Phú Bình: Vươn mình phát triển kinh tế xã hội
Với vị trí địa lý nằm cặp theo bờ sông Hậu, xã Phú Bình (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) có lợi thế về sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi thủy sản. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Phú Bình đã tập trung khai thác tiềm năng xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế xã hội; đời sống người dân ngày càng được nâng cao, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững.
Xã Phú Bình có 12.831 nhân khẩu, với 3.321 hộ, được bố trí đều trên 4 ấp. Phú Bình có tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp với lợi thế 7,9km chiều dài nằm cặp theo bờ sông Hậu, song song đó công nghiệp, thương mại và tiểu thủ công nghiệp cũng đang dần phát triển, nổi bật là làng bó chổi bông sậy, bông cỏ thu hút nhiều lao động nên cũng là điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.
Năm 2023, thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội của UBND huyện Phú Tân, thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy - HĐND xã, UBND xã Phú Bình đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế- xã hội và tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Từ đó lãnh đạo, điều hành thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng uỷ, HĐND xã.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự chủ động của các ngành, các cấp, tinh thần quyết tâm và kịp thời trong chỉ đạo, điều hành của Đảng ủy, UBND xã, sự giám sát chặt chẽ của HĐND cùng với sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, kinh tế- xã hội xã Phú Bình tiếp tục đạt được kết quả khả quan trên tất cả các lĩnh vực, nhiều công trình dự án được triển khai, các mục tiêu an sinh xã hội được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội và quốc phòng, an ninh được được giữ vững. Xã hoàn thành 16/17 chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết HĐND, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 70 triệu đồng/ năm; Tổng thu ngân sách từ kinh tế trên 8 tỷ đồng/ năm, các chỉ tiêu khác đều đạt so với kế hoạch đặt ra.
Đến nay xã có 7,22 km đường giao thông được nhựa hóa, đạt chuẩn đường cấp độ B theo quy định của Bộ Xây dựng, kết nối giao thông liên xã, liên huyện; đường liên ấp; đường ngõ, xóm; trục chính nội đồng được bê tông hóa đạt chuẩn; 19 kênh, 17 cống, 16 trạm bơm điện và hơn 9,3km đê bao kiểm soát lũ đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu tưới, tiêu của 781 ha diện tích đất lúa và rau màu đang sản xuất.
Hệ thống lưới điện nông thôn theo hướng an toàn, tin cậy, ổn định và đảm bảo mỹ quan, đến nay có 100% hộ dân sử dụng điện; cơ sở vật chất cho các trường mẫu giáo, trường Tiểu học, trường Trung học cơ sở đảm bảo đạt chuẩn theo quy định. Xã có Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng được đầu tư xây dựng từ năm 2016, đến đầu năm 2023 được cải tạo sửa chữa đảm bảo phục vụ thường xuyên cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, chính trị quan trọng của địa phương.
Trạm y tế xã nằm ở vị trí thuận lợi giúp người dân dễ dàng tiếp cận chăm sóc sức khỏe, xe ô tô cứu thương có sẵn phục vụ chuyển bệnh miễn phí cho dân nghèo.
Phú Bình cũng đang phát triển, hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn; tăng cường xây dựng cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở, truyền hình cấp huyện; phát triển và duy trì các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính.
Ông Trần Văn Mưa (ấp Bình Thành, xã Phú Bình), Tổ trưởng Tổ làng nghề bó chổi Phú Bình cho biết: “Nhờ có chủ trương phát triển nông thôn mới, đường làng, ngõ xóm được tôn tạo khang trang sạch đẹp, nhiều năm nếp Phú Bình trúng mùa cũng tạo thu nhập, đem lại nguồn lợi kinh tế cho xã nông thôn. Người dân Phú Bình có mức sống, thu nhập cao hơn trước, cuộc sống ấm no, nông thôn khởi sắc cũng nhờ ơn Đảng, trong đó sự điều hành linh hoạt của chính quyền địa phương để người dân có nhiều cơ hội phát triển kinh tế trong đó làng nghề bó chổi bông sậy đang vươn mình phát triển tạo nên không khí nhộn nhịp ở làng quê, cao điểm nhất là vào mùa Tết Nguyên đán”
Bà Lê Thị Kiều Oanh, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Phú Bình cho biết, trong thời gian tới, xã sẽ phấn đấu và thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái; xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu;
Đồng thời ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; phát triển ngành nghề, du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; nâng cao chất lượng đào tạo nghề; chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP.
Nhờ thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xã đã xóa nhà ở tạm, dột nát; nâng cao chất lượng nhà ở dân cư, hỗ trợ vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng- xanh- sạch- đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn. Toàn xã vận động hơn 1,2 tỷ đồng giúp cho 585 lượt hộ nghèo, cận nghèo và hộ khó khăn; xây mới 16 căn nhà Đại đoàn kết, sửa chữa 03 căn với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng; trợ cấp khó khăn đột xuất cho 210 lượt hộ với tổng số tiền trên 140 triệu đồng nhằm giúp cho các hộ nghèo giảm bớt một phần khó khăn trong cuộc sống…
Từ những phong trào và kết quả xây dựng nông thôn mới có thể khẳng định Phú Bình đã phát huy được sức mạnh tập thể, thúc đẩy kinh tế xã hội chung tay giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh, tiến tới xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Kỳ vọng những giải pháp và mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội thực hiện trong năm mới 2024 sẽ đưa Phú Bình phát triển vươn xa trong những năm tiếp theo.