Doanh nghiệp - Doanh nhân

Thị trường vật liệu xây dựng chưa thể phục hồi

Trang Nhi 15/01/2024 - 08:37

Việc ngành vật liệu xây dựng vẫn chưa bứt phá được dù vào cao điểm mùa xây dựng được cho là thị trường bất động sản không khởi sắc. Từ các dự án đầu tư công đến xây dựng dân dụng đều giảm nhu cầu.

Theo nhận định của Bộ Xây dựng, nhóm ngành vật liệu xây dựng hàng năm đóng góp gần 7% GDP của Việt Nam. Ngành cũng có vai trò quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển cho kinh tế xã hội. Tuy nhiên, trước tình hình bất động sản trong nước giảm sâu, dự án đầu tư công triển khai chậm, kinh tế toàn cầu bất ổn đã tác động đến đầu ra của toàn ngành. Dự báo năm 2024, các doanh nghiệp (DN) trong ngành vật liệu xây dựng vẫn tiếp tục đối diện nhiều khó khăn.

xay-dung.jpeg
Việc ngành vật liệu xây dựng vẫn chưa bứt phá được dù vào cao điểm mùa xây dựng được cho là thị trường bất động sản không khởi sắc. Từ các dự án đầu tư công đến xây dựng dân dụng đều giảm nhu cầu.

Các DN trong ngành xây dựng và vật liệu xây dựng tập trung vào thị trường bất động sản hầu như đang đóng băng, thậm chí phải dừng hoạt động đột ngột. Bởi khi các dự án bất động sản gặp khó tất yếu tác động lên hoạt động của các DN ngành xây dựng và cung ứng vật liệu xây dựng,

Các chuyên gia khẳng định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của ngành vật liệu xây dựng nhưng một trong những nguyên nhân chính vẫn là do thị trường bất động sản không phát triển, thậm chí là suy giảm mạnh.

PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn, khoa Vật liệu xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, cho biết yếu tố nữa tác động tới ngành vật liệu xây dựng là nhu cầu tiêu thụ các loại vật liệu xây dựng còn yếu. Nguyên nhân là do thị trường bất động sản được dự báo phải đến giữa và cuối năm 2024 mới hồi phục, trong khi bất động sản được coi là đầu ra của ngành vật liệu xây dựng. Khi bất động suy giảm, đồng nghĩa với việc chưa kích cầu cũng như chưa tác động tích cực đến phát triển sản xuất ở ngành vật liệu xây dựng.

Thực tế cho thấy, chỉ có một số dự án của Nhà nước đang được triển khai để đáp ứng tiến độ, còn lại các công trình xây dựng dân dụng, nhà ở được các chuyên gia cho rằng giảm khoảng 60-70% so với năm ngoái do tình hình kinh tế khó khăn, người dân, doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó, tình hình bất động sản được cho là vẫn bị lệch pha về cung cầu nên nhu cầu xây dựng chưa cao.

Dù đầu ra của các loại vật liệu xây dựng chưa được rộng mở nhưng có một điều mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực này lo lắng là giá một số loại vật liệu xây dựng liên tục nhảy múa, thậm chí tăng cao làm ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận và giảm cả khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, dù 2 - 3 năm trở lại đây, Chính phủ rất quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công, bởi đầu tư công là giải pháp cực kỳ quan trọng để kích cầu thị trường VLXD, đặc biệt là các dự án hạ tầng kỹ thuật để kéo lại sự cân bằng phần nào cho thị trường, tạo công ăn việc làm cho ngành xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, đầu tư công cũng có hạn chế là không thể phủ hết các loại VLXD khác nhau được và nguồn cũng có hạn.

Trang Nhi