Thăm di tích cụ Phan Châu Trinh: Nơi tĩnh lặng của cuộc đời dông bão
Đời sống - Ngày đăng : 10:00, 28/01/2016
Đó là đám tang và phong trào đình công, bãi khóa, để tang Phan Châu Trinh, nhà chí sĩ cách mạng một đời “vị quốc vong thân”… Khu di tích cụ Phan ngày nay thật đẹp và yên bình, tĩnh lặng, nhưng ẩn chứa trong đó lăng mộ, tư liệu, kỷ vật về một cuộc đời đầy dông bão.
Một nhà Nho cách mạng
Khu di tích cụ Phan được xây dựng năm 1993 tại nơi có phần mộ của cụ, trên đất làng Tân Sơn Nhất, nay là đường Phan Thúc Duyện, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Trong khuôn viên trên 2000 mét vuông, ngôi đền bát giác, ba tầng mái giữa cây lá xanh tươi, khiến không gian tĩnh lặng, trang nghiêm mà gần gũi. Trước đền là pho tượng bán thân cụ Phan Châu Trinh đăm chiêu, tư lự.
Trong đền thờ, chân dung cụ Phan mặc âu phục tựa vào bức đại tự sơn son thếp vàng đề bốn chữ Hán “Cách mạng tiền khu”, thể hiện đúng hoàn cảnh, tinh thần và quan điểm của cụ Phan, xuất thân khoa bảng Nho học, nhưng kiên quyết bài trừ thói thủ cựu, u mê “chi hồ giả dã” để làm cuộc cách mạng canh tân đất nước. “Tiền khu” nghĩa là bôn ba, bôn tẩu trước mọi người.
Mộ cụ Phan ở bên phải của đền. Mộ có mái che, đầu mộ viết chữ Hán: “Việt Nam chính trị cách mạng gia. Phan Châu Trinh tiên sinh chi mộ. Quốc dân đồng kính tạo”. Phía sau là tấm đá lớn ghi tiểu sử cụ Phan do cụ Huỳnh Thúc Kháng soạn. Hai bên bia đá là đôi câu đối chữ Hán “Trung học Mạnh Kha, Tây học Lư Thoa hướng nhi biểu / Tích Việt Nam cách mệnh chính trị chi đại gia”. Đôi câu đối cho thấy Cụ là người học theo Mạnh Kha, tức Mạnh Tử - đại biểu xuất sắc của Nho giáo thời Chiến Quốc, chủ trương “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (dân là trọng nhất, xong mới đến xã tắc, cuối cùng mới đến vua), sau đó theo Tây học với tư tưởng Lư Thoa tức Jean Jacques Rousseau, nhà triết học Pháp đã đưa ra học thuyết “Khế ước xã hội”. Cụ đi từ truyền thống dân chủ sơ khai Nho giáo đến dân chủ hiện đại phương Tây.
Bà Tư Sương trò chuyện với tác giả
Cuộc vận động Duy Tân (1906-1908) của các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quí Cáp, Lương Văn Can… với khẩu hiệu “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, và phương châm công khai, bất bạo động đã như tiếng sấm thức tỉnh người dân. Mặc dù đau xót trước họa ngoại xâm, nhưng cụ Phan và các nhà Duy Tân xác định nhiệm vụ cấp bách trước mắt là mở mang dân trí, bỏ lối học tầm chương trích cú lỗi thời, mở nhiều trường dạy học để dạy những kiến thức hữu dụng, bài trừ hủ tục, tệ mê tín dị đoan, cắt tóc ngắn, cắt móng tay, mặc quần áo ngắn cho tiện dụng. Khai dân trí chính là thúc đẩy dân khí bừng lên, thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường trong mỗi người dân, để họ giác ngộ được quyền lợi của mình cũng như trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội, mạnh mẽ tranh đấu để thay đổi hiện trạng. Xem ra có dân trí thì mới có dân khí. Thứ ba là hậu dân sinh, nghĩa là phát triển kinh tế, công nghệ, mở các hiệu buôn, thúc đẩy kinh doanh, thương mại, sản xuất nông nghiệp, mở mang đồn điền… Các buổi diễn thuyết công khai của các cụ trở thành tiếng gọi thúc giục người dân thay đổi, các hiệu buôn, trường học mọc lên như nấm. Người dân còn được thấy những viên quan “phụ mẫu” tham lam bị bêu lên mặt báo, chuyện trước đó chưa bao giờ thấy. Vì thế, trong một báo cáo, Công sứ Trung kỳ Charles nhận định: “Chính chúng ta là mục tiêu đả kích của họ. Kết luận của tôi dựa vào những điều nghe thấy hàng ngày và sự hiểu biết của tôi về Phan Châu Trinh, người chỉ huy ngầm của phong trào này, một con người rất thông minh, có bản lĩnh nhưng cuồng tín và có thù hận sâu với chúng ta. Hoạt động bắt đầu và tập trung nhiều ở vùng giáp giới hai phủ Tam Kỳ và Thăng Bình, quê quán của Phan... Tôi cho là đã quá đúng lúc để kết thúc chiến dịch phá hoại tổ chức và quyền lực của chúng ta”.
Năm 1908 xảy ra vụ dân biến Trung Kỳ, người dân nổi dậy chống xâu thuế, rung chuyển cả mấy tỉnh, Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng bị đày ra Côn Đảo, Trần Quí Cáp bị xử chém…
Trong tác phẩm “Gia đình, bạn bè và đất nước”, hồi ký của Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh có viết: “Trong ký ức của tôi, từ lời mẹ kể, ông ngoại tôi là người bôn ba khắp nước từ khi còn trẻ, rồi vì hoạt động chống Pháp mà bị bắt. Nếu không có những người Pháp tiến bộ trong Hội Liên minh Nhân quyền Pháp tích cực bênh vực có lẽ Cụ đã bị xử chém… Sau thời gian ở tù Côn Đảo, khi được trả tự do, Cụ yêu cầu và được chính quyền thuộc địa cho sang Pháp, và đã ở đó 14 năm. Ý đồ của Cụ là tìm cách dựa vào các lực lượng tiến bộ của Pháp để mưu cầu độc lập cho nước nhà”.
Cụ Phan qua những tư liệu mới
Liên quan đến phiên tòa xét xử cụ Phan Châu Trinh, những tài liệu mới do bà Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh) nguyên Đại sứ tại Italia, cháu ngoại của cụ Phan Châu Trinh sưu tầm tại Trung tâm lưu trữ quốc gia hải ngoại Pháp, được tập hợp in vào sách “Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới” (NXB Đà Nẵng, 2001) cho thấy những thông tin khác, không hẳn do những người Pháp tiến bộ mà Cụ không bị xử chém.
Đối phó với vụ dân biến Trung Kỳ, tháng 11/1907, Thống sứ Bắc Kỳ cho đóng cửa Đông Kinh nghĩa thục và bắt Phan Châu Trinh vào sáng ngày 31/3/1908 tại Hà Nội và đưa Cụ vào Huế, giam giữ tại nhà lao Hộ thành. Mặc dù chủ động trong việc theo dõi, tiến hành bắt và điều tra Phan Châu Trinh nhưng vụ án thuộc thẩm quyền của triều đình Huế cho nên thực dân Pháp không thể tham xử mà phải giao cho Hội đồng Cơ mật Nam triều xét xử.
Đền thờ cụ Phan Châu Trinh
Trong tám thành viên của Phủ Phụ chính có Thượng thư bộ Học sung Phụ chính đại thần Cao Xuân Dục và Thượng thư bộ Lễ Lê Trinh, hai nhân vật đã có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả xử án đối với Phan Châu Trinh. Trong quá trình xét xử Khâm sứ Trung Kỳ Lévecque đã cố bắt ép Phủ Phụ chính ra quyết định “trảm quyết” (chém ngay) Phan Châu Trinh về tội “mưu đại nghịch” theo Điều 223 Bộ luật Gia Long, nhưng các vị Thượng thư cùng với sự đồng tình của toàn bộ Phủ Phụ chính đã lên tiếng cãi lại Lévecque. Cụ Cao Xuân Dục cho rằng, trường hợp này chỉ phải áp dụng Điều 224 về tội “mưu phản” nên “không trảm quyết ngay”. Vì vậy, Phan Châu Trinh đã thoát án chém tức thì. Bà Lê Thị Kinh đánh giá: “Đây là công lao của Phủ Phụ chính thời Duy Tân năm thứ hai, còn nặng bất bình với thực dân trong việc phế truất vua Thành Thái”.
Thượng thư bộ Học Cao Xuân Dục cũng chính là Chánh chủ khảo kỳ thi Hội năm Tân Sửu 1901 mà Phan Châu Trinh, Nguyễn Sinh Huy đỗ Phó bảng.
Trong một biên bản họp ngày 11/4/1908 có Lévecque dự và phát biểu tranh luận, có đoạn viết về vụ án Phan Châu Trinh như sau: “Còn về Phan Châu Trinh thì hình như Hội đồng Cơ mật có sự nhầm lẫn trong việc áp dụng luật. Khi làm án, Hội đồng đã vận dụng Điều 224 “Mưu loạn vi hành (mưu làm loạn nhưng chưa làm) thì xử án treo”. Nhưng trong vụ này có thể nói là mưu loạn nhưng chưa làm được không? Ngược lại, chính Phan Châu Trinh trong suốt hai năm qua đã tổ chức vụ sách động vừa nổ ra... Các thành viên của Hội đồng Cơ mật là những vị quan tòa có trách nhiệm phải áp dụng đúng đắn các văn bản pháp luật... Họ đã ám sát một chánh tổng, đã hành hung và trói quan phủ Điện Bàn... Những hành vi ấy chưa đủ để làm án nặng hơn sao? Quan lớn Cao Xuân Dục tuyên bố: “Điều luật 224 không nêu trảm quyết ngay”... Cuối cùng viên Khâm sứ Pháp phải nhượng bộ, nhưng thay vì đày chung thân Phan Châu Trinh ở Lao Bảo, Lévecque và Toàn quyền Pháp đã đổi thành đi đày Côn Đảo.
Tuy nhiên, khi Cụ được ân xá và đi Pháp thì có sự ủng hộ của những người Pháp tiến bộ. Tháng 8 năm 1910 Phan Châu Trinh được đưa về đất liền và bản án được xét xử phúc thẩm với kết luận ân xá. Tuy nhiên, thay vì ở Sài Gòn, Cụ bị quản thúc tại Mỹ Tho. Sau đó Cụ nhất định không chịu, bèn viết thư cho Toàn quyền Đông Dương đòi sang Pháp hoặc trở lại Côn Lôn. Vì thế, Phan Châu Trinh và con trai Phan Châu Dật lên đường sang Pháp, không ngờ cuộc ra đi kéo dài đến 14 năm.
Tại Pháp, Cụ đã liên hệ với Liên minh Nhân quyền và Đảng Xã hội Pháp. Phan Châu Trinh cùng với Luật sư Phan Văn Trường đã lập lên Hội đồng bào thân ái gồm những Việt kiều gắn bó với Tổ quốc. Có thể nói, không chỉ đối với đồng bào mình mà cả quan lại Nam triều và chính người Pháp cũng nể trọng Phan Châu Trinh.
Cụ Phan trong ký ức của con cháu
Hôm đến thăm khu di tích, chúng tôi may mắn được trò chuyện với bà Tư Sương (Lê Thị Sáu) và em chồng là ông Nguyễn Đông Hào - em dâu và em trai của bà Nguyễn Thị Bình.
Bà Tư Sương chia sẻ: Cụ đi Pháp trở về vào tháng 6 năm 1925 thì không có nhà cửa, cụ bà và con trai đã mất, hai con gái đã đi lấy chồng. Ông Nguyễn An Ninh mời cụ về ở khách sạn của gia đình là Chiêu Nam Lầu. Lúc đó Cụ đã bị bệnh, vẫn phải uống thuốc hàng ngày… Mặc dù đau yếu nhưng Cụ vẫn tổ chức diễn thuyết kêu gọi lòng yêu nước của nhân dân tại Sài Gòn với hai bài diễn văn rất nổi tiếng mà mọi người thường nhắc đến, đó là "Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa" và bài "Đạo đức luân lý Đông Tây", thu hút hàng ngàn người tham dự. Do cố gắng hoạt động nên bệnh ngày càng nặng, Cụ tạ thế tại khách sạn đó vào ngày 24 tháng 3 năm 1926. Thi hài được quàn tại Bá Huê Lầu, 54 đường Pellerin (nay là Pasteur) để đồng bào điếu phúng trong 8 ngày, hàng chục ngàn người đã đến nghiêng mình vĩnh biệt Cụ. Về nơi an táng, may nhờ có gia đình điền chủ họ Hoàng, có nghĩa trang Gò Công tương tế này hiến tặng. Quốc dân đã xây mộ cụ cùng kiểu cách với ngôi mộ cụ Phạm Thị Quy, chánh thất của họ Hoàng, chủ nghĩa trang này.
Mộ cụ Phan Châu Trinh
Bà Tư Sương dẫn chúng tôi qua thăm mộ cụ Phạm Thị Quy, mộ chí cho biết cụ mất tháng 8 năm Quí Hợi (1923), trước cụ Phan ba năm. Sau này các ngôi mộ trong nghĩa trang được di dời hết để làm Đền thờ và di tích Phan Chu Trinh, gia đình xin giữ nguyên ngôi mộ cụ Phạm Thị Quy để tri ân, hương khói.
Phòng trưng bày hiện vật, tư liệu về cụ Phan Châu Trinh có rất nhiều đối trướng điếu phúng và hình ảnh về đám tang. Nhìn những hình ảnh này hậu thế có thể phần nào hình dung được lễ quốc táng nhà chí sĩ Phan Châu Trinh. Đám tang cụ Phan Chu Trinh là một sự kiện chấn động lúc bấy giờ. Trong bộ sách “Lịch sử Việt Nam” của Viện Sử học mới xuất bản thì đám tang cụ Phan Châu Trinh, sáng ngày 4 tháng 4 năm 1926 có khoảng 14 vạn người tham dự. Trước đó, một cuộc lạc quyên diễn ra trong vài ngày đã thu được 100.000 đồng Đông Dương. Phòng trưng bày còn có trướng của cụ Phan Bội Châu, cụ Nguyễn Sinh Huy, của nhân dân Gia Định, Quảng Nam - Đà Nẵng…
Bà Tư Sương cho chúng tôi tư liệu là một bài viết của bà Lê Thị Kinh có đoạn: “Ngày đi chôn, dân chúng sắp hàng dài đi dọc đường Pellerin, qua Norodom, quẹo Paull Planchy đến Phú Nhuận rồi thẳng lên Tân Sơn Nhất. Hàng chục ngàn người nghiêm trang, tay đeo băng tang xếp hàng đi, có thanh niên của Đảng Jeune Annam giữ gìn trật tự suốt dọc đường. Một đám tang lớn chưa từng có ở Sài Gòn, đám tang thể hiện sự giác ngộ của quần chúng, đám tang là tấm lòng của đồng bào đối với nhà ái quốc suốt đời chỉ nghĩ đến dân”.
Nói về hậu duệ của cụ Phan Châu Trinh, ông Nguyễn Đông Hào cho hay: Cụ bà Lê Thị Tỵ sinh hạ ba người con là Phan Châu Dật, Phan Thị Châu Liên và Phan Thị Châu Lan. Ông Phan Châu Dật, thuở nhỏ thông minh, học giỏi có tiếng, ông đã theo cha sang Pháp vừa học vừa nuôi cha lâm bệnh. Có thời kỳ Cụ bị Pháp bắt giam, nên cuộc sống rất cực khổ. Tốt nghiệp Tú tài, nhưng ông mắc bệnh lao phải về nước rồi qua đời năm 1921, khi mới 24 tuổi. Người con thứ hai là bà Phan Thị Châu Liên có chồng là ông Lê Ấm, thân sinh ra nhà văn Lê Khâm (Phan Tứ) và bà Lê Thị Kinh (Phan Thị Minh)… Mẹ chúng tôi bà Phan Thị Châu Lan và ba tôi là ông Nguyễn Đồng Hợi, sinh được sáu chị em tôi mà bà Nguyễn Thị Bình là chị cả.
Gia đình cho hay một chi tiết thú vị, đó là bà Lê Thị Kinh, sinh năm 1925, từng được điều động đi làm công tác đối ngoại, đã tham gia đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Như vậy, trong hòa đàm Paris có hai người cháu ngoại của cụ Phan Châu Trinh là bà Lê Thị Kinh và bà Nguyễn Thị Bình cùng tham gia.
Sau 1975, bà Lê Thị Kinh tiếp tục làm việc trong Bộ Ngoại giao thống nhất, theo dõi hệ thống các tổ chức quốc tế. Từ 1982 đến 1986, làm Đại sứ tại Ý, kiêm nhiệm một số nước vùng Địa Trung Hải và các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Rome; sau đó bà làm Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế tại Bộ Ngoại giao cho đến khi về nghỉ hưu tại Đà Nẵng. Từ 1992 trở đi, bà Lê Thị Kinh tập trung nghiên cứu về Phan Châu Trinh.
Giới thiệu cuốn sách “Tuyển tập Phan Châu Trinh” in lần thứ hai do TS Nguyễn Văn Dương biên soạn, tập hợp đến 90% tác phẩm của cụ Phan, ông Nguyễn Đông Hào kể về những gian nan của cụ Phan ở bên Pháp, việc gìn giữ tư liệu trong khi mật thám Pháp không ngừng săn lùng, nhờ những người bạn Pháp thân thiết mà Cụ vẫn giữ được hầu hết tư liệu để nhờ chuyển về nước. Sau khi Cụ tạ thế, ông bà Lê Ấm, Phan Thị Châu Liên và các con đã kỳ công bảo quản qua bao gian nan, loạn lạc để hôm nay mọi người có tuyển tập này. Đặc biệt là bà Lê Thị Kinh đã bỏ ra rất nhiều công sức và tâm huyết để sang Pháp sưu tầm những tư liệu liên quan đến Phan Châu Trinh. Sau hai đợt sưu tầm 1995 và 1998, tổng cộng 6 tháng tại Pháp, với sự giúp đỡ về tài liệu và ý kiến của một số nhà nghiên cứu tại Pháp như giáo sư sử học Daniel He’mery, cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn… và các nhà nghiên cứu trong nước, bà đã có được hàng ngàn trang tư liệu quý giá về cuộc đời cụ Phan.
***
Trước khi chia tay, mang theo quà tặng là những cuốn sách quí, tôi đề nghị ông Nguyễn Đông Hào kể một kỷ niệm nào đó của riêng gia đình về ông ngoại mình. Ông Hào nói, kỷ niệm về Cụ qua lời kể của cha mẹ chúng tôi và họ hàng thì có nhiều lắm, mọi người hay nói rằng Cụ đúng là dân “Quảng Nam hay cãi”, tranh biện rất giỏi nhưng tôi thì nhớ mãi chuyện này: Khi quân triều đình đến đốt phá làng quê, mọi người cùng nhau chạy lên núi, Cụ Phan Châu Trinh lúc đó mới 14 tuổi, cùng em gái chạy theo mọi người. Chạy được một quãng thì lạc mất cô em gái, mọi người quày quả trở lại tìm nhưng không thấy. Có người nói chắc em đói quá, vào làng kiếm cái ăn rồi sẽ lên sau. Phan Châu Trinh thương em, nhất định không đi mà quay lại tìm em trong đám người loạn lạc. Mãi tới chiều mới có người báo tin cô bé bị rơi xuống hầm bẫy heo rừng. Phan Châu Trinh chạy tới, thấy em đang khóc bèn an ủi rồi chạy đi tìm người tới giúp. Một số người đến giúp nhưng hố sâu, không có phương tiện gì bèn bỏ đi. Phan Châu Trinh nảy ra sáng kiến, mỗi người cởi bao thắt lưng quần ra, nối vào với nhau thành một sợi dây dài chắc chắn. Phan Châu Trinh được ròng xuống hố, ông buộc dây cho cô em gái được kéo lên trước, Phan Châu Trinh lên sau trong sự khen ngợi của mọi người và mừng mừng tủi tủi của hai anh em…
Đúng là chỉ có tình thương yêu lớn mới có quyết tâm lớn để tìm ra phương cách thích hợp. Câu chuyện như ẩn dụ về sự nghiệp sau này của cụ Phan, có yêu nước thương dân đau đáu, Cụ mới bỏ cả cuộc đời để bôn ba vạch ra con đường đưa nước nhà đến độc lập, đồng bào được tự do. Dẫu sự nghiệp còn dang dở nhưng tinh thần của Cụ thì trường tồn.
Từ khu di tích trở ra đường, trái ngược với sự tĩnh lặng bên trong là sự náo nhiệt của một thành phố lớn nhất nước, máy bay lên xuống liên tục trên bầu trời Tân Sơn Nhất, tôi chợt hiểu rằng tinh thần Duy Tân của cụ Phan Châu Trinh và các cộng sự lỗi lạc của mình vẫn còn nguyên tính thời sự, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu và rộng vào nền kinh tế thế giới hiện nay. Vấn đề nâng cao dân trí, nâng cao trình độ mọi mặt, tăng cường hàm lượng tri thức trong sản phẩm; vấn đề nâng cao ý chí vươn lên, đề cao dân chủ và quyền con người; phát triển xã hội, đẩy mạnh kinh doanh, thương mại… hiện nay cũng chính là những điều tâm huyết của cụ Phan dành cả cuộc đời lao tâm khổ tứ để tạo dựng 100 năm trước. Phan Châu Trinh quả thật đã đi trước thời đại của mình, đặt ra những vấn đề cho hiện tại và cho cả tương lai nhằm chấn hưng đất nước, đưa dân tộc đến hùng cường, sánh vai cùng cường quốc năm châu.