúng

- Sau khi hoàn thiện khâu gói bánh, lấy những lá nhỏ, cuống lá để lót xuống đáy nồi, rồi xếp bánh thành từng cặp, chèn cho chắc chắn, đổ nước ngập bánh và đun trong khoảng 10 – 12 tiếng.

- Khi vớt bánh, rửa sạch bên ngoài bằng nước rồi xếp bánh lên bàn, dùng ván hoặc vật nặng đè lên ép cho bánh ráo nước, để bảo quản được lâu hơn và bánh không bị mốc.

Khôi Anh