Đời sống

Đổi thay làng tái định cư Đăk Krăk

Văn Hà 30/01/2024 - 18:30

Được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền định phương, sau gần 10 năm thành lập, làng tái định cư Đăk Krăk, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đã dần đổi thay, đời sống Nhân dân ổn định, đi lên.

Làng Đăk Răk, xã Hòa Bình được hình thành trên cơ sở triển khai thực hiện Đề án xây dựng khu tái định cư, giãn dân các làng đồng bào dân tộc thiểu số nội thành, thành phố Kon Tum giai đoạn 2011-2015.

Năm 2015, thành phố đã thực hiện giãn dân 72 hộ Đồng bào DTTS của Phường Quang Trung (25 hộ) và Phường Thống Nhất (47 hộ). Lúc này, 100% các hộ thực hiện giãn dân đều là hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, thiếu đất canh tác, sản xuất…

Để ổn định đời sống cho các hộ giãn dân, lãnh đạo UBND thành phố Kon Tum đã triển khai thực hiện đảm bảo các nội dung Đề án đề ra. Trong đó đặc biệt quan tâm đến các nội dung tạo sinh kế cho hộ dân.

screenshot_20240130_180039.jpg
Cuộc sống của gia đình anh A Hưih đã dần ổn định

Cụ thể, thành phố đã cấp đất sản xuất 1ha/hộ., triển khai hỗ trợ 40.528 cây cao su giống và 20.260,8kg phân bón các loại, 482 chai thuốc bảo vệ thực vật để phát triển Cao su tiểu điền với diện tích 64,8ha. Hỗ trợ mô hình trồng vườn rau gia đình cho 72 hộ với diện tích 2.160m2 (hỗ trợ 25,55kg giống rau các loại; 2.190m lưới rào vườn, 73 thùng tưới nước và 3.650kg phân lân vi sinh). Hỗ trợ giống cây ăn quả: 1.224 cây...

Trao đổi với phóng viên, anh A Hưih (trú tại làng Đăk Krăk) cho biết, từ khi đến đây sinh sống, được lãnh đạo, nhà nước quan tâm hỗ trợ nên cuộc sống đã dần ổn định và đi lên. Gia đình anh đã biết trồng cây nông nghiệp, cây ăn quả, rau củ… bán kiếm tiền trang trải cuộc sống và lo cho các con ăn học.

“Giờ cuộc sống đã cơ bản ổn định rồi, các cây nông nghiệp cũng đã thu hoạch, kinh tế gia đình cũng khá hơn trước và người dân trong làng không còn trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước như trước. Rất biết ơn các cấp, ngành đã luôn quan tâm, giúp đỡ gia đình phát triển như ngày hôm nay”, anh A Hưih xúc động.

Chị Y Kyaoh (làng Đăk Krăk) cho biết, so với cuộc sống ở nơi ở cũ thì ở đây sướng hơn rất nhiều. Có đất sản xuất, được sự hướng dẫn hỗ trợ cây giống từ nhà nước giúp cho gia đình có “cần câu cơm” để sống. Giờ chị cố gắng siêng năng làm việc để cho con cái có cuộc sống sung túc, ấm no hơn.

screenshot_20240130_180056.jpg
Người dân trong làng đã biết trồng cây công nghiệp, phát triển kinh tế gia đình

Chị Y Nếp, Bí thư Chi Bộ kiêm Trưởng thôn làng Đăk Krăk chia sẻ, là một người cán bộ thôn lúc nào chị cũng phải tiên phong và gương mẫu đầu tiên nhất. Chị đi vay vốn, đầu tư vào chăn nuôi để phát triển thêm mô hình kinh tế điển hình, có thêm thu nhập. Khi bà con thấy cách đầu tư của chị có hiệu quả thì bà con làm theo. Chị luôn sẵn sàng hướng dẫn tận tình cho người dân từ cách thức xây chuồng trại, con giống, cách chăn nuôi đạt hiệu quả để cùng nhau phát triển.

“Giờ đây người dân trong làng đã biết làm kinh tế, trồng cây nông nghiệp, cây ăn trái, rau củ quả để phục vụ gia đình và mang đi bán kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống người dân đã dần ổn định so với những năm về trước. Tôi hi vọng người dân làng sẽ luôn đoàn kết, cùng nhau xây dựng gia đình ấm no, buôn làng phát triển hơn”, chị Y Nếp mong muốn.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Mân, Chủ tịch UBND TP. Kon Tum cho biết, làng Đăk KRăk hiện đã có 89 hộ với 468 nhân khẩu. Từ 100% các hộ dân đều là hộ nghèo thì hiện tại làng chỉ còn 1 hộ nghèo và 24 hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người 38 triệu đồng người/năm (tính đến 31/12/2023).

screenshot_20240130_180022.jpg
Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương mà đời sống của người dân làng tái định cư Đăk Krăk đã dần ấm no, đủ đầy

Để có được những kết quả như vậy, lãnh đạo, các cấp ngành của thành phố đã luôn sát sao, gần dân, hướng dẫn người dân tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Tạo điều kiện hỗ trợ những con giống, cây trồng hiệu quả để người dân áp dụng vào trồng, sản xuất. Nhờ vậy đã mang lại hiệu quả thiết thực, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, thu nhập của người dân trong làng tăng cao.

“Thời gian tới, UBND thành phố sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tuyên truyền, vận động các đối tượng trong độ tuổi lao động tham gia các lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp nhằm nâng cao trình độ sản xuất, tham gia vào thị trường lao động tại một số doanh nghiệp trên địa bàn đang có nhu cầu sử dụng. Thực hiện có hiệu quả công tác lồng ghép các nguồn vốn (vốn sự nghiệp địa phương, nguồn Chương trình MTQG) xây dựng một số mô hình điểm sản xuất nông nghiệp trong đó tập trung xây dựng mô hình cây ăn quả, rau, củ, quả, chăn nuôi bò thịt, gà, lợn... để nhân dân có điều kiện thăm quan, tiếp cận kỹ thuật, kinh nghiệm để tự tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể của hộ gia đình”, ông Mân nói.

Văn Hà