Thái sư Lê Văn Thịnh: Công lao to lớn, án oan ngút trời
Đời sống - Ngày đăng : 16:54, 28/12/2015
Nhân kỷ niệm 940 năm Thái sư Lê Văn Thịnh đỗ đầu khoa thi Minh kinh bác sĩ và Nho học tam trường (1075-2015). Ông được xem là Trạng nguyên khai khoa của thời Lý và cả lịch sử khoa bảng nước nhà.
Trạng nguyên khai khoa
Tại hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 18 bài viết, nghiên cứu của các giáo sư, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu của Viện: Sử học, Hán Nôm, Việt Nam học và Khoa học phát triển, Tôn giáo, Khảo cổ học, các trường đại học, các hội nghề nghiệp... Trong các tham luận, nhiều tác giả đã đi sâu về hoàn cảnh lịch sử đương thời Thái sư Lê Văn Thịnh và những cống hiến của ông.
Vương triều ông phục vụ - triều Lý - nhận được sự hậu thuẫn từ các trí thức trong giới Phật giáo. Thái sư Lê Văn Thịnh là người tiên phong trong giới Nho giáo vươn lên đỉnh cao của quyền lực trong triều Lý. Chính vì thế ông bị các thế lực ghen ghét quật ngã bằng vụ án oan đầy yếu tố dị đoan của Đạo giáo. Theo TS. Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nhiều nhà nghiên cứu lý giải nguyên nhân về vụ án oan của Thái sư Lê Văn Thịnh có cội nguồn từ sự tranh giành quyền lực giữa các thế lực Nho giáo - Đạo giáo - Phật giáo về quyền lợi kinh tế của tầng lớp quý tộc và giới Phật giáo thời Lý. Đến thời Lê sơ, vua Lê Thái Tổ và các vị vua thời Lê Trung hưng đã gia phong và khẳng định công lao của Thái sư qua các sắc phong, bi ký ở đền thờ nơi quê hương ông.
Rồng đá cắn thân đầy ẩn ý tại Đền thờ Thái sư ở Đông Cứu, xã Bảo Tháp, Gia Bình, Bắc Ninh
Theo bản thần tích lưu tại Đền thờ Thái sư tại quê hương ông, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, Thái sư Lê Văn Thịnh sinh ngày 11 tháng Chạp năm Canh Dần (1050) các nay tròn 965 năm. Ông đỗ đầu khoa thi Minh kinh bác sĩ và Nho học tam trường năm Ất Mão (1075) và được chọn làm thầy dạy vua Lý Nhân Tông. Sau đó ông được phong tới Binh Bộ thị lang và có công cùng Lý Thường Kiệt tổ chức kháng chiến chống quân Tống xâm lược năm 1077 đến thắng lợi. Sau chiến thắng, ông được cử dẫn đầu phái bộ nhà Lý lên tranh biện với nhà Tống về chủ quyền biên giới Đại Việt.
Với tinh thần độc lập quốc gia lãnh thổ và bằng lý lẽ sắc bén, mềm dẻo nhưng kiên quyết, Lê Văn Thịnh đã buộc nhà Tống phải trả lại 6 huyện 3 động cho Đại Việt. Ông được phong chức Thái sư, đứng đầu hàng quan lại triều Lý. Từ đó, ông đem hết tài năng, trí tuệ của mình cống hiến cho công cuộc xây dựng, đổi mới triều đại và canh tân đất nước.
Vụ án oan khuất
Sự nghiệp của Thái sư Lê Văn Thịnh đã kết thúc bằng vụ án "hóa hổ" ở hồ Dâm Đàm đầy oan nghiệt với kết cục bi thảm. Ông bị tước hết quan chức, bị đày ở Thao Giang.
Năm Bính Tý (1096) là năm xảy ra vụ án hồ Dâm Đàm mà Đại Việt sử ký toàn thư ghi rất đơn sơ: “Mùa xuân, tháng 3, Lê Văn Thịnh mưu phản, tha tội chết, an trí ở Thao Giang. Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm, ngự trên thuyền đánh cá nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mây mù có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có hổ, mọi người sợ tái mặt nói: “việc nguy rồi”. Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, hóa ra Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang”.
Thời gian qua đi, lớp “sương mù” nghi hoặc ấy cũng dần tan để hậu thế thấy chân tướng của lịch sử. Tại sao phạm tội mưu giết vua, tội đứng đầu “thập ác” mà không bị xử tội chết, tru di ba họ mà chỉ đưa đi an trí?
Nhà sử học Ngô Sĩ Liên ở thế kỷ XV cho rằng, đó là “lỗi ở nhà vua tin sùng đạo Phật”. Lý Nhân Tông nói riêng và triều Lý nói chung tin sùng đạo Phật là đúng nhưng vì thế mà cho rằng họ ngại “sát sinh” thì không thuyết phục. Sử còn ghi sau khi con trai là Thái tử Càn Đức (7 tuổi) lên ngôi, bà Ỷ Lan đã sai “giam Thái hậu Thương Dương và 76 thị nữ rồi bức phải chết để chôn theo lăng Thánh Tông”…
Toàn cảnh Hội thảo
Trở lại vụ án hồ Dâm Đàm, dân làng Đông Cứu đến nay còn truyền lại rằng, Thái sư Lê Văn Thịnh lường trước được sự việc nên đã cho người về báo cho con cháu đổi sang họ khác và “hóa gia vi tự” nghĩa là sửa nhà của gia đình thành chùa. Do đó chùa Thiên Thư liền kề đền Thái sư chính là nền nhà cũ của gia đình Thái sư Lê Văn Thịnh. Trên đền còn treo bức hoành phi đề “Lê Trạng nguyên cố trạch” là thế. Vì vậy mà không ai bị sát hại và nhà ông cũng không còn để tịch thu. Bây giờ trong làng chỉ có họ Lê Hữu, con cháu học rất giỏi mà không có họ Lê Văn là vì thế.
Minh oan
Chỉ sau 10 năm kể từ khi thi đỗ, từ một người áo vải Lê Văn Thịnh đã được phong chức Thái sư, đứng đầu nội các vào năm 1085. Được giao trọng trách lớn, vượt lên trên bao nhiêu danh thần, dũng tướng đã từng “phá Tống bình Chiêm” hẳn phải do tài năng kiệt xuất của ông.
Lịch sử ghi lại ít ỏi nhưng sự kiện ông lên trại Vĩnh Bình thương nghị với nhà Tống, chỉ bằng lý lẽ mà đòi lại được 6 huyện 3 động quả lại một chiến công lừng lẫy. Trước đó, quân Tống xâm lược nước ta, bất lực trước phòng tuyến sông Như Nguyệt, quân lính chết quả nửa nên năm 1077 phải lui binh nhưng còn chiếm giữ một số vùng đất. Năm 1084, Vua Lý đã cử Lê Văn Thịnh, khi đó là Thị lang Bộ Binh dẫn đầu phái đoàn tới trại Vĩnh Bình thương nghị. Vào hội nghị, phía Tống khẳng định, chỉ trả lại những đất quân Tống đã chiếm, còn đất do những người coi giữ mang nộp để theo nhà Tống thì khó trả lại. Lê Văn Thịnh nói: “Đất thì có chủ. Những người coi giữ mang nộp và trốn đi thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Việc chủ giao mà tự ý lấy trộm đã không tha thứ được, mà trộm của hay tàng trữ của ăn trộm cũng là phạm pháp. Huống chi nay chúng lại mang đất ăn trộm dâng lên để làm nhơ bẩn nhà Tống”… Ông đã dùng lý lẽ về quyền sở hữu để biện luận. Bên lề hội nghị, ông còn viết thư cho quan cai trị Quảng Tây là Hùng Bản để vận động. Sau khi Hùng Bản làm tờ trình, Tống Thần Tông phải chấp nhận trả cho ta 6 huyện 3 động. Theo TS sử học Quỳnh Cư: “Cuộc đàm phán hòa bình về tranh chấp lãnh thổ do Trạng nguyên Lê Văn Thịnh cầm đầu thắng lợi chỉ xảy ra một lần trong toàn bộ lịch sử mối quan hệ Việt Nam - Trung Hoa thời phong kiến”.
Trong 11 năm ông giữ chức Thái sư, ông đã mang kiến thức Nho học ra để cải cách đất nước đang bị Phật giáo chi phối mạnh mẽ. Năm 1086 triều đình tổ chức kỳ thi tuyển những người có văn học trong cả nước. Mạc Hiển Tích đỗ đầu, được bổ làm Hàn lâm học sĩ. Năm sau, lại dựng Bí thư các để tàng trữ sách vở, tài liệu quý hiếm. Năm 1088 lại định các chùa trong cả nước làm ba hạng, đại, trung và tiểu danh lam, cho quan văn chức cao để quản lý ruộng đất và tài sản của nhà chùa, vì bấy giờ chùa có điền nô và nhiều tài sản. Năm 1089 định các quan văn võ và viên chức. Năm 1092 định sổ ruộng đất, quy định chế độ thu tô, mỗi mẫu 3 thăng để triều đình chu cấp cho quân đội. Năm 1094 sai Mạc Hiển Tích đi sứ Chiêm Thành đòi tuế cống. Năm 1095 vì đại hạn mất mùa nên tha tù và miễn giảm thuế… Ông cũng đã từng đi sứ được Tống triều nể trọng.
Chỉ bằng vài việc trên đây đủ thấy những chính sách của Thái sư Lê Văn Thịnh chắc chắn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của giới sư sãi đang có nhiều quyền lực và tài sản lúc bấy giờ.
Dưới thời Lý, như Phan Huy Chú nhận xét, “trong dân gian có quá nửa là tăng ni, chùa chiền mọc khắp nơi, đời sau không khỏi phàn nàn”. Ví dụ, tháng 9 năm 1014 chi 310 lạng vàng để đúc chuông; tháng 3 năm 1031 phát tiền thuê thợ làm chùa đến 150 chỗ; mùa đông năm 1041 xuất kho 7560 cân đồng để đúc tượng Phật… Đến thời Lê Nhân Tông thì sự sùng bái đạo Phật lên đến đỉnh cao. Vua còn phong nhà sư Khô Đầu làm Quốc sư để cùng với Tể tướng đứng trên điện để coi quốc sự…
Trong bối cảnh như thế, những cải cách tiến bộ theo tinh thần Nho giáo của Lê Văn Thịnh gặp sự chống đối, ganh ghét là điều khó tránh khỏi. Thái sư Lê Văn Thịnh đã bị loại khỏi vũ đài chính trị một cách oan uổng chính là kết quả của cuộc tranh giành quyền lực lúc bấy giờ.
**
Lịch sử công bình, không phải đến khi có vở chèo “Lý Nhân Tông kế nghiệp” của kịch tác gia tài danh Tào Mạt mà Thái sư Lê Văn Thịnh mới được chiêu tuyết. Ngay dưới thời phong kiến, tên tuổi ông đã được đề trên tấm bia “Kim bảng lưu phương” (Bảng vàng lưu tiếng thơm) tại Văn miếu Bắc Ninh và có “thập đình” - 10 nơi thờ ông làm Thành hoàng; các triều đại phong kiến sau này lần lượt sắc phong cho ông.
Hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp Thái sư Lê Văn Thịnh nhân kỷ niệm 940 năm Thái sư Lê Văn Thịnh đỗ đầu khoa thi Minh kinh bác sĩ và Nho học tam trường, một lần nữa khẳng định Danh nhân Lê Văn Thịnh là bậc đại trí thức có công lao to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất đai cương thổ của Tổ quốc, tinh thần và khí phách của Thái sư Lê Văn Thịnh trường tồn cùng lịch sử. n