Đền Chợ Củi- Ngôi đền linh thiêng dưới chân núi Ngũ Mã
Đền Chợ Củi (tên chữ là Thánh Mẫu Linh từ) là công trình kiến trúc độc đáo, cổ kính được khởi dựng từ thời Lê Sơ, tọa lạc dưới chân núi Ngũ Mã bên bờ sông Lam thuộc xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Ngôi đền cổ với kiến trúc độc đáo
Theo hồ sơ xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật Đền Chợ Củi (năm 1993), Đền Chợ Củi thờ Thánh Mẫu (tức Liễu Hạnh Công Chúa). Đền gồm các ban thờ Ngọc Hoàng, Thánh Mẫu, Ngũ vị Quan/Tôn ông, các Chầu/Cô, các Hoàng/Cậu; phối thờ Đức thánh Quan Hoàng Mười và Hưng Đạo Đại Vương.
Hàng năm, lễ hội Đền Chợ Củi diễn ra vào dịp ngày 3 tháng 3 Âm lịch (ngày giỗ Thánh Mẫu), ngày 20 tháng 8 Âm lịch (ngày giỗ Đức Thánh Trần) và ngày 10 tháng 10 Âm lịch (ngày giỗ Quan Hoàng Mười). Đây là những dịp đông đảo khách thập phương về chiêm bái, hành lễ với niềm tin sẽ được Thánh Mẫu, các quan lớn, các Chầu, quan Hoàng Mười và Đức Thánh Trần phù hộ.
Về mặt kiến trúc, theo thông tin được công bố bởi UBND huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh), Đền Chợ Củi có cấu trúc theo kiểu chữ Tam gồm các hạng mục tam quan, hạ điện, trung điện và thượng điện, mặc dù đã trải qua nhiều lần tôn tạo nhưng vẫn giữ lại nét xưa, trang nghiêm thần bí, hài hòa với cảnh quan sông núi và tân thế của dân gian.
Tam quan đền ở cạnh liền bến sông, cao 2 tầng, có lưỡng long chầu nguyệt, đường nét uyển chuyển mà tinh xảo. Qua tam quan, vòng hồ bán nguyệt ở sân dưới của đền, qua 7 bậc thềm nữa là đến sân trên và thêm 5 bậc thềm nữa là đến đền. Tổng quan kiến trúc của ngôi đền được xây dựng theo kiểu chữ tam, bao gồm 3 toàn, mỗi toàn 3 gian.
Bố cục kiến trúc Đền Chợ Củi khác với các ngôi đền khác, ở đây các toàn được cấu tạo nối liền với nhau theo trục thần đạo và toàn bộ không gian nội điện được bố trí thành các cung thờ từ trên xuống dưới gồm cung thờ Thánh Mẫu (thờ Tam phủ), cung thờ Ngũ vị Tôn ông, cung thờ Quan Hoàng Mười, cung Chầu Mười và cung Trần Triều.
Về Quan Hoàng Mười được lập cung thờ tại Đền Chợ Củi, tương truyền là con của con trai Long thần Bát Hải Động Đình. Tuy nhiên, trong tâm thức người dân Hà Tĩnh, ông Hoàng Mười là hiện thân của Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi, vị tướng tài thời nhà Lê, tham gia nghĩa quân Lam Sơn lập được nhiều công lao trong công cuộc đánh đuổi giặc Minh vào thế kỷ XV. Sau khi chiến thắng khải hoàn, ông được Lê Lợi giao cho trấn giữ vùng đất Hoan Châu, tại đây ông đã có công giữ yên bờ cõi, chăm sóc vỗ về dân chúng làm ăn sinh sống, nên sau khi ông mất nhân dân lập đền thờ và rất linh thiêng.
Thăng trầm và uy nghiêm
Lịch sử khởi tạo và quá trình giữ gìn, tôn tạo Đền Chợ Củi có đóng góp không nhỏ của nhân dân địa phương, trong đó phải kể đến công lao của các thế hệ thuộc dòng họ Nguyễn Sỹ.
Hiện tại, hai anh em ruột là ông Nguyễn Sỹ Quý và ông Nguyễn Sỹ Hóa đang là đồng thủ nhang Đền Chợ Củi. Hai vị thủ nhang này cho biết, hàng trăm năm trước, cụ tổ của họ là Nguyễn Văn Tịu đã khởi dựng một cái am nhỏ tại khu đất Đền Chợ Củi ngày nay, sau đó người dân nhiều nơi di cư đến sinh sống rồi hương khói. Cụ Nguyễn Văn Tịu cũng đã cùng người dân cho dựng bia ghi lại việc hưng công tu sửa Đền.
Cũng theo ông Quý và ông Hóa, gia tộc họ Nguyễn Sỹ đã nhiều thế hệ nối tiếp việc trông coi, gìn giữ, tu bổ Đền Chợ Củi từ hàng trăm năm trước cho đến ngày nay. Trải qua năm tháng chiến tranh và những thăng trầm của lịch sử, cha mẹ của ông Quý, ông Hóa đã cùng với dân làng đứng ra bảo vệ, tu sửa và chăm lo việc hương khói tại ngôi đền. Sau khi cha mẹ qua đời, ông Quý và ông Hóa được giao lại việc trông coi, hương khói tại Đền Chợ Củi.
Theo Quyết định số 57/QĐ-VH ngày 18/01/1993 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), di tích Đền Chợ Củi được xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Năm 2014, gia đình thủ nhang (ông Nguyễn Sỹ Quý và ông Nguyễn Sỹ Hóa) được giao chủ trì, huy động nguồn lực thực hiện công tác sửa chữa, tu bổ, tôn tạo Di tích Đền Chợ Củi theo Quyết định số 1177/QĐ-UBND ngày 28/4/2014 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Qua hàng trăm năm, di tích Đền Chợ Củi được giữ gìn và tôn tạo, uy nghiêm và linh thiêng, trở thành địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng, không chỉ người dân Hà Tĩnh mà người dân cả nước tìm về chiêm bái, hành lễ và vãn cảnh.
Nhất là vào những ngày lễ vào các tháng 3 và tháng 10 (âm lịch), du khách thập phương nô nức đến chiêm bái cửa Đền tấp nập, trải dải đến tận đôi bờ sông Lam.
Trong các ngày lễ, Tết, Ban Quản lý đền phối hợp với địa phương làm tốt công tác duy trì trật tự, tổ chức lễ an toàn, ngăn chặn triệt để nạn móc túi, cướp giật, lừa đảo, hành khất, đảm bảo an toàn cho du khách, cấm các hộ kinh doanh gây mất an ninh trật tự tại khu vực thờ tự, kiên quyết không để số đối tượng lưu manh hoạt động, giúp nhân dân đến du xuân được an toàn.