Cảnh giác khi mua hàng qua mạng
Mua bán qua hình thức phát trực tiếp (Livestream) trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử hiện đang là xu thế được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Tuy nhiên, bên cạnh việc giao thương lành mạnh, không ít đối tượng đã lợi dụng sự khó kiểm soát chất lượng hàng hóa nên đã quảng cáo và bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái,... gây thiệt hại đối với người tiêu dùng.
Việc bán hàng qua hình thức livestream ngày càng được ưa chuộng và phổ biến bởi vì tính tiện dụng của nó.
Việc kinh doanh này được nở rộ từ giai đoạn phòng chống dịch Covid-19. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh hay máy tính có kết nối Internet, người bán có thể tự tổ chức một buổi phát sóng có hàng trăm, hàng nghìn người tham gia. Đặc biệt, giao dịch mua bán diễn ra rất nhanh cùng mức giá “đặc biệt ưu đãi” chỉ có trong “giờ vàng” livestream.
Tuy nhiên, hình thức mua bán qua livestream ngày càng phổ biến thì các chiêu trò lừa đảo, che mắt người tiêu dùng ngày càng tinh vi. Người bán hàng đã lập nhiều tài khoản Facebook, TikTok,.. để livestream bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng.
Các sản phẩm này chủ yếu được giới thiệu qua màn hình, dưới ánh đèn, có sự tác động của các app video, cùng những lời giới thiệu có cánh và luôn giục giã của người bán, thì chất lượng sản phẩm là điều khó có thể kiểm định được.
Rất nhiều người sau khi mua hàng đã phải chịu cảnh “tiền mất tật mang”, “ngậm đắng” bởi sản phẩm sau khi nhận không đúng với khi quảng cáo, hoặc hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Anh T.T.D (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Tôi hay xem livestream trên Facebook, TikTok để mua hàng, tình cờ tôi có xem quảng cáo bán chảo chống dính mang thương hiệu nổi tiếng của Đức và là hàng chính hãng, do đang trong khung giờ vàng livestream nên giá bán rẻ hơn rất nhiều so với giá hãng niêm yết nên đã tin tưởng đặt mua. Tuy vậy, sau khi nhận hàng và sử dụng, tôi mới biết mình đã mua phải hàng nhái chất lượng, khác xa với hình ảnh quảng cáo. Tôi tự nghĩ sẽ không bao giờ mua hàng qua mạng nữa.”
Chị T.T.V. (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, có lần tôi vào trang bán hàng đang livestream để chọn mua bộ quần áo trẻ em với mức giá hơn 2 triệu đồng. Nghĩ rằng mất tiền nhiều mua hàng sẽ mua được hàng chất lượng ai ngờ sau khi tôi kiểm tra hàng thì thấy quần áo có chất lượng rất kém, tôi đã liên lạc ngay với nơi bán hàng thì được trả lời “thuận mua vừa bán” không nhận lại hàng đã giao. Tôi phải “ngậm đắng” nhận hàng không đúng với sản phẩm đã đặt, tiền mất và thêm ức chế.
Việc buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ luôn là nỗi lo của người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Rất nhiều vụ việc kinh doanh, sản xuất hàng giả, nhái thương hiệu lớn đã được lực lượng Công an và Quản lý thị trường phát hiện, xử lý.
Hiện nay, tình trạng phát trực tiếp quảng cáo bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả ngày càng phổ biến. Một phần cũng do người dân khi mua hàng trên mạng xã hội còn theo trao lưu, cảm tính, ham mua đồ rẻ, khi theo dõi mua hàng tại các buổi livestream thường có tâm lý sợ mất lượt mua nên không có thời gian để tìm hiểu về hàng hóa, mua hàng theo đám đông, dễ tin vào các lời quảng cáo của người bán hàng, đặc biệt người bán hàng đó lại là người nổi tiếng thì lại càng dễ tin.
Mặt khác, do chưa có các biện pháp đủ mạnh để có thể kiểm soát được các hoạt động livestream bán hàng trên mạng.
Thiết nghĩ, cần có những giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa, giảm bớt nạn hàng giả nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như phòng chống nguy cơ thất thu thuế cho ngân sách nhà nước khi có rất nhiều người bán hàng qua livestream có doanh thu rất lớn, nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các hoạt động kê khai và đóng thuế theo quy định của pháp luật.
Cũng cần có các quy định cụ thể và rõ ràng, tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, cụ thể là tuyên truyền các quy định liên quan sản xuất, buôn bán hàng giả tới các đối tượng và thành phần trong xã hội.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ quản của sàn thương mại điện tử, nền tảng số, mạng xã hội để có các hoạt động livestream bán hàng, để các đơn vị này có các động thái: Cho phép người dân báo cáo tài khoản livestream bán hàng giả, hàng kém chất lượng; có các biện pháp kiểm soát đăng ký tài khoản có hoạt động livestream bằng các thông tin thật.
Chỉ cho phép livestream bán hàng khi có giấy phép đăng ký kinh doanh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép.
Có các biện pháp xử lý nghiêm nếu các tài khoản livestream vi phạm quy định: Khóa tài khoản, trừ tiền ký quỹ.
Chia sẻ dữ liệu các tài khoản livestream vi phạm pháp luật về buôn bản hàng giả tới cơ quan chức năng để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Qua đó, nhằm đưa hoạt động kinh doanh này vào trật tự, chịu sự quản lý, giám sát từ phía các cơ quan nhà nước, cùng các chế tài xử lý vi phạm phù hợp.
Về phía người tiêu dùng, khi mua hàng cũng cần kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ; tìm hiểu kỹ thông tin hàng hóa trước khi mua; không chọn mua và sử dụng các hàng hóa giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Cần thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện có các cá nhân, tổ chức bán hàng livestream là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng và quyền lợi của các cá nhân, tổ chức đang sản xuất, buôn hàng thật.
Việc gian dối, bán hàng nhái, hàng giả... là hành vi vi phạm pháp luật và xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi nhà sản xuất và người tiêu dùng. Tùy thuộc vào nội dung, tính chất và mức độ vi phạm, các hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, nếu trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015"