Bỏ cấm vận vũ khí giúp Việt Nam đa dạng hóa trang thiết bị quân sự
Chính trị - Ngày đăng : 08:44, 26/05/2016
Trong thời gian vừa qua, nhu cầu hiện đại hóa quân đội của Việt Nam không ngừng gia tăng trong bối cảnh tranh chấp biển đảo diễn biến phức tạp khó lường, đặc biệt là các loại vũ khí công nghệ cao. Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu vũ khí từ các nước khác. Có thể kể tới như nhập khẩu UAV, vũ khí pháo binh, rađa của Israel; đóng mới các loại tàu tuần tra với sự trợ giúp của Hà Lan; mua mới các loại máy bay tuần thám hay vận tải từ châu Âu…
Việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương sẽ tiếp tục đóng góp vào xu hướng đa dạng hóa nguồn cung vũ khí của Việt Nam.
Nền công nghiệp quốc phòng Mỹ vốn nổi tiếng về những sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt là các công nghệ trinh sát, giám sát, tình báo và công nghệ thông tin chuyên sâu. Những loại vũ khí trang thiết bị sẽ giúp cải thiện hơn nữa năng lực phòng thủ, khắc phục điểm yếu C4ISR và giúp Việt Nam chủ động hơn trong việc tham gia các sáng kiến an ninh khu vực.
Tiêm kích F/A-18 - một trong những vũ khí của Mỹ được Việt Nam quan tâm. Dù ra đời đã lâu nhưng F/A-18E/F Super Hornet vẫn được xem là một trong 5 chiến đấu cơ Mỹ đáng gờm nhất thế giới bởi các khả năng tác chiến tuyệt vời của nó
Việt Nam sẽ cần nhiều trang thiết bị quân sự hiện đại trong tương lai và do đó sẽ ngày càng quan tâm hơn tới các đề nghị giúp củng cố quan hệ quốc phòng song phương từ phía Mỹ. Cụ thể, như các đề nghị của Mỹ nhằm hiện diện nhiều hơn tại Cam Ranh hay cùng hợp tác trong các vấn đề chia sẻ thông tin, tình báo, cùng hợp tác tiến hành các công tác giám sát hoặc tuần tra các khu vực biển. Mức độ lan tỏa về hợp tác an ninh quốc phòng diễn ra trong chiều kích các xung đột trên Biển Đông ngày càng gay gắt. Vì vậy việc các quốc gia xây dựng một hệ thống giám sát biển hữu hiệu, đặc biệt là trong các khu vực đường hàng hải quốc tế đang là một nhu cầu thiết yếu.
Đánh giá cao việc Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương với Việt Nam là một bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ, ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, sau hơn 20 năm khi hai bên tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 7/1995), sự tồn tại của một lệnh cấm vận - di sản của thời kỳ Chiến tranh Lạnh là điều bất bình thường.
Trả lời phỏng vấn báo chí về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama vào tối 25/5, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho rằng, quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương với Việt Nam sẽ giúp đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự.
Qua đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng nhấn mạnh đến chính sách nhất quán của Việt Nam là hòa hiếu, chủ trương giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, ngoại giao và pháp lý. Mục đích của Việt Nam tăng cường năng lực quốc phòng là để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Phòng vệ là quyền chính đáng của các quốc gia được luật pháp quốc tế quy định rõ.
“Quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương với Việt Nam sẽ cho thấy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã được bình thường hóa với đúng nghĩa của nó, tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai bên, trong đó có hợp tác quốc phòng, góp phần xây dựng lòng tin giữa hai nước,” Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định.
Đồng quan điểm, Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an) cũng khẳng định, việc bỏ cấm vận mang một ý nghĩa biểu tượng to lớn. “Điều này chứng tỏ rằng Mỹ đã không còn vướng mắc nào đối với Việt Nam, khiến quan hệ Việt - Mỹ đã hoàn toàn được bình thường hoá. Việt Nam không phải là đối thủ mà Mỹ cần phải đề phòng về an ninh, quốc phòng, nên lệnh cấm vận không còn nhiều ý nghĩa. Ngay cả tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã có nhiều nghị sĩ ủng hộ việc bãi bỏ này”.
Theo tướng Lê Văn Cương, đây là một chính sách đúng đắn và được không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trong khu vực hoan nghênh.
"Quan điểm của Mỹ là các nước ASEAN như Việt Nam và Philippines cần đạt một năng lực quân sự, đặc biệt là trên biển, ở mức độ và khả năng răn đe nhất định, qua đó đủ khả năng đối phó với những tình huống bất ngờ trên biển. Chúng ta có thể đề nghị Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về trang thiết bị, như hệ thống radar cảnh báo sớm trên biển, tàu thuyền để lực lượng chấp pháp thực hiện việc bảo vệ chủ quyền trên biển”, ông Cương nói.
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore), trong năm tài chính vừa qua, Mỹ tập trung hỗ trợ Philippines do đây là nước đồng minh hiệp ước với Mỹ nên Washington cần ưu tiên. "Trong tương lai gần, sau khi đã hiểu rõ cơ chế làm việc của Việt Nam và tập hợp đủ nguồn lực cần thiết, tôi nghĩ Mỹ sẽ tăng những khoản hỗ trợ cho Việt Nam”.
“Thời gian qua, Trung Quốc áp dụng chiến lược là sử dụng những tàu vỏ trắng (bán quân sự, như lực lượng hải cảnh, kiểm ngư)… Các nước trong khu vực không có nhiều năng lực đối phó với chiến thuật này của Trung Quốc. Do Mỹ không thể can dự trực tiếp, nên muốn giúp đỡ các nước ASEAN đủ năng lực để đối đầu với các áp lực. Những tính toán này của Mỹ phù hợp với mong muốn của các nước Đông Nam Á, nên được nhiều nước hoan nghênh”, ông Hiệp nhận định.
Tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Obama nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 23/5, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang cho biết, Hoa Kỳ đã quyết định "dỡ bỏ hoàn toàn" lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. "Việt Nam đánh giá cao quyết định của Hoa Kỳ trong việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam và đây là một bằng chứng rõ ràng cho thấy hai quốc gia đã bình thường hóa quan hệ hoàn toàn," Chủ tịch nước khẳng định tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Obama. Về phần mình, ông Obama tuyên bố: “Hoa Kỳ sẽ bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí quân sự cho Việt Nam.” Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng hành động này đã xóa đi "dấu tích dai dẳng của Chiến tranh Lạnh" và ông cũng nói hai nước đã "phát triển được tới một mức độ tin cậy và hợp tác." |