Đời sống

Người lao động cần biết những quy định liên quan đến kỳ nghỉ Tết

Minh Lý 31/01/2024 - 06:01

Theo thông báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), những quy định liên quan đến kỳ nghỉ Tết Người lao động cần biết.

Lương làm thêm giờ ngày lễ, Tết được tính thế nào?

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 và khoản 1 Điều 59 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp muốn sử dụng người lao động làm thêm giờ vào ngày Tết phải được sự đồng ý của người lao động (trừ một số trường hợp công ty được điều động làm thêm giờ mà không cần người lao động đồng ý quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2019).

Về mức lương làm thêm giờ, theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm thêm dịp Tết Nguyên đán vào ban ngày được trả ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ đối với người lao động hưởng lương ngày (tổng cộng là 400%).

Phần tiền làm thêm của người lao động được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Như vậy, người lao động đi làm vào ngày nghỉ của dịp Tết Nguyên đán 2024 được trả số tiền lương ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Đồng thời, nếu người lao động làm việc vào ban đêm và làm thêm giờ vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương + 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, Tết.

anh-minh-hoa.(1).png
Ảnh minh họa.

Người lao động có được tạm ứng lương trước khi nghỉ Tết?

Theo quy định tại Điều 101 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được ứng trước lương trong một số trường hợp như tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.

Tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc, để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 1 tuần trở lên, nhưng tối đa không quá 1 tháng tiền lương và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.

Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.

Như vậy, người lao động được thỏa thuận với người sử dụng lao động ứng trước lương để nghỉ Tết mà không bị tính lãi.

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 97, Điều 101 và khoản 2 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019, mức tiền tạm ứng tiền lương sẽ theo từng trường hợp tạm ứng.

Cụ thể, tối đa 1 tháng tiền lương trong trường hợp người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 1 tuần trở lên; khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ khi người lao động nghỉ hằng năm.

Dựa trên khối lượng công việc đã làm trong tháng đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán; 50% tiền lương khi người lao động bị tạm đình chỉ.

Trong trường hợp hai bên tự thỏa thuận thì mức tiền tạm ứng sẽ được thực hiện dựa trên ý chí của người lao động và người sử dụng lao động. Pháp luật không quy định cụ thể mức tiền lương tạm ứng tối đa.

Tạm ứng tiền lương là việc người lao động nhận tiền lương của mình trước thời hạn, không phải là khoản tiền vay nên sẽ không phải chịu bất kỳ lãi suất nào.

Mức tiền lương tạm ứng sẽ dựa trên đề xuất của người lao động, và các yếu tố khác như mức lương hiện hưởng, hoàn cảnh, công việc, thời gian làm việc tại công ty của từng người. Nếu ứng lương trước Tết, người lao động có thể đề xuất tạm ứng lương từ 30%, 50%, 70%, 100%...

Minh Lý