Trong những ngày cận kề Tết, không khí tại làng khô mè Quang Châu trở nên hết sức náo nhiệt và tất bật. Ở đây, lửa luôn rực cháy trong lò, và hàng chục công nhân đang miệt mài làm việc liên tục để tạo ra những mẻ bánh thơm ngon, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho người mua trong mùa Tết. Bí quyết để có được mẻ khô mè ngon không chỉ là ở chất lượng nguyên liệu mà còn ở quá trình chế biến tinh tế. Đầu tiên, bột gạo phải được lựa chọn kỹ càng, đây cũng chính là yếu tố chính tạo nên sự giòn ngon của chiếc bánh. Sau đó, cho một ít nước để vò cho bột gạo tơi ra, không bị vón cục, giúp bột vào khuôn mịn hơn và khi đem hấp không bị vỡ ra. Tiếp đến, người thợ rải bột đều vào từng ô vuông của khuôn, đặt một lớp vải thô dưới khuôn. Sau đó, sử dụng một que tre nhỏ để tạo hình mặt bánh. Bánh sau khi định dạng sẽ được chưng cách thủy trên lò đã đun sôi khoảng 5 phút. Quá trình này giúp tạo nên đặc tính và cấu trúc đặc biệt cho bánh, đồng thời làm cho nó trở nên phong phú về hương vị và kết cấu. Khi bánh được hấp chín, người làm bánh sử dụng lửa từ than để nướng bánh. Qua 7 lần lửa trên bếp than, đòi hỏi người thợ phải điều chỉnh lửa linh hoạt để giữ cho bánh luôn giòn, ngon. Mỗi lần nướng là một “bước đi” trong sự hoàn thiện của chiếc bánh. Đây là công đoạn kỳ công và tốn nhiều công sức nhất vì chỉ cần lơ là đi vài giây bánh có thể bị cháy ngay. Bánh khô mè còn được gọi là bánh "bảy lửa" do qua 7 lần lửa trên bếp than hồng trong quá trình nấu và nướng. Điều này tạo ra hương vị và độ giòn đặc trưng, giúp bánh khô mè trở nên độc đáo và hấp đẫn. Sau khi bánh được nướng xong, người thợ sẽ thắng nước đường trên lò than nóng, sau đó sẽ phủ cho từng chiếc bánh mè một lớp đường vừa đủ. Công đoạn quan trọng tiếp theo là tẩm mè toàn bộ chiếc bánh, tạo nên độ dẻo, cứng giòn và hương vị độc đáo. Bí quyết để có những chiếc bánh ngon nằm ở kỹ thuật nấu đường và rang mè. Đường phải lấy từ đường Quảng Ngãi, mè thì phải lấy từ Hội An, có như thế mới ra đúng chuẩn vị bánh mè Quang Châu. Người nấu đường phải quan sát, căn chỉnh nhiệt độ để đảm bảo đường nấu đạt tới màu cánh gián sẽ tạo nên độ mềm dẻo cho bánh, kéo sợi vàng óng. Bà Nguyễn Thị Nghĩ - chủ một cơ sở tại làng bánh Quang Châu chia sẻ: “Việc nấu, nướng qua 7 lần lửa, mỗi lần với nhiệt độ khác nhau, không chỉ giữ nguyên hương vị tự nhiên mà còn tạo ra lớp vỏ giòn và màu sắc hấp dẫn. Ngoài ra, bí quyết tẩm đường và tẩm mè cho bánh đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế. Đường thắng phải tới và thêm chút gừng để tạo vị thơm và cay cay, mè phải đạt được độ giòn và mùi thơm đặc trưng. Những quy trình này, mặc dù đơn giản, nhưng lại là chìa khóa quan trọng giúp bánh giữ được hương vị và chất lượng”. Mỗi thợ làm bánh trung bình có thể kiếm được 300 - 400.000 đồng mỗi ngày. Nghề truyền thống làm bánh khô mè không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người thợ mà còn góp phần làm ấm lòng những người dân địa phương với một cái Tết đầy đủ và ấm cúng. Bếp lò làm bánh như những ngôi nhà nho nhỏ đang phát ra hơi nước và mùi thơm ngào ngạt của bánh khô mè. Ánh sáng từ bếp lò làm bừng sáng không gian, tạo nên một bức tranh sống động và ấm áp. Các công nhân, với đôi bàn tay khéo léo, tận tâm tạo nên những chiếc bánh không chỉ đẹp mắt mà còn truyền đạt hương vị truyền thống của làng nghề này. Mỗi ngày, làng nghề này đều liên tục “đỏ lửa” từ 2 giờ sáng để tạo ra những chiếc bánh đặc sản độc đáo nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ vào ngày Tết. Theo bà Nghĩ cho biết: “Trung bình ngày thường nhà tôi sản xuất được 7.000 chiếc bánh. Vào thời điểm Tết thì tăng gấp đôi khoảng đâu đó 12.000 đến 15.000 chiếc. Bánh khô mè Quang Châu này được đưa đi tiêu thụ khắp nơi trên đất nước, thậm chí còn được xuất khẩu nước ngoài”. Với mức giá linh hoạt từ 35.000 đồng đến 65.000 đồng mỗi sản phẩm. Giá cả hợp lý giúp bánh khô mè trở nên vô cùng phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng trong những ngày Tết đến, Xuân về. Trải qua bao thập kỷ, bánh khô mè làng Quang Châu vẫn giữ được nguyên cách làm bánh thủ công như một di sản vô giá. Từ việc giã gạo, hấp bột bằng than củi đến việc sấy bánh bằng than hoa, tất cả đều được thực hiện bằng đôi bàn tay tài năng và sự đam mê của những người làm nghề. Điều này không chỉ giữ cho hương vị truyền thống được bảo toàn mà còn tôn vinh nghệ thuật làm bánh truyền thống. Khô mè - một loại bánh đặc sản truyền thống đã trở thành bảo vật không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên trong những ngày Tết tại Đà Nẵng - được vinh danh là một trong ba biểu tượng ẩm thực của Đà Nẵng và được tổ chức Kỷ lục Việt Nam chứng nhận là đặc sản. Khô mè Quang Châu có thể được coi là một trong những biểu tượng của văn hóa ẩm thực độc đáo của Việt Nam.
Thanh Thảo- Kim Ánh